Nhà Trắng thúc đẩy các CEO công nghệ hạn chế rủi ro từ AI
Các thành viên của Quốc hội, bao gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, cũng đã soạn thảo và đề xuất luật điều chỉnh AI.
Nhà Trắng mới đây đã kêu gọi các CEO công nghệ của Thung lũng Silicon hạn chế rủi ro của trí tuệ nhân tạo, trong nỗ lực rõ ràng nhất của chính quyền nhằm đối mặt với những câu hỏi và lời kêu gọi gia tăng để điều chỉnh công nghệ đang phát triển thần tốc này.
Hơn một giờ trong Phòng Roosevelt của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Kamala Harris và các quan chức khác đã nói với các nhà lãnh đạo của Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic rằng họ có trách nhiệm xem xét nghiêm túc những lo ngại về công nghệ này. Tổng thống Joe Biden cũng đã tham dự cuộc họp trong một thời gian ngắn.
Đây là cuộc họp đầu tiên của Nhà Trắng với các CEO của các công ty đang phát triển AI, kể từ khi ChatGPT được giới thiệu.
Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên bố: “Các công ty tư nhân có trách nhiệm đạo đức, luân lý, pháp lý để đảm bảo an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ. Mọi công ty phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ”.
Cuộc họp cho thấy sự bùng nổ AI đã gây áp lực lên các chính phủ trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia công nghệ lên tiếng yêu cầu các chính phủ phải có chính sách kiểm soát công nghệ này. Kể từ khi OpenAI phát hành ChatGPT vào năm ngoái, nhiều công ty công nghệ lớn đã gấp rút kết hợp chatbot AI vào sản phẩm của họ và tăng tốc nghiên cứu AI. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hàng tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp AI.
Sự bùng nổ AI cũng làm dấy lên lo ngại về cách công nghệ này có thể biến đổi nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động tội phạm. Các chuyên gia công nghệ lo lắng rằng các hệ thống AI mạnh mẽ có khả năng phân biệt đối xử, khiến mọi người mất việc làm, lan truyền thông tin sai lệch và thậm chí có thể tự mình vi phạm pháp luật.
Đầu tuần này, Geoffrey Hinton, nhà nghiên cứu tiên phong được mệnh danh là “cha đẻ AI” đã từ chức tại Google để bày tỏ về những rủi ro mà AI có thể mang lại.
Tổng thống Biden gần đây đã nói rằng “vẫn còn phải xem xét” liệu AI có nguy hiểm hay không và một số người được bổ nhiệm hàng đầu đã cam kết sẽ can thiệp nếu công nghệ này được sử dụng theo hướng có hại. Các thành viên của Quốc hội, bao gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, cũng đã soạn thảo và đề xuất luật điều chỉnh AI.
Các nhà lập pháp ở Liên minh Châu Âu cũng đang trong quá trình đàm phán các quy tắc về AI. Tại Trung Quốc, các nhà chức trách gần đây đã yêu cầu các hệ thống AI phải tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Ông Tom Wheeler, cựu Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang, cho biết: “Châu Âu chắc chắn không ngồi yên, Trung Quốc cũng vậy. Có lợi thế của người đi trước trong chính sách cũng sẽ tương tự như lợi thế của người đi trước trên thị trường”.
Ông Wheeler cho biết mọi con mắt đang đổ dồn vào những hành động mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.
Vài giờ trước cuộc họp, Nhà Trắng đã thông báo rằng Quỹ Khoa học Quốc gia có kế hoạch chi 140 triệu USD cho các trung tâm nghiên cứu mới dành cho AI. Chính quyền cũng cam kết sẽ đưa ra các hướng dẫn dự thảo cho các cơ quan chính phủ để đảm bảo rằng AI vẫn bảo vệ “quyền và sự an toàn của người dân Mỹ”, đồng thời cho biết thêm rằng một số công ty AI đã đồng ý cung cấp sản phẩm của họ để giám sát vào tháng 8 tại một hội nghị an ninh mạng.
“Chúng tôi mong muốn có một cuộc thảo luận thẳng thắn về những rủi ro mà chúng ta thấy trong quá trình phát triển AI hiện tại và trong tương lai gần, các hành động để giảm thiểu những rủi ro đó và những cách khác mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau để đảm bảo người dân Mỹ được hưởng lợi từ những tiến bộ của AI trong khi vẫn được bảo vệ khỏi chúng”, Arati Prabhakar, Giám đốc văn phòng chính sách khoa học và công nghệ của Nhà Trắng, cho biết.
Năm ngoái, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch chi tiết cho dự luật về quyền của AI, trong đó nói rằng các hệ thống tự động sẽ bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của người dùng, bảo vệ khỏi các kết quả phân biệt đối xử và làm rõ lý do tại sao một số hành động nhất định được thực hiện. Vào tháng 1, Bộ Thương mại cũng đã công bố một khuôn khổ để giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát triển AI, vốn đã được nghiên cứu trong nhiều năm.
Vào tháng 4, một nhóm các cơ quan chính phủ đã cam kết “giám sát việc phát triển và sử dụng các hệ thống tự động, đồng thời thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm”.
Theo The Spokesman
Nhà Trắng lý giải tại sao Mark Zuckerberg không được mời tham dự cuộc họp về Trí tuệ nhân tạo