Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi là người đi ngang qua cánh đồng hội họa'

Lần đầu tiên triển lãm các tác phẩm hội họa của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không cảm thấy áp lực bởi ông bảo: 'Tôi không phải là họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị'.

Người thổi sáo là tên triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ khai mạc 10h ngày 7/1/2021 tại ĐH Mỹ Thuật Việt Nam và sẽ kéo dài đến hết ngày 15/1/2021. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những chia sẻ xung quanh triển lãm này.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ có triển lãm đầu tiên vào ngày 7/1/2021.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ có triển lãm đầu tiên vào ngày 7/1/2021.

Vẽ tranh xây được căn nhà nhỏ 2 tầng cho mẹ

- Cơ duyên nào đưa ông thành "nhà văn cầm cọ"?

Tôi bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Ngày đó dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận - bạn của tôi từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà tôi. Một buổi trưa ông lấy một tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn tôi theo. Bạn thúc giục tôi vẽ cùng với màu vàng đầu tiên vẽ lên toan cuốn tôi đi không thể nào cưỡng nổi.

Và chỉ 5 tháng sau tôi được nhà văn Hoàng Minh Tường lôi vào cuộc triển lãm có tên Nhà văn vẽ cùng các nhà văn, họa sĩ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Trong triển lãm đó tôi mạnh dạn bày 14 bức. Tôi tặng bạn bè 3 bức và 11 bức còn lại tôi bán được hết. Số tiền bán tranh đã giúp tôi xây một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở làng Chùa cho bố mẹ. Sau đó tôi "gác cọ" và nghĩ rằng sẽ không vẽ thêm nữa vì đã 48 tuổi. Muốn vẽ thì phải học, tuổi tôi còn bao thứ phải lo, không có thời gian tập trung để học.

Lần đầu tiên triển lãm các tác phẩm hội họa của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không thấy áp lực.

Lần đầu tiên triển lãm các tác phẩm hội họa của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không thấy áp lực.

- Điều gì thôi thúc ông cầm cọ trở lại và ở tuổi 63 lại cho ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên?

Năm 2012, tôi tới chơi nhà ông Trịnh Văn Sỹ, một thành viên của nhóm nhân sĩ Hà Đông. Vừa bước vào phòng, khách tôi sững người lại. Trước mắt tôi là những bức tranh giấy tôi vẽ từ 7 năm trước giờ được đóng khung treo trang trọng. Đấy là những bức tranh tôi vẽ bằng phấn sáp và mực màu. Hóa ra, nhà thơ Dương Kiều Minh - hàng xóm vì thấy tôi vứt những bức vẽ đó đi thì nhặt lại, trước khi mất đã đưa cho ông Sỹ giữ.

7 năm bỏ vẽ nhưng vì ông Sỹ xây nhà mới và muốn tôi vẽ bức tranh tặng ông, tôi lưỡng lự nhưng do mối thân tình nên nhận lời. Bức tranh Người thổi sáo 1 ra đời vì chiều bạn.

- Người thổi sáo ấn tượng với ông như thế nào mà bức tranh đầu tiên khi cầm cọ trở lại và khi triển lãm đầu tiên ông cũng lấy tên đó?

Trước hết tôi là một cậu bé thổi sáo ở quê. Ngày xưa chỉ có hai thứ mà những đứa trẻ, thanh niên hay những người ở làng quê có thể chơi được. Thứ nhất là đàn bầu - nó bằng ống tre, ống bơ sữa bò, với một cái dây phanh xe đạp để gảy, không có tăng âm, cho nên phải ngồi sát mới nghe được. Thứ hai là sáo - được làm từ cây trúc ở dọc bờ rào, bọn trẻ con chúng tôi hay kéo ra ngoài đê ngồi thổi sáo.

Tôi từng trải qua những ngày tháng mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi tôi ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Tôi đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho tôi một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn thổi nhất.

Giai điệu của khúc sáo ấy đã thay đổi tôi. Những phiền muộn trong lòng tôi bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, tôi đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng tôi không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa. Không hiểu sao, cho đến bây giờ tôi vẫn tin buổi sáng mùa Thu ấy người thổi sáo mù đã từ dãy núi cao đi xuống thành phố.

- Ngoài hình tượng cây sáo thì những hình ảnh như chim bồ câu, bình gốm hay đôi mắt cũng xuất hiện chủ đạo trong tranh của ông. Ông có thể lý giải gì về hình tượng này?

- Ngoài hình tượng cây sáo thì những hình ảnh như chim bồ câu, bình gốm hay đôi mắt cũng xuất hiện chủ đạo trong tranh của ông. Ông có thể lý giải gì về hình tượng này?

Tuổi thơ tôi hay nuôi chim, từ chim sẻ đến chim sáo,... Lớn lên, trong đầu tôi có những tư tưởng lớn hơn, đó là những con chim bồ câu - luôn tạo ra một thế giới thanh bình. Chúng ta đã tàn phá thiên nhiên, đấy là sai lầm. Thiên nhiên rất quan trọng với con người, cây cối là chủ đạo nhưng thực tình tôi vẽ cây xấu quá, mấy lần thử rồi nhưng tôi không thấy ưng nên đành thôi. Còn bây giờ tôi đã vẽ những cây theo cách của mình.

