Nhà thơ Thanh Thảo: Nhớ nửa trang thơ sum vầy bóng bạn
Nhà thơ Thanh Thảo, những lúc vui, thường tự nhận mình là 'dân ca ba miền'. Anh sinh ở miền Trung. Lớn lên ở miền Bắc. Đi lính ở Nam bộ. Ở mỗi miền, anh đều cảm nhận được những tinh chất tốt lành của thiên nhiên và con người nơi ấy.
Tôi thích đọc sách về cuộc đời các nghệ sĩ. Số phận họ chứa đựng nhiều điều đặc biệt mà, khi soi vào, ta thấy thấp thoáng bóng hình mình trong đó. Nhưng, còn một điều kỳ lạ nữa. Hình như, trong lá số tử vi của họ, có chung một ngôi sao. Ngôi sao rực sáng của tình bằng hữu.
Những con người này, luôn được bạn bè quý mến. Đi đâu cũng có kẻ đưa người đón. Ở đâu cũng có bạn bè lo lắng chu toàn. Khi gặp chuyện xui, được bạn bè nâng đỡ. Nói như nhà thơ núi Tản sông Đà là lúc nào họ cũng sống trong khung cảnh “bạn bè sum họp”. Họ như thanh nam châm. Mỗi bước đi đều có sức hút. Rất mạnh. Rất vui. Hết sức ồn ào nhưng cũng hết sức vô tư.
Tác phẩm hay. Cách sống hay. Dù cuộc đời mỗi người đều có những lúc thăng trầm nhưng không ai ca thán. Ngược lại. Họ đều cảm nhận, đó là những “gia vị mạnh” của số phận. Để họ cảm nhận cuộc đời sâu sắc hơn, từ nhiều góc độ hơn. Những giọt cay đắng đó của số phận, khúc xạ qua tác phẩm, chuyển thành hương thơm, trái ngọt. Để từ đó, họ truyền đến công chúng, lòng nhân từ, đức khoan dung với thời cuộc, cộng đồng...
Nhà thơ Thanh Thảo, những lúc vui, thường tự nhận mình là “dân ca ba miền”. Anh sinh ở miền Trung. Lớn lên ở miền Bắc. Đi lính ở Nam bộ. Ở mỗi miền, anh đều cảm nhận được những tinh chất tốt lành của thiên nhiên và con người nơi ấy.
Năm 9 tuổi, anh theo má tập kết ra Bắc. Ba anh được cấp trên giao nhiệm vụ ở lại hoạt động bí mật ở Quảng Ngãi. Nhưng một tên chỉ điểm phát hiện. Hắn phục kích, bắn ba anh. May sao, người cậu ruột cùng đi đã lấy thân mình che đạn cho ông. Người cậu ruột hy sinh. Cấp trên quyết định đưa ba anh tập kết ra Bắc trên con tàu cuối cùng.
Tốt nghiệp phổ thông, theo thiên hướng, chàng trai Hồ Thành Công (tên khai sinh) thi vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dạo đó, những người có năng khiếu văn chương, chỉ có 2 lựa chọn: Tổng hợp Văn hoặc Sư phạm Văn. Đương nhiên, cốt cách của mỗi bên lại khác nhau. Những năm ở giảng đường, anh chưa làm thơ. Anh thường giao du với những bạn thơ cùng khoa “mới thành danh” như Trúc Thông, Ý Nhi... Đọc thơ của những người cùng thời như Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Bùi Minh Quốc... những cây bút trẻ mang chất liệu và giọng điệu mới vào thơ.
Năm 1969, tốt nghiệp Tổng hợp Văn, anh làm việc tại Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị và Đài Tiếng nói Việt Nam (Buổi phát thanh Binh vận). Nhưng, ước mơ “vào chiến trường miền Nam bằng đường Trường Sơn và ra Hà Nội bằng đường số 1” luôn thôi thúc. Anh lên Ban Thống nhất, xin đi chiến trường. Dù là con một, được “ưu tiên” ở hậu phương nhưng anh không thích. Phải gần 2 năm sau, ước mơ ấy mới được cấp trên chấp nhận. Anh tự rèn luyện mình bằng cách đeo ba lô đầy gạch, đi bộ trên đường phố Hà Nội.
Trên đường vào Trường Sơn, anh bị sốt rét. Đi chậm. Nhưng may sao, có một người bạn cùng đường, tên là Tính, dược sĩ cao cấp, mang giùm anh bao gạo, dìu anh đi. Anh Tính còn cho anh hớp nước cuối cùng trong bi đông khi anh khát cháy cổ. Hớp nước đó anh được uống đúng ngày sinh nhật lần thứ 25 của mình. Nhưng, khi anh đến được binh trạm cuối cùng thì được tin anh Tính bị rớt lại phía sau. Rồi anh Tính hy sinh. Anh nhớ một con người “có gương mặt trong trẻo đến thế, nhẫn nhịn đến thế, chân thành đến thế!”. Và anh làm thơ dọc Trường Sơn, viết về những người bình dị như anh Tính.
