Nhà thuốc bệnh viện mua thực phẩm chức năng, vật tư y tế để bán lẻ có phải tuân thủ Luật Đấu thầu?
Trong thời gian qua, quy định của pháp luật về đấu thầu đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế yên tâm, chủ động thực hiện mua sắm bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh...
Theo đó, Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Các Thông tư của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.
Các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Về một số câu hỏi thường gặp và quy định tương ứng của pháp luật về đấu thầu, các chuyên gia đã thông tin cụ thể.
Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nhưng trụ sở đóng tại địa phương, có nhu cầu mua thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương tỉnh, thành đó có được không?
Đối với câu hỏi gói thầu mua thuốc X được tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, hợp đồng có hiệu lực từ ngày 31/12/2023; thời gian thực hiện gói thầu là 12 tháng. Vậy tại thời điểm tháng 7/2024, việc điều chỉnh hợp đồng thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 hay Luật Đấu thầu năm 2023?
Đại diện Vụ KHTC (Bộ Y tế) giải đáp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Đấu thầu năm 2023, đối với các gói thầu đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày 01/01/2024 thì thì tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Như vậy, việc điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2013.
Một số cơ sở y tế quan tâm: Bệnh viện A trực thuộc Bộ Y tế, có trụ sở đóng tại tỉnh B có nhu cầu mua thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương của tỉnh B. Vậy bệnh viện A có được đề nghị đơn vị mua sắm thuốc tập trung tỉnh B tổng hợp nhu cầu của bệnh viện A để đưa vào gói thầu mua sắm tập trung thuốc của tỉnh B hay không?
Về nội dung này, đại diện Vụ KHTC cho hay: Các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế hoặc thuộc các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế có thể thỏa thuận với Đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương để tổng hợp nhu cầu mua sắm của cơ sở y tế vào gói thầu mua sắm thuốc tập trung của địa phương.
Các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương có thể chấp thuận tổng hợp nhu cầu của các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế hoặc thuộc các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, đồng thời không cần phải có sự chấp thuận của Bộ Y tế
Ngoài ra, cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế và cơ sở y tế thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có thể sử dụng kết quả đấu thầu rộng rãi của Đơn vị mua sắm tập trung để áp dụng mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu năm 2023 và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đối với thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương.
Đối với quan tâm của các đơn vị về việc để bảo đảm có ngay thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ ngày 01/01/2025, bệnh viện có thể tổ chức phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu từ tháng 8/2024 (tại thời điểm tháng 8/2024 chưa có dự toán chi năm 2025 được phê duyệt)?
Các chuyên gia cho biết, theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm này để mua sắm cho các năm tiếp theo (ví dụ: tháng 8 năm 2024, bệnh viện có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong năm 2025, 2026).
Trong trường hợp này, văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá gói thầu.
Cho phép áp dụng tùy chọn mua thêm 30% nhưng bệnh viện không mua thêm hoặc mua thêm dưới 30%, có vi phạm quy định không?
Dự toán cho phần tùy chọn mua thêm phải được phê duyệt ngay từ khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, ký hợp đồng hay phê duyệt trước khi mua thêm?
Đại diện Vụ KHTC (Bộ Y tế) giải đáp: Theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, một trong các điều kiện để thực hiện mua thêm là "có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua thêm". Theo đó, việc phê duyêt dự toán đối với khối lượng muc thêm được thực hiện trước khi mua thêm mà không bắt buộc phải phê duyệt ngay từ khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt hồ sơ mua sắm hoặc khi ký kết hợp đồng ban đầu.
Khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có nên áp dụng tùy chọn mua thêm hay không? Trường hợp cho phép áp dụng tùy chọn mua thêm 30% nhưng thực tế bệnh viện không mua thêm hoặc mua thêm dưới 30% thì có vi phạm quy định không?
Theo đại diện Vụ KHTC, tùy chọn mua thêm được quy định tại khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023. Theo đó, khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đặc biệt đối với các gói thầu cung cấp thuốc, vật tư tiêu hao … phục vụ hoạt động thường xuyên của bệnh viện), bệnh viện nên áp dụng tùy chọn mua thêm với tỷ lệ tối đa 30%. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu bệnh viện không mua thêm hoặc mua thêm ít hơn 30% thì không vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.
Giá gói thầu phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu có bao gồm giá trị của phần tùy chọn mua thêm (30%) hay không?
Đại diện Vụ KHTC (Bộ Y tế) giải đáp: Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023, đối với gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, giá gói thầu không bao gồm giá trị của tùy chọn mua thêm
Đối với quan tâm về việc trong quá trình thực hiện hợp đồng, bệnh viện có được mua thêm nhiều lần với tổng giá trị không quá 30% hay chỉ được mua thêm một lần? Các chuyên gia cho hay, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, bệnh viện được áp dụng tùy chọn mua thêm nhiều lần nhưng không vượt mức tối đa nêu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Việc bệnh viện mua thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế để bán lẻ trong nhà thuốc của bệnh viện trong khuôn viện bệnh viện có phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 không?
Khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện dự toán mua sắm, mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu.
Do đó, việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của bệnh viện để mua thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế bán lẻ trong nhà thuốc của bệnh viện phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.