Nha Trang: Khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới

Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, TP. Nha Trang đã và đang khẩn trương chuẩn bị mọi mặt nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác dạy và học.

Xây mới, sửa chữa trường học; tuyển dụng giáo viên

Sau 12 tháng thi công, công trình xây mới Trường THCS Thái Nguyên vừa chính thức hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm học mới. Đây là một trong những công trình trọng điểm được thành phố quan tâm đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay. Với tổng mức đầu tư 85,7 tỷ đồng, trường có quy mô 45 lớp, phục vụ nhu cầu học tập của gần 2.000 học sinh, với 2 khối phòng học 4 tầng (tổng cộng 30 phòng), khối bộ môn 4 tầng, khối hành chính - quản trị 2 tầng, nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ, với trang thiết bị đồng bộ. Cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau nhiều năm hoạt động, cơ sở vật chất của trường đã quá tải, xuống cấp, ảnh hưởng tới việc dạy và học. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, trường đã được xây mới khang trang, hiện đại, với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, thư viện; có không gian xanh, sạch, đẹp. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường phấn đấu, nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng dạy và học”.

Ngoài Trường THCS Thái Nguyên, Nha Trang còn đầu tư xây dựng Trường THCS Lý Thái Tổ (giai đoạn 2), với tổng kinh phí 31 tỷ đồng (xây dựng mới khối phòng đa năng, khối các phòng học bộ môn); xây dựng mới Trường Mầm non Vĩnh Phương 2 (điểm thôn Tây). Cùng với đó, thành phố đầu tư sửa chữa, nâng cấp các trường mầm non: Vĩnh Trung, Vĩnh Lương (điểm Cát Lợi), Lộc Thọ 1, Hồng Bàng; các trường tiểu học: Vĩnh Lương 1, Phước Thịnh, Phước Hải 3, Ngọc Hiệp, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Nguyên 2, Phước Đồng (điểm Phước Hạ); sửa chữa Trường THCS Lương Định Của... Tính đến tháng 7-2024, thành phố đang thực hiện 35 dự án xây dựng mới, sửa chữa phòng học, nhà vệ sinh, xây dựng bếp ăn bán trú, mua sắm trang thiết bị dạy học… với tổng mức đầu tư hơn 183 tỷ đồng. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố đang trình cấp trên phê duyệt chủ trương đầu tư mua sắm trang thiết bị lớp 3, lớp 7 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với tổng mức đầu tư gần 20,4 tỷ đồng.

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên tại lễ khánh thành trường mới.

Học sinh Trường THCS Thái Nguyên tại lễ khánh thành trường mới.

Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian qua, Nha Trang đã thực hiện tuyển dụng được 433 viên chức sự nghiệp GD-ĐT. Ngày 1-7, đã có 84 viên chức (đối với nhóm vị trí việc làm nhân viên văn phòng) nhận nhiệm sở. Ngày 1-8, có 349 viên chức (trúng tuyển nhóm vị trí việc làm giáo viên) nhận nhiệm sở tại các trường mầm non, tiểu học và THCS. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt kế hoạch điều chuyển công tác một số viên chức trong địa bàn thành phố để đảm bảo biên chế hợp lý cho các nhà trường.

Năm học 2024 - 2025, Nha Trang có 133 trường (hệ công lập 100 trường, hệ ngoài công lập 33 trường), giảm 3 trường công lập so với năm học trước; 203 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Thành phố đã sáp nhập các trường: Mầm non Lộc Thọ và Mầm non Lý Tự Trọng thành Trường Mầm non Lộc Thọ 1; Mầm non Hồng Bàng với Mầm non Sơn Ca thành Trường Mầm non Tân Lập 2; Tiểu học Xương Huân 1 và Tiểu học Xương Huân 2 thành Trường Tiểu học Xương Huân. Hiện nay, cấp mầm non có 69 trường, tiểu học 39 trường, THCS 25 trường; tổng số học sinh ước tính 85.000 em.

Vẫn còn khó khăn

Hiện nay, các xã, phường ở Nha Trang như: Phước Long, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải… có số học sinh chuẩn bị vào lớp 1 tăng cao, trong khi cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu. Do đó, phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố phương án tăng sĩ số học sinh tại một số lớp, mở thêm lớp, đồng thời điều chuyển sang các trường lân cận. Ngoài ra, dự kiến một số học sinh Trường Tiểu học Phước Long 2 sẽ được bố trí học nhờ tại trường khác, một số học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc học nhờ hội trường Trung tâm Văn hóa xã. Đối với cấp học mầm non, quy định mới yêu cầu các trường phải có phòng thư viện, nhưng trong điều kiện hiện có, trước mắt, các trường chỉ có thể thực hiện phương án cải tạo các khu vực trong trường để xây dựng góc thư viện cho trẻ hoạt động. Cấp học này đang tiến tới phổ cập mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi, song thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo của các trường mầm non công lập vẫn còn thiếu so với quy định. Tại các trường tiểu học, THCS, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nhất là thiết bị giảng dạy môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Cô giáo hướng dẫn các bé Trường Mầm non Hướng Dương tham gia hoạt động ngoài trời.

Cô giáo hướng dẫn các bé Trường Mầm non Hướng Dương tham gia hoạt động ngoài trời.

Nha Trang đang thực hiện lộ trình sáp nhập các trường trên địa bàn theo hướng tập trung tinh gọn đầu mối. Thời gian qua, sau sáp nhập, trên địa bàn thành phố đã giảm 9 trường. Dự kiến, đến năm học 2025 - 2026 sẽ giảm tiếp 15 trường so với hiện tại; toàn thành phố sẽ chỉ còn 85 trường công lập. Theo bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, sau khi sáp nhập, một số trường có nhiều điểm trường sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động chung; sinh hoạt tổ chuyên môn; quản lý, giám sát công tác tổ chức bán trú cho học sinh của các trường mầm non, tiểu học. Phòng GD-ĐT sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo tới các trường để từng bước khắc phục khó khăn, tổ chức tốt hoạt động dạy học trong năm học mới, nhất là việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202408/nha-trang-khan-truong-chuan-bi-cho-nam-hoc-moi-4497905/