Nhà Trắng vừa mừng vừa lo trước cuộc 'nội chiến' của đảng Cộng hòa
Thất bại ngày 3/1 của ứng viên chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy từ đảng Cộng hòa có thể là cơ hội chính trị cho Nhà Trắng, song đó cũng là dấu hiệu đáng quan ngại.
Tại cuộc họp báo hôm 3/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre lịch sự từ chối một số câu hỏi về thất bại chưa từng có trong 100 năm của ông Kevin McCarthy - ứng viên chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, Nhà Trắng không hề thờ ơ trước những gì vừa diễn ra tại Hạ viện Mỹ.
Với những vấn đề đau đầu mà Hạ viện khóa mới (do đảng Cộng hòa kiểm soát) có thể tạo ra cho Tổng thống Joe Biden, tình trạng hỗn loạn trong nội bộ phe Cộng hòa tại viện này có thể mang lại lợi ích chính trị cho Nhà Trắng.
Các trợ lý tổng thống tin tưởng nếu họ tiếp tục tập trung vào những mục tiêu lưỡng đảng, và chừng nào các đảng viên Cộng hòa còn sa lầy vào những cuộc tranh chấp nội bộ, ông Biden vẫn có thể củng cố niềm tin với công chúng.
“Lúc này, đảng Cộng hòa gần như không hoạt động. Họ thậm chí không thể thống nhất về việc ai sẽ là người lãnh đạo”, Hạ nghị sĩ Dân chủ Joaquin Castro nói.
“Đó không chỉ là vấn đề trong Quốc hội. Nó ảnh hưởng đến cả đất nước, và chúng tôi thậm chí không thể bỏ phiếu về bất kỳ điều gì khác cho đến khi họ quyết định ai giữ ghế chủ tịch Hạ viện”, ông nói thêm.
Không lãng phí thời gian
Hạ nghị sĩ Mark Pocan, đảng viên Dân chủ, rất ngạc nhiên khi ông McCarthy không nhận đủ phiếu bầu cần thiết để kế nhiệm cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Ông Pocan châm biếm rằng đảng Cộng hòa “có lẽ nên đề cử (diễn viên) Bill Murray”. “Tôi nghĩ chúng ta phần nào đó có thể tận hưởng tình huống này. Thật thú vị”, ông nói thêm.
Hạ nghị sĩ Raul Grijalva, đảng viên Dân chủ, cũng cho biết: “Dựa trên những gì đang diễn ra, (có thể thấy) khả năng tự quản lý và thông qua luật của họ rất mong manh. Đây là kết cục khi họ bẻ cong mọi thứ theo ý thức hệ, trái với nhiệm vụ của Quốc hội”.
Trong khi một số đảng viên Dân chủ dõi theo động thái tại Hạ viện, Nhà Trắng không hề lãng phí thời gian. Chính quyền ông Biden đang ngầm cho thấy sự tương phản, bằng cách thể hiện khả năng thúc đẩy sự hợp tác của lưỡng đảng.
Sự kiện lớn đầu tiên trong năm mới của ông Biden là chuyến đi đến Kentucky. Tại đây, tổng thống Mỹ sẽ xuất hiện chung với lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell trong lễ khởi công xây dựng cây cầu mới trên sông Ohio.
Dự án này được triển khai theo thỏa thuận tài trợ cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá gần 1.000 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2021. Sự kiện này sẽ là ví dụ tiêu biểu cho cách tiếp cận của ông Biden trong năm nay, theo AP.
Đến ngày 6/1, Tổng thống Biden cũng sẽ có bài phát biểu tại Nhà Trắng, đánh dấu kỷ niệm hai năm diễn ra cuộc bạo loạn Điện Capitol hôm 6/1/2021, để nhắc nhở nước Mỹ rằng ai là người chịu trách nhiệm.
Các quan chức hàng đầu cũng sẽ thúc đẩy chính sách kinh tế của ông Biden trong tuần này.
Tại Chicago, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ phát biểu về việc "chính sách kinh tế của tổng thống đang xây dựng lại cơ sở hạ tầng như thế nào, tạo ra công việc có mức lương cao và vực dậy những cộng đồng bị bỏ lại phía sau", theo thông báo từ Nhà Trắng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg cũng đưa ra thông điệp tương tự ở New London, Connecticut.
Mối lo ngại
Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng lo ngại về sự hỗn loạn đang diễn ra tại Hạ viện.
Theo tờ Los Angeles Times, nếu giành chức chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy có thể sẽ khuyến khích các nghị sĩ Cộng hòa hợp tác với đảng Dân chủ tại cả hai viện nhằm đạt được điều gì đó cho người dân Mỹ, chẳng hạn dự luật nhập cư lưỡng đảng, hợp pháp hóa quy trình xin tị nạn và giải quyết vấn đề biên giới.
Ông McCarthy cũng có cách tiếp cận thiện chí hơn những đảng viên ủng hộ tư tưởng cực đoan của cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông McCarthy không coi việc đóng cửa chính phủ là công cụ tái thiết, không công khai lên tiếng về việc luận tội Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris, cũng không “nhiệt tình” ủng hộ cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về cuộc bầu cử năm 2020, theo Time.
Bên cạnh đó, các quan chức Nhà Trắng thừa nhận việc thông qua các luật lưỡng đảng sẽ khó khăn hơn, khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. Song phe Cộng hòa chỉ chiếm đa số hẹp và dễ thay đổi.
Một số phụ tá của Tổng thống Biden vẫn lạc quan rằng nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ chương trình nghị sự của họ.
Chẳng hạn, sau cuộc bầu cử giữa kỳ, Phó thư ký báo chí Andrew Bates cho biết các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện - từng bỏ phiếu cho luật cơ sở hạ tầng của ông Biden vào năm 2021 - đều tái đắc cử.
Tổng thống Biden và các trợ lý của ông sẽ tiếp tục gán mác tiếng nói cực đoan cho đảng Cộng hòa, trong khi tiếp cận những đảng viên đối lập có tiềm năng hợp tác với đảng Dân chủ.
Trong trường hợp các hạ nghị sĩ Cộng hòa thực hiện đúng lời hứa - hủy bỏ đạo luật giảm phát và hạn chế các biện pháp bảo vệ quyền phá thai, Nhà Trắng tin tưởng rằng những nỗ lực đó sẽ bị Thượng viện ngăn chặn, và sẽ có lợi cho đảng Dân chủ về mặt chính trị.
Đáng lưu ý, chính quyền ông Biden không còn phải đối mặt với mối đe dọa về việc đóng cửa chính phủ, sau khi thông qua dự luật chi tiêu trị giá 1.700 tỷ USD vào tháng 12/2022. Đây được xem là chiến thắng lớn cho ông Biden, nhờ sự ủng hộ từ lưỡng đảng.
Trên thực tế, khi ông McCarthy chật vật giành sự ủng hộ hôm 3/1, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng tận dụng cơ hội “minh oan” cho quyết định thông qua dự luật chi tiêu, theo Politico.
“(Trước cuộc bỏ phiếu), tôi được khuyên không nên thông qua dự luật chi tiêu 1.700 tỷ USD, vì khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện mới, họ sẽ khiến nó tốt hơn. Tôi không nghĩ họ giữ được lời hứa đó”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết.