Nhà thơ yêu nước, thương dân, nhân đạo và yêu hòa bình

Ngày 23-11-2021, tại Paris (Pháp), trong phiên họp toàn thể Kỳ họp lần thứ 41 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua danh sách 'Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử thế giới niên khóa 2022-2023'.

Trong đó, hồ sơ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (sinh ngày 13-5 âm lịch năm Nhâm Ngọ 1822, tức ngày 1-7) của Việt Nam do 4 nước khác cùng đề xuất: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các quốc gia. Ông được UNESCO đánh giá là nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với tư tưởng yêu nước, thương dân, nhân đạo và yêu hòa bình.

Một cuộc đời gian truân và vượt qua nghịch cảnh

Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi bị mù lấy hiệu Hối Trai, sinh tại quê mẹ là làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tổ tiên xa của ông người Kinh Bắc vào sống ở Đàng Trong đã lâu. Cha là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, tỉnh Thừa Thiên, vào Gia Định làm thư lại dưới quyền Tả quân Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, vợ thứ của ông Nguyễn Đình Huy.

Tiết mục biểu diễn tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông năm 2022”. Ảnh: HẠNH LINH.

Tiết mục biểu diễn tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông năm 2022”. Ảnh: HẠNH LINH.

Mặc dù bị mù từ khi trẻ tuổi nhưng Nguyễn Đình Chiểu không chịu đầu hàng số phận. Ông đã cố gắng học tập, vượt qua nghịch cảnh để trở thành thầy giáo dạy chữ cho dân, thầy thuốc chữa bệnh cho dân. Học trò ông trải khắp Sài Gòn, Cần Giuộc, Bến Tre, đông đến hàng mấy nghìn người. Người dân gọi ông bằng tên gọi vừa kính trọng vừa thân thương: Cụ Đồ hay Đồ Chiểu. Triết lý chữa bệnh của ông là chữa bệnh cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu-nghèo. Với ai ông cũng tận tình cứu chữa. Với bệnh nhân quá nghèo, ông chữa miễn phí. Trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, ông viết: “Ăn mày cũng đứa trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không”.

Nguyễn Đình Chiểu nêu tấm gương sáng về y đức, về đạo đức người thầy và tấm gương một con người vượt qua nghịch cảnh để sống có ích cho đời.

Nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam

Nói đến tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, trước hết phải nói đến truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên”. Tác phẩm viết theo thể lục bát, dài trên dưới 2.100 câu, hoàn thành vào những năm 1851-1853 tại quê mẹ. Đây là một bản trường ca ngợi ca chính nghĩa và những giá trị đạo đức ở đời. Nhân vật chính Lục Vân Tiên phản ánh cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu với những bất hạnh mà ông trải qua: Chuẩn bị vào trường thi thì phải bỏ dở về quê chịu tang mẹ rồi bị bệnh, mù cả hai mắt, bị vị hôn thê từ hôn. Các diễn biến khác của câu chuyện vừa là những cuộc đời, những cảnh đời, vừa là những ước mơ của cá nhân ông và của đông đảo người dân. Có thể thấy, “Lục Vân Tiên” có 4 giá trị nổi bật sau đây:

Thứ nhất, "Lục Vân Tiên" đề cao tình nghĩa ở đời: Tình cha con, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình thầy trò... Tình nghĩa chính là căn cốt của tâm hồn Việt Nam, của tính cách Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đã hiếu nghĩa thì phải như Vân Tiên với cha mẹ, Nguyệt Nga với Kiều công, với Lục ông. Đã yêu thì thủy chung son sắt như Nguyệt Nga với Vân Tiên. Tình bạn bè thì phải hết lòng như Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh...

Thứ hai, "Lục Vân Tiên" đề cao tinh thần nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài (tiền). "Lục Vân Tiên" có vẻ như truyện tài tử giai nhân, nhưng người tài tử ở đây không chỉ học giỏi, đậu cao, đàn hay, vẽ giỏi, si tình ngây ngất mà còn phải có tinh thần nghĩa hiệp, biết quên mình giúp dân, giúp nước. Người dân Việt Nam, nhất là người dân Nam Bộ không ai là không thuộc nằm lòng mấy câu thơ: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Thứ ba, "Lục Vân Tiên" thể hiện ước mơ của người bình dân về công lý trong cuộc sống: Ở hiền gặp lành, kẻ ác phải bị trừng trị. Vân Tiên bị mù mắt, bị từ hôn, nhưng kết thúc truyện chàng thi đậu, lập công lớn, mắt chàng sáng ra và chàng được đền bù bằng tình yêu một đời của người con gái đẹp người, đẹp nết Nguyệt Nga. Vị hôn thê trắc nết, tham phú phụ bần Võ Thể Loan; Trịnh Hâm-kẻ một thời là bạn nhưng ác tâm đố kỵ-dù được chàng tha nhưng trời đất không dung tha, kẻ thì bị cọp tha, kẻ thì bị cá nuốt.

Thứ tư, "Lục Vân Tiên" là truyện thơ viết bằng chữ Nôm, tức là bằng tiếng mẹ đẻ, thể hiện được tâm tình dân tộc. Dù là người "tắm gội" trong văn chương Hán văn, văn chương cử tử nhưng Nguyễn Đình Chiểu lại không sáng tác bằng chữ Hán, ông chọn chữ Nôm-tiếng Việt-tiếng mẹ đẻ của ông, tiếng nói của “đàn bà con trẻ” để sáng tác. Ông kể chuyện một cách bình dân, dễ hiểu nên được dân chúng dễ dàng đón nhận. Do vậy, truyện "Lục Vân Tiên" có sức ảnh hưởng rất lớn trong nước qua nhiều thế hệ.

