Nhà thơ Lưu Trọng Văn nói về thơ Trần Mạnh Hảo
Nhà thơ - nhà biên kịch Lưu Trọng Văn đã bày tỏ vui mừng khi nhà thơ Trần Mạnh Hảo xuất hiện tại buổi tọa đàm của Hội Nhà văn TP.HCM để đọc bài thơ mà ông rất tâm huyết.
Sáng 4.2, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm chủ đề Dòng thơ giữa phố. Đây là hoạt động được chọn để mở màn cho Ngày thơ Việt Nam 2023 tại TP.HCM.
Khách mời của chương trình gồm những nhân vật quen thuộc trong đời sống thi ca TP.HCM, từ những tên tuổi gạo cội như Lương Duy Cán, Hoàng Hưng, Lê Xuân Đố, Lưu Trọng Văn... đến những gương mặt trẻ trung hơn như Trầm Hương, Trần Lê Khánh, Ngô Thị Hạnh, Nguyệt Thu, Trần Đức Tín... và đặc biệt có sự xuất hiện của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.
Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã tỏ ra xúc động khi ông có mặt tại một hoạt động chính thức do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã chia sẻ câu chuyện làm thơ của ông trong quá khứ, trong đó có nhắc đến bài thơ Tổ quốc của tình yêu mà ông từng đọc trên Đài truyền hình Việt Nam 30 năm về trước. Khi nhà thơ cất giọng đọc, cả khán phòng đều chìm trong xúc động và chính người đọc thơ cũng nghẹn ngào rưng rưng nói không nên lời...
Bên lề của tọa đàm, nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Trọng Văn (con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư) đã dành riêng cho Một Thế Giới những chia sẻ về thơ Trần Mạnh Hảo và sự xuất hiện của nhà thơ nổi tiếng này tại sự kiện do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức.
Xem video chia sẻ của nhà thơ – nhà biên kịch Lưu Trọng Văn:
Tọa đàm “Dòng thơ giữa phố” của HNV TP.HCM trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2023 với thiện chí được lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các nhà thơ nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều bút pháp khác nhau, để có sự thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau trên hành trình sáng tạo cô độc và nhọc nhằn. Những ý kiến dù dị biệt và gay gắt, cũng là thông tin tham khảo đầy cởi mở để chúng ta cùng suy tư cho sự phát triển của thơ Việt trong thế kỷ 21.
Thi ca TP.HCM đa đạng vì sự hội tụ và dung nạp. Từ năm 1975 đến nay, TP.HCM có nhiều thế hệ nhà thơ xuất thân khác nhau cùng sinh sống và sáng tác: Thế hệ nhà thơ đã thành danh tại Sài Gòn, thế hệ nhà thơ trở về từ chiến khu, thế hệ nhà thơ di cư từ miền Bắc và miền Trung, thế hệ nhà thơ trong phong trào đấu tranh học sinh – sinh viên, thế hệ nhà thơ của lực lượng thanh niên xung phong, thế hệ nhà thơ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất...
Xem video phần đọc thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Với tinh thần thẳng thắn và cởi mở, hàng loạt câu hỏi liên quan đến đời sống văn học nghệ thuật của TP.HCM đã được đặt ra cho các diễn giả như: Một thành phố dẫn đầu cả nước về kinh tế, thì thi ca có vị trí như thế nào? Trong quá trình hội nhập quốc tế, thơ có phải mặt hàng đang tuyệt vọng với việc tìm kiếm con đường xuất khẩu sang các quốc gia khác? Dòng thơ tại TP.HCM có giống dòng kênh Nhiêu Lộc hay dòng kênh Thị Nghè đang chờ đợi được đầu tư cải tạo nâng cấp không?... Tuy nhiên phần trả lời của các diễn giả dường như không thỏa mãn sự mong đợi của công chúng yêu thơ...