Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn làm gì sau ngày 30/4/1975?
Dù vui mừng với chiến thắng ngày 30/4/1975, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn vẫn chưa được phép lộ diện.
Vợ và bốn con đã di tản theo máy bay của tạp chí Time, ông Ẩn ở lại Sài Gòn với mẹ già.
Trong cuốn sách Nhà tình báo và những phi công tù binh của tác giả Nguyễn Ngọc Phúc (NXB Quân đội Nhân dân, 2009), sau ngày giải phóng, cơ quan tình báo Miền còn cử cán bộ đến để thẩm vấn nhà báo Phạm Xuân Ẩn.
Bị tình báo của ta thẩm vấn
Cơ quan tình báo ta xác định Phạm Xuân Ẩn là nhà báo Mỹ có uy tín, tại sao lại không di tản theo Mỹ? Ông ta ở lại đây nhằm mục đích gì? Hay Phạm Xuân Ẩn là người của ta?
Người được giao nhiệm vụ thẩm vấn ông Ẩn là sĩ quan tình báo kỳ cựu Mạc Lâm, người từng hỏi cung rất nhiều tướng tá địch, cũng như hỏi cung đa số phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc.
Ông Mạc Lâm kể lại trong sách khoảng 9h sáng, ông cùng một cán bộ tình báo của Miền đến khách sạn Continental. Phạm Xuân Ẩn là nhà báo hay tình báo? Điều đó làm cho Mạc Lâm trăn trở.
Phạm Xuân Ẩn ra mở cửa mời khách. Mạc Lâm hơi sững lại, không như những điều mình nghĩ về ông Ẩn. Phạm Xuân Ẩn không to cao, trắng trẻo, mà gầy, nước da đen, cặp mắt linh lợi, tay cầm điếu thuốc đang hút dở. Cất giọng miền Nam, ông Ẩn mời khách vào.
Liếc nhanh bao quát căn phòng, ông Mạc Lâm nhìn Phạm Xuân Ẩn rồi tự giới thiệu là cán bộ của Viện Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam. Ông muốn gặp nhà báo để được biết thêm về giai đoạn cuối cùng người Mỹ ở Việt Nam, nhất là cuộc di tản vừa qua.
Phạm Xuân Ẩn nhìn Mạc Lâm, trả lời với giọng nhỏ nhẹ là sẵn sàng kể những điều ông biết với tư cách một nhà báo. Còn những nội dung khác, ông xin phép buổi chiều sẽ kể tiếp.
Ông Mạc Lâm nhận xét Phạm Xuân Ẩn không tỏ ra lúng túng khi gặp người của cách mạng như một số người của chế độ cũ. Ông tự nhiên, thân tình, gọi cà phê mời khách rồi vừa hút thuốc vừa kể chuyện về người Mỹ ở Sài Gòn những ngày trước 30/4/1975. Những gì ông Mạc Lâm cần biết đã được giải đáp.
Khoảng hơn 11h, khách ra về, Phạm Xuân Ẩn hẹn chiều làm việc tiếp. Ông Mạc Lâm thấy bằng lòng với buổi gặp nhà báo. Ông Ẩn biết nhiều chuyện, kể tỉ mỉ nhiều điều Mạc Lâm chưa hề biết. Ông suy đoán: Có thể anh ta là một nhà báo thành thạo Sài Gòn.
Ăn cơm trưa xong, Mạc Lâm định ngủ một giấc chiều làm việc tiếp thì có điện thoại. Đầu dây bên kia từ Hà Nội của Cục Quân báo cho biết: Phạm Xuân Ẩn là người của ta đang chờ nhận nhiệm vụ.
Vì sao Phạm Xuân Ẩn không di tản?
Cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của tác giả Larry Berman nói khá rõ: Phạm Xuân Ẩn đã biết rằng khi quân giải phóng tấn công Sài Gòn, có ba nơi an toàn, đó lại đại sứ quán Pháp, bệnh viện Grall và khách sạn Continental của Pháp.