Ở Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã đi vào ca dao, dân ca và trở thành một loại hình diễn xướng đặc biệt là “Nói thơ Vân Tiên”. Nó không giống như đọc thơ, cũng không giống như ngâm thơ mà nằm giữa đọc và ngâm, khi hùng hồn, khi êm dịu, lắng đọng tùy theo ý nghĩa của từng đoạn thơ. Tác phẩm “Lục Vân Tiên” còn đi vào đời sống người dân Việt Nam qua nhiều loại hình nghệ thuật khác hết sức phong phú. "Lục Vân Tiên" được chuyển thể thành tuồng, cải lương, thành kịch nói, nhạc kịch, phim truyện, phim truyền hình... Trên bình diện thế giới, “Lục Vân Tiên” là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ đầu tiên (1864) và là tác phẩm được dịch nhiều thứ ba trong các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam sau "Truyện Kiều" và thơ Hồ Xuân Hương. Cho đến nay, tác phẩm này được dịch ra 5 thứ tiếng với 11 bản dịch.

Nhà thơ yêu nước, thương dân, yêu hòa bình

Tình cảm nhân đạo, thân dân, yêu hòa bình thể hiện chủ yếu ở văn tế, thơ của Nguyễn Đình Chiểu sáng tác sau khi thực dân Pháp xâm lược. Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là nhà thơ hàng đầu trong dòng văn chương yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19 và trong phong trào chống thực dân của các dân tộc Á-Phi - một phong trào được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận tiến bộ trên thế giới, phù hợp với hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có tổ chức UNESCO.

Không trực tiếp đánh giặc bằng súng, gươm, Đồ Chiểu chọn lấy cây bút. Nhà thơ đã ghi lại cả một thời kỳ đau thương và vĩ đại của dân tộc với một thái độ yêu-ghét rõ ràng, đúng đắn để cổ vũ cho cuộc kháng chiến và giữ lấy ngọn lửa yêu nước trong nhân dân.

Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ là một hiện thực rất mới mẻ. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân: Cuộc chiến tranh của những người nông dân tự mình đứng lên chống giặc, dưới sự chỉ huy của những lãnh tụ nghĩa binh từ nhân dân mà ra. Thời đại đã đưa người nông dân lên sân khấu chính trị, trở thành nhân vật chính, người nghệ sĩ chỉ có nhiệm vụ nhìn nhận ra hiện thực mới này và phản ánh nó. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tạo ra hình tượng bất hủ về người nông dân đứng lên chống thực dân Pháp vì nền độc lập trong bài văn bi hùng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Chưa bao giờ trong văn học nước nhà, người nông dân lại được thể hiện với sức mạnh và vẻ đẹp như thế.

Khi ra trận, người nghĩa dân tự trang bị cho mình bằng những vật dụng quen thuộc hằng ngày: Cái nùi rơm để hút thuốc, con dao phay để làm bếp... Những vật dụng như thế bỗng chốc trở thành vũ khí để chống chọi với “đạn nhỏ, đạn to”, “tàu thiếc, tàu đồng”. Cái gì đã tạo nên những phép thần kỳ ấy? Đó chính là sức mạnh của ý chí con người, của lòng yêu thiết tha quyền tự chủ của dân tộc mình. Chấp nhận đối đầu với vũ khí tối tân, đó là sự lựa chọn tự giác của những người nông dân-một sự lựa chọn quả cảm. Chính tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh phi thường của họ. Nguyễn Đình Chiểu đã vẽ nên bức tranh công đồn sinh động và hào hùng: “Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không/ Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có/ Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh...”.

Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo, thân dân, với tinh thần yêu hòa bình truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Chiểu luôn phản ánh số phận của nhân dân: Nhân dân là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, trong đó Nguyễn Đình Chiểu đặc biệt chú ý đến phụ nữ, trẻ em-những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội. Những câu văn sau đây thể hiện một tình cảm nhân đạo-nhân văn sâu thẳm: “Phạt cho đến kẻ hèn người khó thâu của quay treo/ Tội chẳng tha con nít đàn bà đốt nhà bắt vật” (Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh).

Yêu nước, thương dân, Nguyễn Đình Chiểu không mơ ước gì hơn là đất nước được hòa bình, dân sống yên ổn. Lòng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với tinh thần nhân đạo, thương dân, yêu chuộng hòa bình-một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam sẽ sống mãi trong trái tim con người.

Nhận định về Nguyễn Đình Chiểu, UNESCO cho rằng: “Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với tư tưởng yêu nước, thương dân, nhân đạo và yêu hòa bình. Ông cũng là một nhà văn hóa lỗi lạc, người đã phổ biến các quan niệm đạođức của Nho giáo về trung thành, hiếu thảo, thủy chung theo triết lý sống của người Việt Nam. Truyện thơ "Lục Vân Tiên" miêu tả đạo đức và lòng khoan dung của con người là một trong những truyện thơ hay nhất trong các tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Anh... Mặc dù bị mù lòa, Nguyễn Đình Chiểu vẫn cố gắng trở thành một người thầy giáo đáng ngưỡng mộ và một thầy thuốc có y đức lớn. Dạy chữ và chữa bệnh cho mọi người dân là triết lý sống mà ông theo đuổi suốt đời. Nguyễn Đình Chiểu đã nêu tấm gương về khả năng học tập suốt đời của người khuyết tật mà mọi người trên thế giới có thể noi theo”.

PGS, TS ĐOÀN LÊ GIANG

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/nha-tho-yeu-nuoc-thuong-dan-nhan-dao-va-yeu-hoa-binh-698623