Nha Trang: Sứa xuất hiện tại cầu Bè

Hơn 10 ngày qua, sứa xuất hiện tại cầu Bè (xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang) - một nơi khá xa biển khiến nhiều người lo lắng về hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Tuy nhiên, theo cơ quan khí tượng thủy văn, khu vực Khánh Hòa chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Hơn 10 ngày qua, sứa xuất hiện tại cầu Bè (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) - một nơi khá xa biển khiến nhiều người lo lắng về hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Tuy nhiên, theo cơ quan khí tượng thủy văn, khu vực Khánh Hòa chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Sứa ngược dòng quán trường

Những ngày qua, người dân phát hiện sứa tại nhiều khu vực thuộc địa bàn các xã như: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh. Ông Nguyễn Chánh (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh) cho hay: “Cách đây hơn 10 ngày, sứa xuất hiện khá nhiều tại khu vực cầu Bè. Mật độ sứa khá dày, toàn loại sứa chén. Chúng đè cả lưới của những người bắt cá trên sông khiến lưới sập, không thể hoạt động”. Ông Nguyễn Ngọc Hội (trú phường Phước Hải) đang sản xuất rau tại xã Vĩnh Thạnh, sát khu vực cầu Bè cũng cho hay, những ngày gần đây, ông thường xuyên thấy đàn sứa nổi lên vào sáng sớm. Tuy nhiên, khi nắng lên thì đàn sứa biến mất.

 Sứa xuất hiện tại cầu Bè, xã Vĩnh Thạnh.

Sứa xuất hiện tại cầu Bè, xã Vĩnh Thạnh.

Một số người sinh sống ở khu vực cầu Dứa cũng phát hiện có đàn sứa di cư vào sâu đất liền, ban ngày có thể nhìn thấy chúng nếu trời mát. Quan sát tại khu vực có lắp đặt cống ngăn mặn cầu Dứa, chúng tôi nhìn thấy mờ mờ những con sứa rất to đang bơi dưới đáy. Theo người dân, sứa xuất hiện cho thấy hiện tượng xâm nhập mặn đã ăn sâu vào đất liền. Bởi, sứa là một trong những loài chỉ thị cho vùng nhiễm mặn. Lâu nay, cống ngăn mặn cầu Dứa làm nhiệm vụ điều tiết nước cho vùng sản xuất lúa phía trên, nay đất lúa không còn nên đơn vị quản lý đã hạ các tấm ván phai khiến nước mặn xâm nhập vào sâu. Từ năm ngoái đến nay, hiện tượng triều cường xuất hiện vài lần khiến cá sốc nhiệt chết hàng loạt, điển hình là vào tháng 2-2020 cá chết khá nhiều tại khu vực cầu Dứa.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết, tình hình nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của xã, khoảng 5ha đất nông nghiệp dọc bàu Sông Tháo đến tràn Rọc Dài bị nhiễm mặn, không thể sản xuất. Xã đề nghị đơn vị quản lý đập cầu Dứa đóng ngay hệ thống ván ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền. Về lâu dài, xã đề nghị kiên cố hóa cống ngăn mặn này.

Có sứa nhưng chưa nhiễm mặn?

Có thể hình dung đường nước mặn xâm nhập như sau: Nước biển vào theo sông Quán Trường, xâm nhập lên khu vực cầu Dứa. Tại cầu Dứa, lâu nay bố trí cống ngăn mặn bằng ván để điều tiết nước qua tràn. Thời gian trước, khi các cánh đồng của các xã ngoại thành như Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh… còn sản xuất lúa, hệ thống thủy lợi hoạt động điều tiết nước, phát huy vai trò ngăn mặn, giữ ngọt. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tăng, hầu hết các khu vực ruộng lúa chuyển sang nhà ở, khu đô thị nên hệ thống thủy lợi cũng bị bít, lấn, biến dạng, hư hỏng nên nước ngọt không về được khiến nước mặn lấn sâu, nhất là những khi triều cường.

Tiến sĩ Huỳnh Minh Sang (Viện Hải dương học): Hiện tại, nước cầu Bè đo được độ mặn 10‰. Sự xuất hiện của sứa chứng tỏ nguồn nước nhiễm mặn vì hầu hết sứa sống ở biển. Hiện nay, khu vực cầu Bè ngoài sứa còn phát hiện vẹm.

Theo ông Dương Tiến Vũ - Trưởng Văn phòng đại diện Nha Trang, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, hoạt động ngăn mặn của đập cầu Dứa vẫn tiếp tục, tuy nhiên hiện nay, diện tích tưới không còn nên đập chỉ hoạt động cầm chừng. Với trạng thái bình thường, hệ thống ván phai mở ở khẩu độ vừa phải, nước mặn không thể xâm nhập sâu vào đất liền, trừ những hôm triều cường. Tuy nhiên, hiện nay, việc điều tiết rất khó khi nguồn nước ngọt từ kênh thoát lũ sông Tắc - Quán Trường đổ về cầu Dứa hạn chế do cống ở đây có khẩu độ nhỏ, lại nằm ở cao trình cao nên khó lấy nước. Ngoài ra, dòng chảy về cầu Dứa gặp rất nhiều chướng ngại vật như cây cối, nhà cửa lấn dòng, cần được khơi thông. Nếu có hiện tượng nhiễm mặn xuất hiện, đơn vị sẽ lắp ngay hệ thống ván phai để không cho nước mặn xâm nhập. Việc này sẽ hoàn thành ngay vài ngày tới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ cho hay, hiện tại, theo các bản tin dự báo về xâm nhập mặn thì Khánh Hòa chưa bị hiện tượng nhiễm mặn. Trên địa bàn cả nước chỉ có khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước tình trạng xâm nhập mặn khốc liệt. Các tỉnh Nam Trung Bộ xảy ra hiện tượng mực nước các sông thấp hơn cùng kỳ 20% nhưng vẫn chưa bị mặn xâm lấn.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202103/nha-trang-sua-xuat-hien-tai-cau-be-8210476/