Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc: Lặng lẽ cùng con chữ

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc sáng tác đầy ngẫu hứng, không “chăm bẵm” viết để vì cái gì. Thơ anh mang vẻ đẹp thật sự - vẻ đẹp của cảm xúc được “chưng cất”, của ngôn từ được chắt lọc; không làm dáng, không đánh đố. Thơ, cũng như người!

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Ảnh: YÊN LAN

Tôi biết Huỳnh Văn Quốc từ gần 30 năm trước, khi anh được Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phân công phụ trách Thi văn đoàn Phượng Hồng - nơi tập hợp các “mầm bút” đang hăm hở viết những bài thơ, tản văn trong trẻo. Anh Quốc có nụ cười hiền, nói năng từ tốn. Bao năm, nụ cười, cách nói của anh vẫn vậy.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc làm thơ từ khi còn học dưới mái trường Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa). “Năm lớp 10 đã thích làm thơ rồi, bắt chước là chủ yếu. Hồi đó là phong trào thơ mới, thích lắm! Vần điệu thì mình đã tương đối nắm được từ hồi đấy. Sau này mới thấy vần điệu đấy chả phải là thơ, mới bỏ qua một bên, đầu tư vào tứ thơ”, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc chia sẻ.

Anh Huỳnh Văn Quốc gắn bó với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên từ năm 1992 (khi đó là Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên). Năm 1995, anh có tập thơ đầu tiên Vòng tay mẹ, trong tập thơ này có tác phẩm đoạt giải B cuộc thi thơ trên Báo Tiền phong. Cuộc thi đó là một trong số rất ít “sân chơi” mà Huỳnh Văn Quốc tham gia. Anh là một người cầm bút lặng lẽ, vô cùng lặng lẽ!

Sau Vòng tay mẹ, hơn 10 năm sau, năm 2006, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc mới in tập thơ thứ hai Hát với luống cày. Tập này đầy đặn, có những bài thơ đọc xong khó lòng quên được, như bài Hát với luống cày mà nhà thơ dành tặng nông dân quê anh:

…Gié lúa mềm cõng bao toan tính

Cõng cuộc đời bên luống cày sâu

Cõng mối tình đắn đo thôn dã

Cõng ước mơ ngày tháng dãi dầu

Những thân lúa qua tháng mười nghiêng ngả

Cóng bàn tay già trẻ bám đồng

Thóc chín rụng vẫn còn xanh cuống rạ

Đất với người đau đáu suốt mùa đông…

Tôi rất thích thơ Huỳnh Văn Quốc. Mà đâu chỉ mình tôi, nhiều người thích thơ anh. Những bài thơ chân thật, giản dị và tinh tế. Thơ anh mang vẻ đẹp thật sự - vẻ đẹp của cảm xúc được “chưng cất”, của ngôn từ được chắt lọc; không làm dáng, không đánh đố. Thơ, cũng như người!

Huỳnh Văn Quốc sáng tác đầy ngẫu hứng, không “chăm bẵm” viết để vì cái gì. Những bài thơ của anh ra đời một cách tự nhiên và đi vào lòng người một cách tự nhiên. Có thể lấy bài Tiếng vạc đêm đông để dẫn chứng:

…Mẹ ta một thời

Nghiêng tai dõi theo tiếng vạc

Oác...oác

Tiếng nhỏ dần về phương Bắc

Dẫu trời bão lớn cũng ngưng

Oạc...oạc

Tiếng rơi về phương Nam

Sẽ có mưa dầm gió bấc

Tiếng vạc

Rơi vào thinh không

Đêm tối cồn cào

Tiếng vạc

Rơi vào lòng mẹ

Phập phồng suốt cả mùa đông

Hay như bài thơ Bóng mẹ chiêm bao:

Đi về trong giấc mơ tôi

Nhỏ nhoi dáng mẹ một trời thân thương

Góc sân, chái bếp, mảnh vườn

Còn hơi ấm mẹ vấn vương quanh mình

Hỏi gì, mẹ cứ lặng thinh

Mà nghe nhiều với bóng hình vào ra

Mẹ xa thăm thẳm miền xa

Chợt gần thao thức mái nhà chiêm bao…

Có một điều thú vị là không chỉ sáng tác thơ, Huỳnh Văn Quốc còn là một cây bút truyện ngắn được đánh giá cao, cho dù đến nay anh chỉ in hai tập: Tiếng vọng ngày xanh (truyện dài, năm 2001) và Người mẫu trần gian (tập truyện ngắn, năm 2003).

Huỳnh Văn Quốc bảo rằng, có những điều không nói được bằng thơ thì phải viết văn. Những việc dàn trải, nhiều chi tiết thì cần đến văn xuôi, còn đi vào nội tâm thì thông qua thơ. “Tôi thấy thơ nói được nhiều hơn, dù tôi viết ít chớ không nhiều. Thơ là tiếng nói nội tâm, hướng vào bên trong; còn văn xuôi là tiếng nói của đời sống, hướng ra bên ngoài”, nhà thơ chia sẻ.

Thơ “chinh phục” con người bằng sự chân thật, cảm xúc chân thật; sau sự chân thật là vẻ đẹp toát ra từ bài thơ, và những tầng lớp ý nghĩa của thơ.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc

Anh nói, các bậc tiền bối có những “tuyên ngôn” rất chất về thơ. Nhà thơ Lê Đạt nói “Chữ bầu lên nhà thơ”. Nhà thơ Chế Lan Viên có ý rất hay, rằng viết văn cũng như từ lúa xay ra gạo rồi đun lên thành cơm, còn thơ thì từ cơm chưng cất thành rượu, và người ta “say” được. Bao năm qua, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc rất ý thức về điều này. Anh là một người “chưng cất” lặng lẽ, “chưng cất” nên loại rượu đủ ngon và đủ say.

Song một nhà thơ quá lặng lẽ thì những đứa con tinh thần sẽ thiệt thòi. Cho dù thơ là tiếng nói nội tâm thì nhà thơ vẫn muốn chia sẻ, muốn tiếng nói tâm hồn mình nhận được sự đồng cảm. Sáng tác những bài thơ hay mà ít người biết, kể cũng… đáng tiếc. Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc cười hiền “Thì đúng, nhưng mà đâu có ai giống ai”.

Ở một góc độ nào đó, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc có nét giống với nông dân quê anh - những người xuất hiện trong Hát với luống cày:

Không ước được niêu cơm cổ tích

(Câu “nhàn cư” nhắc nhủ cuộc đời)

Thì thôi vậy, tìm hạt cơm trong đất

Lại tìm ra hình bóng con người.

Và anh cứ lặng lẽ sáng tác, không một chút toan tính lợi danh.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc sinh năm 1970, quê ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), hiện sống tại TP Tuy Hòa. Anh có một thời gian dài làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Năm 2015, anh được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Năm 2016, anh được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/255429/nha-tho-huynh-van-quoc--lang-le-cung-con-chu.html