Nhà Trắng đề xuất nâng quy mô gói cứu trợ kinh tế mới lên 1.800 tỷ USD
Nhà Trắng ngày 9/10 đã đề xuất một kế hoạch giải cứu nền kinh tế mới trị giá 1.800 tỷ USD nhằm cố gắng thuyết phục các nghị sỹ đảng Dân chủ đi đến một thỏa thuận.
Với cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 đang ngày một gần kề, Nhà Trắng ngày 9/10 đã đề xuất một kế hoạch giải cứu mới nền kinh tế Mỹ trị giá 1.800 tỷ USD nhằm cố gắng thuyết phục các nghị sỹ đảng Dân chủ đi đến một thỏa thuận.
Đề xuất mới của Nhà Trắng đã tăng tương đối so với đề nghị 1.600 tỷ USD trước đó và tiến gần hơn tới đề xuất 2.200 tỷ USD của đảng Dân chủ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết chính quyền sẵn sàng tăng cao hơn, nhưng muốn giữ quy mô gói kích thích dưới ngưỡng 2.000 tỷ USD.
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn một kế hoạch thậm chí còn mạnh mẽ hơn những gì mà đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa đang đề xuất.
Những lời phát biểu trên đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi chỉ vài ngày trước ông đã dừng các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ và nói rằng sẽ không có biện pháp hỗ trợ mới nào cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và người lao động thất nghiệp cho đến sau cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell lại có quan điểm khác. Ông nhận định Quốc hội khó có thể đàm phán được một gói kích thích mới trước cuộc bầu cử tháng 11 do sự khác biệt lớn trong mức độ chi tiêu của các đề xuất.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã đàm phán trong nhiều tuần qua về một gói cứu trợ mới có quy mô khổng lồ để “tiếp bước” Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19. Ngoài Đạo luật CARES, Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều biện pháp hỗ trợ khác, nâng tổng giá trị các biện pháp này lên gần 3.000 tỷ USD.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình MSNBC, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các bên vẫn còn nhiều khác biệt về chính sách cũng như quy mô gói cứu trợ.
Người phát ngôn của bà Pelosi, ông Drew Hammill cho biết Bộ trưởng Mnuchin đã trở lại bàn đàm phán với một đề xuất nhằm cố gắng giải quyết một số mối quan tâm của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, một chiến lược cụ thể để tiêu diệt dịch COVID-19 vẫn chưa được đưa ra.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 31,7% trong quý II/2020 khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng kinh tế Mỹ rất cần một đợt hỗ trợ mới từ Chính phủ để ngăn chặn làn sóng sa thải và phá sản cũng như tiếp tục hỗ trợ những người thất nghiệp. Nhiều tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng thúc giục các chính phủ trên toàn thế giới duy trì các biện pháp chi tiêu để củng cố nền kinh tế của họ sau giai đoạn bị tàn phá bới đại dịch./.