Tháng 1-1971, anh vào chiến trường Nam bộ, được điều về Tiểu ban Tuyên truyền Ban Binh vận Trung ương Cục. Nhiệm vụ hằng ngày của anh là viết bài cho Đài Phát thanh Giải phóng. Tại đây, anh được gặp những nhà văn nổi tiếng như Anh Đức, Trang Thế Hy... Và anh vẫn âm thầm làm thơ. Không đăng báo. Có những đêm nghe chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, anh ước mơ có một đêm nào đó, Đài ngâm thơ mình cho ba má ở Hà Nội nghe thì hạnh phúc biết bao!
Những bài thơ chưa in được anh gom thành tập, lấy tên là “Dấu chân qua trảng cỏ”. Cuối 1973, có một người trong Đài Giải phóng, chú Tư Đức, được ra Bắc. Trước khi đi, ông sang chỗ anh chơi, hỏi có gửi thư cho gia đình hay gửi gì ra Hà Nội không? Thanh Thảo đã chép tay tập thơ, trên giấy xấu. Nhưng, có một người bạn, anh Ba Khanh, làm bên văn phòng ông Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, qua chơi, xin cầm về, đánh máy giùm. Chưa kịp mừng thì có tin buồn. Ông Chánh Văn phòng Chính phủ cho là qua mặt cái tội đánh máy không xin phép, khép tập thơ vào tội “có vấn đề”. Thanh Thảo đưa tập thơ cho ông Huỳnh Tấn Phát. Đọc xong, ông Phát nói: “Tôi không thấy vấn đề gì cả”. Thế là tạm yên.
May sao, nhà báo Lê Điệp, một người cùng cơ quan, có quan hệ tốt với nhà thơ Chế Lan Viên, đã sốt sắng viết thư cho nhà thơ và giới thiệu tập thơ của Thanh Thảo. Họ nhờ anh báo vụ đi bộ xuyên Trường Sơn mang ra Hà Nội.
Nhận được tập thơ,nhà thơ Chế Lan Viên chọn ngay 13 bài đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới số tháng 4-1974 - một tạp chí có tín nhiệm lớn lúc bấy giờ của Hội Nhà văn Việt Nam. Chưa bao giờ tạp chí này in của bất cứ tác giả nào một chùm thơ lớn như vậy, lại được một nhà thơ lớn viết chapeau giới thiệu trân trọng. Và từ số tạp chí đặc biệt đó, tên tuổi nhà thơ Thanh Thảo bắt đầu nổi như cồn trên văn đàn.
Trong tập “Dấu chân qua trảng cỏ” còn có bài thơ dài “Thử nói về hạnh phúc”. Giữa thời chiến mà nói về hạnh phúc, nên chăng? Chế Lan Viên viết: "Thơ rất hay nhưng mà đau xót quá. Thêm một tiếng đau riêng lúc ấy thì có ích gì? Tôi giữ bài thơ và chờ đợi”.
Năm 1974, Thanh Thảo viết bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình”. Bài thơ được chọn in trên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng. Nhưng, nó không thể đến tay bạn đọc vì có vị lãnh đạo yêu cầu cắt bỏ. Nhà văn Anh Đức - Tổng Biên tập; nhà thơ Diệp Minh Tuyền, duyệt in bài thơ cũng không hiểu tại sao.
Thanh Thảo đang buồn thì lại được bạn bè, đồng đội đến hỗ trợ. Nhà thơ Chim Trắng - người Bến Tre, đi bộ cả ngày đường, ngủ lại một đêm, động viên bạn. Rồi nhà thơ Hữu Đạo, quê ở Đồng Tháp Mười, một cây bút nổi tiếng trong phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn, cũng lội bộ đến an ủi...
Và nhờ lời phi lộ đầy tính bảo chứng của Chế Lan Viên mà Thanh Thảo vẫn... yên bình. Cũng chính trong lời phi lộ ấy, nhà thơ lớn đã tiên đoán về con đường thi ca của Thanh Thảo bằng câu cảm thán: “Đẹp thay tình bạn!”. Tình bạn là tình đồng đội. Trong thơ anh, hình ảnh những người lính “phanh ngực áo mở trần bản chất” luôn in đậm.
“Ngày chúng tôi ra đi
các toa tàu mở toang cửa
những thằng lính trẻ măng
tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ
chen bám ở bậc toa như chồi như nụ
con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ
thế hệ chúng tôi
hiệu còi ấy là một lời tuyên bố...”.
