Nhà thơ Tố Hữu - người kể chuyện cách mạng bằng thơ
Với hệ thống di cảo và những thành tựu đã đạt được, Tố Hữu được xem là cây đại thụ, lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng hiện đại Việt Nam. Tố Hữu sải bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật từ rất sớm, cùng thời điểm bắt đầu hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết. Vì lẽ đó, tâm hồn thơ và lý tưởng cách mạng, cuộc đời thơ và cuộc đời cách mạng của nhà thơ Tố Hữu luôn quyện hòa, sóng đôi, thăng hoa, kiến tạo nên những tác phẩm chất lượng, bền bỉ sức sống trong lòng độc giả nhiều thế hệ.
Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) - Nguyễn Kim Thành “xuất hiện như một ngôi sao sáng” trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho nghèo, cả thân phụ và thân mẫu của nhà thơ Tố Hữu đều là những người yêu thích thơ ca. Nền tảng gia đình cùng không gian xứ Huế mộng mơ, thấm đượm chiều sâu lịch sử - văn hóa đã nuôi dưỡng cho tâm hồn thơ Tố Hữu. Hơn hết, “phong trào mặt trận dân chủ như một luồng gió mới thổi lộng vào tâm hồn nhà thơ”. Và cứ thế, thơ gắn bó như máu thịt, song hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhà thơ Tố Hữu.
Nhà thơ Tố Hữu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1938 đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi mới vừa tròn 18 tuổi. Trong tâm trạng hồ hởi, háo hức, mừng vui khôn xiết, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác nên bài thơ “Từ ấy” đi vào thi ca: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Niềm vui sướng, say mê, tự hào được diễn tả trọn vẹn qua hình ảnh, nhịp điệu, ngôn ngữ thơ đa sắc, đa thanh. Chỉ trong một khổ thơ, Tố Hữu vẽ ra khung cảnh ngập tràn ánh nắng, trái tim ấm nóng, tâm hồn phơi phới, trẻ trung, hoan ca, mỗi cảm xúc đều thăng hoa đến đỉnh điểm. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời chân lý” là biểu tượng đẹp cho lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa cộng sản đã soi sáng con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam nói chung. Tiếng thơ, tiếng lòng Tố Hữu khi được tưới tắm trong “mặt trời chân lý” ấy trở nên tiếng thơ chung của dân tộc, của quảng đại quần chúng: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi/ Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”… “Tố Hữu đã đưa thi nhân trở về với quần chúng, đưa cái Tôi hòa với cái Ta, cái Riêng hòa với cái Chung” (Văn học Việt Nam 1900-1945, Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức): “Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm, cù bất cù bơ”... Lời thơ là lời tâm sự chân thành, tha thiết của một trái tim yêu nước nồng nàn, căng tràn nhiệt huyết cách mạng, tinh thần cống hiến.
Nếu xem “Từ ấy” là phát súng lệnh thì những năm tháng sau đó, với mỗi tác phẩm ra đời, Tố Hữu tựa như người thư ký mẫu mực, người kể chuyện cách mạng bằng thơ. Có giai đoạn Tố Hữu bị bắt, trải qua quãng đời lao tù đằng đẵng thì vẫn không ngăn nổi tiếng thơ trữ tình - chính trị vang vọng. Và khi vượt ngục thành công, ông lại hăng hái tiếp tục hoạt động cách mạng, tiếp tục sáng tác thơ. Không một sự kiện, dấu mốc quan trọng nào của cách mạng vắng tiếng thơ ông. Dõi theo hành trình thơ Tố Hữu, qua các tập thơ: “Từ ấy”, “Việt Bắc”, “Gió lộng”, “Ra trận”, “Máu và hoa”, “Một tiếng đờn”, “Ta với ta” …, độc giả có cái nhìn chân thực, sinh động về các giai đoạn lịch sử, cách mạng dân tộc…
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, miền Bắc nước ta được giải phóng. Tháng 10-1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Trước sự kiện lịch sử quan trọng ấy, những dòng thơ “Việt Bắc” tha thiết, ân tình, đậm tính dân tộc, chan chứa hồi ức, kỷ niệm ra đời: “Mình về mình có nhớ ta?/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/ Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”… Mười lăm năm nếm mật nằm gai, sống với tình đồng chí, đồng đội, sự yêu thương, đùm bọc của Nhân dân nơi núi rừng Việt Bắc được nhà thơ khéo léo gói ghém trong những dòng thơ: “Thương nhau, chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng/ Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô/ Nhớ sao lớp học i tờ/ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan/ Nhớ sao ngày tháng cơ quan/ Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo/ Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều/ Chày đêm nện cối đều đều suối xa...”.
