Nha Trang: Đường bích họa 'xuống sắc' nghiêm trọng

Mặc dù đang bước vào mùa cao điểm du lịch hè, đông đúc du khách đổ về các địa điểm du lịch trong Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Thế nhưng, những con đường, tuyến hẻm bích họa từng được kỳ vọng thành thỏi nam châm hút khách du lịch, lại rơi vào cảnh đìu hiu, một số bức tranh bị xuống cấp, bôi bẩn…

Gam màu buồn trên bức tranh

Nhiều năm nay, khúc đường Phạm Văn Đồng nằm dưới chân cầu vượt Hòn Chồng còn được người dân gọi là "con đường bích họa". Không chỉ được xem là địa điểm du lịch được nhiều người yêu thích mà còn là nơi lưu giữ hình ảnh đẹp về đại dương. Đây là công trình do Thành đoàn Nha Trang phối hợp cùng Công ty Mỹ thuật Sài Gòn thực hiện năm 2019. Sau đó, tiếp tục được UBND thành phố Nha Trang chỉ đạo triển khai vẽ tranh tường tại khu vực này, hoàn thành vào dịp Festival Biển.

Thế nhưng, trải qua thời gian và nắng mưa, bức tranh hiện dần "xuống sắc" không còn trọn vẹn khiến nhiều người tiếc nuối. Đường tranh bích họa cứ im lìm, dần bị người dân và du khách lãng quên, ngó lơ, rất ít người còn hứng thú đến đây check in và chụp ảnh, còn những mảng màu trên tường đã bắt đầu bạc thếch dưới ánh nắng ngày hè, có chỗ còn bị tô vẽ bậy, phun sơn.

Bức tranh về đại dương ngay dưới chân cầu vượt Hòn Chồng phủ đầy rêu mốc. (Ảnh: Hương Thảo)

Bức tranh về đại dương ngay dưới chân cầu vượt Hòn Chồng phủ đầy rêu mốc. (Ảnh: Hương Thảo)

Có một sự thật, việc con đường bích họa tại đường Phạm Văn Đồng rơi vào tình trạng khai thác kém hiệu quả không phải câu chuyện mới. Bởi lẽ, thực trạng này cũng đã diễn ra tại một số nơi khác trong thành phố như: đường tranh bích họa với chiều dài 300m nằm ở làng chài phường Vĩnh Trường hay những bức tranh dưới chân cầu vượt Phong Châu...

Chị Nhã Trâm (trú phường Vĩnh Hải) cho rằng, do nhiều đường bích họa ở sát biển nên hơi nước mặn thổi vào trong đất liền dẫn đến một số bức tranh bị phai mờ hoặc rêu mốc: “Tôi không hiểu sao, chính quyền địa phương đã bỏ tiền, công sức ra để làm nên những con đường bích họa nhằm thu hút khách du lịch nhưng trước tình hình xuống cấp như vậy mà không thấy các ngành chức năng tu sửa, làm đẹp những địa điểm này”.

Ghé đến đường bích họa ở phường Vĩnh Trường, chúng tôi được nhiều người dân chia sẻ, khi đường tranh bích họa tại đây được triển khai, mọi người đã họp bàn xây dựng phương án tạo sinh kế từ đường bích họa. Ai cũng lên kế hoạch cho gia đình mình, có người còn nghĩ nếu có thể kinh doanh, buôn bán ngay khu vực này thuận lợi sẽ bỏ nghề đi biển. Thế nhưng, khi giấc mơ thay đổi cuộc sống dựa vào đường bích họa chưa kịp thực hiện thì bỗng vỡ trong nỗi tiếc nuối vô ngần. Bởi lẽ, khách chỉ đến náo nhiệt trong những ngày đầu, rồi cứ thế ít dần, ít dần và giờ... ít hẳn.

Đường tranh bích họa tại phường Vĩnh Trường trở thành nơi tập kết xe rác và rác. (Ảnh: Hương Thảo)

Đường tranh bích họa tại phường Vĩnh Trường trở thành nơi tập kết xe rác và rác. (Ảnh: Hương Thảo)

Đang ngắm nhìn một số bức tranh "may mắn" chưa bị phai nhòa, chị Bảo Trân (du khách Đắk Lắk) bày tỏ: "Tôi đi tour du lịch theo đoàn, nhưng trong lịch trình lại không có đường bích họa. Hỏi hướng dẫn viên thì họ chỉ đến địa điểm phường Vĩnh Trường vì con đường này ngoài tranh thì còn có nhiều giàn hoa giấy cực đẹp. Thật tiếc khi một điểm đến hấp dẫn lại không thể khai thác trong các tour. Tranh bị lãng quên không được tu dưỡng, phơi giữa mưa nắng lẽ dĩ nhiên sẽ bị hư hại".

Đừng để lãng phí tiềm năng du lịch

Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, mô hình du lịch với những con đường, tuyến hẻm bích họa nhiều triển vọng giữa lòng phố biển vừa mới hình thành, chưa kịp "chín" đã "héo". Việc thu hút du khách tìm đến khám phá chưa được như mong đợi, thậm chí khó liên kết với các hoạt động du lịch như xây dựng lịch trình trong các tour tuyến. Và đó là một câu chuyện dài ở thì tương lai cần được quan tâm.

Chưa kể, những dự án về tranh bích họa chỉ được tập trung kinh phí đầu tư ban đầu, chưa được đơn vị có trách nhiệm quan tâm thường xuyên, do đó không phát huy khả năng khai thác hiệu quả, chưa tạo được điểm nhấn phát triển du lịch tại địa phương, gây lãng phí tiềm năng du lịch.

Ở góc độ khác, để đường tranh bích họa mang lại giá trị kinh tế, du lịch cho địa phương, vai trò của người dân sinh sống tại khu vực có đường tranh rất quan trọng. Nhưng họ không đủ kiến thức để có thể kể về quá trình vẽ các bức bích họa, giải thích chủ đề cho du khách.

Ngoài ra, họ ít được tham dự các lớp tập huấn, nâng cao khả năng khai thác hiệu quả dựa vào mô hình này. Đó cũng là lý do khiến những đường tranh bích họa bị thả nổi chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, vận hành.

Có thể thấy, mô hình về những con đường, tuyến hẻm bích họa rất nhiều tiềm năng. Nhưng do đầu tư chưa phù hợp, công tác quản lý nhà nước để phát triển mô hình này còn hạn chế, dẫn đến tình trạng đìu hiu, vắng khách.

Hệ quả của tình trạng nói trên không chỉ là sự lãng phí, tốn kém về tiền bạc, mà đó còn là sự lãng phí thời gian, công sức lao động nghệ thuật của các họa sĩ, những giá trị tinh thần không thể tính bằng tiền.

Những bức tranh bị bong tróc, loang lổ khiến ấn tượng đẹp trong mắt du khách về cách ứng xử với những tác phẩm nghệ thuật, công trình công cộng của cơ quan quản lý nhà nước và người dân bị mất đi.

UBND thành phố Nha Trang cần phối hợp với đơn vị liên quan có kế hoạch chỉnh trang và bảo vệ các tác phẩm bích họa. Cần sớm đưa ra giải pháp phù hợp để phục hồi và bảo tồn những điểm đến du lịch đặc sắc này.

Hương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nha-trang-duong-bich-hoa-xuong-sac-nghiem-trong-171954.html