Phạm Xuân Ẩn có đầy những chìa khóa mà các bạn đồng nghiệp khi ra đi để lại. Ông quyết định tốt nhất là cùng mẹ đến ở tại phòng số 407 của Bob Shaplen tại khách sạn Continental.
Giáo sư Larry Berman cũng đã trực tiếp hỏi những nhà lãnh đạo Việt Nam để hiểu lý do Phạm Xuân Ẩn không di tản sang Mỹ cùng gia đình của mình.
"Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn không hề biết, đó là thời điểm ấy đang có sự cân nhắc rất nghiêm túc của Quân ủy Trung ương thuộc Bộ Chính trị về việc có nên để ông tiếp tục công tác tình báo của mình tại Hoa Kỳ hay không”, Berman viết.
Chính đại tướng Văn Tiến Dũng cuối cùng đã quyết định nên để Phạm Xuân Ẩn ở lại Việt Nam.
"Nếu Phạm Xuân Ẩn tiếp tục công tác đó chắc chắn ông ấy sẽ thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị cho đất nước. Tuy nhiên, sớm muộn gì, ông ấy cũng bị lộ ở nước ngoài và như vậy thì sự tổn thất sẽ rất lớn", tướng Dũng nói.
Giáo sư Larry Berman cũng hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục để ông Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo ở nước ngoài.
Ông Thọ nói: "Về mặt nghiệp vụ, đó là một ý tưởng hay. Vỏ bọc vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy lại được người Mỹ tin cậy. Bản thân ông ấy cũng đã chuẩn bị ra đi và sẵn sàng ra đi. Nhưng đồng thời cũng có những ý kiến ngược lại rằng Phạm Xuân Ẩn đã sẵn sàng, nhưng còn các điều kiện khác nữa. Ông ấy đã làm việc quá nhiều rồi".
Bắt đầu lộ diện
Tại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn buồn và lo lắng. Sau vài ngày ở khách sạn Continental, ông và mẹ về ở nhà. Ông cũng phải ra trình diện trước các nhà chức trách địa phương.
Ông điền vào tờ khai nghề nghiệp là nhà báo, làm việc cho tạp chí Time. Phạm Xuân Ẩn, theo nghĩa đen, là người của tạp chí Time ở Sài Gòn, giữ mối liên hệ với các đồng nghiệp cũ và đang đóng góp bài vở cho số báo sau 30/4/1975 của tạp chí này.
Ông gửi bằng telex bức điện tới New York, Mỹ: “Tất cả phóng viên Mỹ đã di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng tạp chí Time hiện nay do Phạm Xuân Ẩn điều hành”.
Bài báo cuối cùng của ông phát đi được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 12/5, mang tựa đề “Cuộc chia tay cuối cùng nghiệt ngã”.
Vài tuần sau ngày giải phóng, có người của lực lượng an ninh đến gặp ông và nói: “Ông thì OK”. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: “Ông ta chỉ nói có vậy. Nhưng tôi hiểu tôi được an toàn rồi”.
Tài liệu về danh tính thật của Phạm Xuân Ẩn cuối cùng cũng được chuyển đến. Phạm Xuân Ẩn được xác nhận là “người 30 năm cách mạng” - một thuật ngữ được dùng để nói về những người đã tham gia đánh ngoại xâm trong ba thập kỷ qua.
Tác giả Điệp viên hoàn hảo cho biết đến lúc này, Phạm Xuân Ẩn được chính thức chuyển sang bên thắng trận. Điều này dễ nhận thấy vì số lượng gạo của ông được tăng thêm, được cấp phát quân phục hàm cấp tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cuối tháng 3/1976, Phạm Xuân Ẩn được khuyên nên gọi gia đình trở về nước. Đối với nhiều người bạn của ông, cũng như các nhân viên trước đây làm việc cho tạp chí Time, đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy Phạm Xuân Ẩn có thể từng làm việc cho phía bên kia.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-tinh-bao-pham-xuan-an-lam-gi-sau-ngay-3041975-post1078750.html