Việc lựa chọn thể thơ lục bát để gửi gắm những tâm tư, tình cảm về Việt Bắc đã thể hiện sự tinh tế, khéo léo của nhà thơ Tố Hữu. Còn gì gần gũi hơn giọng điệu, âm hưởng thơ lục bát vẫn đi về trong lời ru ấm áp, ngọt ngào của bà, của mẹ; còn gì gợi thương, gợi nhớ hơn là người đi - kẻ ở cùng hiện diện trong hồn thơ dân tộc, trong những hình ảnh thơ giản dị mà ân tình: “Ta về, mình có nhớ ta/ Ta về, ta nhớ những hoa cùng người/ Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng/ Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang/ Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình/ Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”…
Lần tìm trong di cảo thơ ca cách mạng của nhà thơ Tố Hữu, độc giả bắt gặp nhiều bóng dáng, gương mặt anh hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: Mẹ Suốt, mẹ Tơm, đội nữ dân quân Hàm Rồng, La Văn Cầu… Giữa “vườn hoa” ấy, có một chân dung - cốt cách - tinh thần vĩ đại, cao cả nhất hiện diện trong nhiều tác phẩm thơ, làm nên một gia tài, thành tựu to lớn trong sự nghiệp thơ Tố Hữu: Đó là Bác Hồ.
Tố Hữu là một trong những người viết về Bác Hồ một cách say mê, với niềm kính yêu, trân trọng, cảm phục vô bờ bến. Những bài thơ như: “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng Năm”, “Theo chân Bác”, “Bác ơi”… luôn bền bỉ sức sống trong lòng nhiều thế hệ độc giả trong hằng hà sa số những tác giả - tác phẩm viết về Bác. Như cái cách mà mỗi chúng ta rưng rưng xúc động khi đọc những chia sẻ của bà Vũ Thị Thanh - cố phu nhân của nhà thơ Tố Hữu về hoàn cảnh ra đời bài thơ “Bác ơi”: Đấy là khi nhà thơ Tố Hữu bệnh nặng, phải nằm viện điều trị dài ngày. “Lúc Bác mất, vì biết anh Tố Hữu đang mệt nặng nên Trung ương không báo sớm cho anh tin buồn… Đến gần trưa hôm 2-9 có lệnh đưa xe vào bệnh viện đón anh. Tôi ngạc nhiên vì biết anh vẫn còn sốt cao. Tôi cho cháu Hoa (con gái nhà thơ Tố Hữu) đi theo xe vào đón ba. Một lúc thì xe về. Nhưng anh lại đi ngay vào Phủ Chủ tịch bất chấp sức còn yếu. Trở về nhà trưa hôm đó, nước mắt lưng tròng, anh không nói gì, đi thẳng vào phòng mình, khóa trái cửa lại. Tôi rất lo cho tim và huyết áp của anh. Một lúc không cầm lòng được, tôi khẽ gọi cửa xin vào đem khăn mặt và nước uống cho anh. Thấy tôi, anh nghẹn ngào: “Em ơi, Bác đi rồi!”. Nhà thơ lặng lẽ ngồi một mình, chìm đắm trong nỗi tiếc thương, “hối hả viết bài “Bác ơi”, vừa viết vừa lau nước mắt: “Suốt mấy đêm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa/ Chiều nay con chạy về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa”. Bài “Bác ơi” được anh trực tiếp đọc và được truyền đi trên đài phát thanh đúng hôm cả nước khóc tiễn đưa Bác. Những ngày tháng 9 năm ấy là những ngày nặng nề đối với anh và cả gia đình tôi…”.
Trong lời tự bạch, in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà thơ Tố Hữu viết: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”. Và mỗi tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu là kết tinh của mối tình sâu nặng, thủy chung ấy…