Trong bài thơ này, có đoạn nói về ước mơ của hai người lính trẻ, sau bao năm ở rừng, bỗng gặp nhau giữa chiến trường. “Tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ/ Đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất/ trải dưới trời một tấm ni-lông.../ nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình/ chừng nào thật hòa bình/ ra lộ Bốn trải ni-lông nằm một đêm cho thỏa thích/ thằng bạn tôi đăm đăm/ nhìn một ngôi sao trong hố bom nhòe nước/ đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được/ chứa đầy một hố bom và một ngôi sao...”. “Lộ Bốn” khi ấy nằm trên đất Mỹ Long - Đồng Tháp Mười. Và “thằng bạn thân” khi ấy là sinh viên Khoa Sử. Sau này làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Phạm Quang Nghị.
Tháng 4-1975 - Ngày Thống nhất, Thanh Thảo từ chiến trường Nam bộ được trở về thành phố mà nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân hằng mơ ước “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”. Cơ quan cũ không còn. Anh được nhận mấy ngàn đồng tiền Sài Gòn làm “lộ phí”. Số tiền ấy chỉ đủ uống vài bữa bia “Con Cọp” với bạn bè là hết.
Đang lang thang thì chợt gặp đoàn nhà văn do ông Nguyễn Chí Trung dẫn đầu, từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Thế là anh “tấp” vào đoàn, cùng những bạn văn thân quen như Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh... Rồi đoàn ghé Ninh Thuận, Nha Trang, Quy Nhơn... Gặp bạn viết, những đồng đội cũ. Khi đến Mộ Đức, Thanh Thảo rủ Ngô Thế Oanh về quê anh.
21 năm xa quê, giờ mới có dịp trở lại. Ngôi nhà của cha mẹ anh lại đang “có người ở”. “Gia chủ tạm” tỏ ra sợ hãi khi thấy “gia chủ thiệt” về. Nhưng, anh vui vẻ trấn an họ. Anh nói họ cứ ở, chờ thầy má anh về thì giao lại. Vì họ rất nghèo. Hơn nữa, nhà anh lúc đó bị chính quyền cũ xếp vào diện “nhà Việt cộng vô chủ”. Hai người ở tạm nhà họ hàng trong đêm đầu tiên ngủ tại quê hương.
Những ngày ấy, Thanh Thảo luôn cảm thấy “như đi trong mơ”. Anh viết trong hồi ức: “Đi lang thang hầu như khắp miền Nam, sau giải phóng nhưng túi tôi không có tiền. Anh em bạn bè bao cho cả. Điều đặc biệt là tuy không có tiền nhưng tôi chả cảm thấy thiếu thốn hay bất tiện. Ai rủ đi đâu tôi cũng đi. Ai cho ăn gì, nhậu gì, tôi đều hớn hở đón nhận. Vì thế, khi ở Huế, Nguyễn Khắc Phục rủ: “Tao với mày ra Hà Nội đi!” là tôi OK liền. Đã đến lúc “đứa con lưu lạc” phải trở về mái nhà cha mẹ rồi. Tôi biết, Phục sẽ bao tôi chuyến đi này”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục công tác ở chiến trường Khu 5 nhiều năm. Đến Hà Nội, Nguyễn Khắc Phục dẫn Thanh Thảo đến nhà đạo diễn Đặng Nhật Minh, mượn giùm anh chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Và Thanh Thảo hớn hở đạp xe qua cầu Long Biên - chiếc cầu lịch sử gắn bao kỷ niệm với anh - về Ngọc Thụy, Gia Thượng, Gia Lâm, Trại nghiên cứu tằm tơ của Bộ Nông nghiệp, nơi thầy má anh đang ở. “Khỏi phải nói, thầy má tôi đã xúc động và hạnh phúc như thế nào khi thấy tôi trở về nguyên vẹn, chỉ trông hơi nhếch nhác, bụi đời. Sau 5 năm”. Anh nhớ lại với nụ cười hóm hỉnh.
Hình như, trong tử vi mỗi người, cung Thiên di đươc cho là rất quan trọng. Người ta lý giải, phần lớn thời gian của mỗi người dành cho hoạt động trong môi trường xã hội. Họ gặp may mắn hay bất lợi, phần nhiều phụ thuộc vào cung này. Nhưng, tôi nghĩ, muốn có cung Thiên di tốt, điều đầu tiên, anh phải sống tốt. Sống có đạo.
Tôi đã thấy nhà thơ Thanh Thảo mang ơn từng con người nhỏ bé, vô danh trong chiến tranh; đã chờ đợi hàng buổi trước một nhà xuất bản để nhận chút nhuận bút mang về làm học bổng cho trẻ em ở Sơn Mỹ; đã chia sớt một phần giải thưởng của mình cho kẻ sa cơ; đã chống nạng mang một cuốn sách dày cộp từ Quảng Ngãi ra Hà Nội để tặng một người lầm đường... Anh sống và viết trung thực như chính đời anh, số phận anh - một số phận gắn quyện với số phận nhân dân trong thời đại đầy dông bão.