Bình gốm đã ăn vào sâu ký ức của tôi. Lúc nào trong ký ức khi tôi trở về nhà, cái đầu tiên bằng khứu giác tôi cảm nhận được là mùi khói bếp, còn thị giác dâng lên đó là những chiếc lọ gốm trong bếp: lọ đựng mắm, lọ đựng hạt giống. Ngày xưa khi đi chợ ở quê, tôi rất thích đi qua những nơi bán niêu, nồi, chõ.

Trong quan niệm của tôi có 3 cái bình quan trọng: một bình đựng nước, một bình đựng chữ và một bình đựng hạt giống. Với tôi, chỉ có 3 bình đó tạo thành nhân loại, tạo thành thế giới, tạo thành văn hóa. Nếu mất một trong 3 bình đó thì chúng ta sẽ không thể làm gì cả. Nếu như một ngày thế giới tàn lụi, có người đem đến cho tôi 3 bình gốm ấy thì tôi có thể xây dựng lại thế gian này. Tất cả những hình ảnh trên nó mang tính biểu tượng, nó gắn bó với tuổi thơ của những người ở thế hệ tôi.

Tôi là người bị màu sắc thống trị

- Là "nhà văn cầm cọ", hội họa có vị trí thế nào trong sự nghiệp của ông?

Gọi là sự nghiệp cũng không đúng, hội họa giống như một phương tiện để tôi sống nhiều hơn so với người khác. Vì khi làm thơ tôi nhìn thế gian ở một góc và khi sáng tác tranh tôi lại nhìn thế gian thêm một góc nữa, tôi chơi đàn bầu cũng vậy. Thế nên tôi muốn nhìn thế gian đủ đầy thôi. Và chỉ khi sáng tác tận cùng mới mong có thể mang đến điều gì đó.

Người ta hỏi tôi có ý định bán tranh không? thì tôi vẫn bán. Bởi đó là người ta đang chia sẻ với mình, yêu thích là sự chia sẻ trung thực nhất. Tôi rất vui khi có người thích xem và quyết định mua tranh của tôi. Nhiều người nói rằng họ không biết hội họa nhưng xem tranh của tôi họ rất thích. Bởi vì họ thấy trong đó những câu chuyện đồng cảm với mình.

Tôi không phải họa sĩ vẽ tranh để sống. Tôi cứ "trồng" tranh trên cánh đồng ấy, ai đi qua muốn mua thì cứ lấy. Không ai có thể cản tôi trên con đường này. Tôi không phải là một họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị. Tôi là người đi ngang qua cánh đồng hội họa.

Tôi là "nhà văn cầm cọ" nhưng may mắn thay nhận được đánh giá từ mọi người là thoát ra được những văn chương thơ phú để vẽ lên những điều mình thích. Chắc sẽ chẳng ai phán xét tranh của tôi, vì tôi đâu phải họa sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Tôi chẳng học cách phối màu, tôi chỉ vẽ màu này gần màu kia, tôi thấy ưng và thấy nói hợp nhau là được.

- Vậy với ông, nghệ sĩ được làm điều mình thích đó là một thành công?

- Vậy với ông, nghệ sĩ được làm điều mình thích đó là một thành công?

Tôi cho đó là thành công lớn nhất. Bởi vì nếu ta mong chờ ai cũng như Picasso, hay Nguyễn Du thì tất cả chết hết rồi. Vì có hàng triệu người làm thơ, người vẽ. Họ làm thơ, họ vẽ để được bày tỏ, cảm nhận cuộc sống này. Còn nếu chỉ để trở thành một cái gì đó chúng ta sẽ không đi đến đâu. Tại sao mỗi ngày lại có một nhà thơ, một bài thơ ra đời? Bởi vì họ cần viết để cho họ, tạo nên giá trị cho thế gian này.

Tôi không minh chứng cho nghệ thuật nhưng tôi có thể là nhân chứng của một đời sống nghệ sĩ. Một bên là danh tiếng, một bên là đời sống, nó khác nhau hoàn toàn. Những người làm thơ là minh chứng của đời sống thi ca, còn những nhà thơ vĩ đại hãy cứ làm thơ vĩ đại. Những người vĩ đại làm những việc vĩ đại. Có những người làm nên đời sống và có những người thay đổi đời sống.

- Trước ngày diễn ra triển lãm, ông còn trăn trở điều gì muốn vẽ?

Thực ra chẳng ai nghĩ mình đã đi hết con đường, chẳng ai nghĩ mình hoàn thiện. Tôi học Tiếng Việt 63 năm nhưng tôi vẫn bị sai chính tả, sai ngữ pháp, hoặc Tiếng Việt của tôi không đủ để tôi bày tỏ cảm giác bên trong mình. Cho nên là người vẽ cơ bản tôi nghĩ lăn tăn và mong muốn có thêm thời gian hơn nữa để vẽ không chỉ thường trực trong tôi mà còn trong mỗi nghệ sĩ làm nghề chân chính.

Đã thấy vẽ đẹp không ai vẽ nữa, cũng như thấy hoàn thiện trong thi ca rồi không ai làm thơ nữa. Chúng ta luôn cảm giác bị thất bại trước những cái chúng ta làm ra. Tôi luôn khuyên những người trẻ, khi làm thơ hãy in tập thơ ra, để thấy sự thất bại của mình ở đâu, và tiếp tục hoàn thiện trong tập thơ mới. Điều đó có vẻ hơi cầu toàn, nhưng đó là mong muốn của tôi.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nha-tho-nguyen-quang-thieu-toi-la-nguoi-di-ngang-qua-canh-dong-hoi-hoa-701861.html