Nhà trọ giá 50.000 đồng cho khách về trẩy hội chùa Hương
Chỗ nghỉ chân với giá 50.000 đồng cùng với tiện ích dịch vụ ăn uống và sinh hoạt khiến nhiều du khách về trẩy hội chùa Hương (Hà Nội) bất ngờ.
Sáng 15/2 (tức mùng 6 Tết) chính thức khai hội chùa Hương 2024 (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Lễ hội Chùa Hương năm 2024 với chủ đề “Lễ hội Chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện,” nhằm khẳng định giá trị văn hóa Lễ hội chùa Hương và phát huy giá trị quần thể Khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Với nhiều du khách tới chùa Hương, hành trình tham quan, khám phá điểm đến này khá dài và mệt mỏi vì nếu muốn đi hết các đền chùa, di tích trong quần thể, có thể phải mất tới 2 ngày.
Với những người chọn tới thăm chùa Hương và ra về trong ngày, tuyến tham quan Hương Tích là lựa chọn thích hợp nhất. Tuyến hành trình này gồm các điểm tham quan: Đền Trình - chùa Thiên Trù - động Tiên Sơn - chùa Giải Oan - đền Trần Song - động Hương Tích...
Ghi nhận của PV Báo GD&TĐ, ngay từ mờ sáng, hàng nghìn người đã đổ về chùa Hương chờ lễ khai hội. Với số lượng điểm đến lớn và địa hình đồi núi, người đi chùa Hương và ra về trong ngày luôn phải đối mặt với nỗi lo tìm nơi nghỉ chân giữa cuộc hành trình. Đáp ứng nhu cầu này, rất nhiều nhà trọ đặc biệt đã được mở trong khu vực tham quan.
Sau khi đi qua cổng soát vé, du khách có thể thấy hàng loạt hàng quán với đủ thể loại mặt hàng như đồ ăn, đồ chơi, đồ cúng lễ, viết sớ giống như nhiều khu di tích khác.
Điểm đặc biệt đáng chú ý tại khu vực này là các nhà trọ cho du khách nghỉ chân với mức giá chỉ 50.000 đồng một người.
Bà Nguyễn Thị Biên (chủ nhà trọ) cho biết, dịch vụ cho thuê chiếu để người dân đi trẩy hội chùa Hương nghỉ ngơi dừng chân này đã có từ nhiều năm nay.
“Trước đây khi chưa có cáp treo, dịch vụ này thu hút rất đông người. Tuy nhiên, vài năm gần đây, đặc biệt sau Covid-19, ít người ở qua đêm hơn. Giá cho thuê theo quy định của ban tổ chức, rất phù hợp cho mọi người nghỉ ngơi sau quãng đường dài vãn cảnh, chiêm bái...”, bà Biên nói.
Bà Biên cho biết thêm, những nhà trọ dạng này được mở ra để phục vụ nhu cầu nghỉ chân giữa chặng đường tham quan của du khách. Do đó, có sự khác biệt lớn với các nhà trọ ở bên ngoài khu vực di tích.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tuấn (56 tuổi) chia sẻ, mỗi ngày gia đình ông đón tiếp vài chục lượt khách.
Giá nghỉ 1 ngày đêm giá 150 nghìn đồng/người, còn người thuê nghỉ ngày giá 50 nghìn đồng/người.
Theo ông Tuấn, giá thuê nghỉ ngày tính ra chỉ hơn một bát phở. Vì vậy nhiều đoàn đến với chùa Hương đã lựa chọn để nghỉ ngơi, thay quần áo để chụp ảnh.
Theo ghi nhận của PV, tuy với giá 50.000 đồng song khu vực nghỉ ngơi cũng được trang bị đầy đủ trên các tấm phản, giường kéo dài hàng chục mét, trải chiếu và đặt sẵn chăn màn để du khách có thể nhanh chóng nghỉ ngơi hồi sức trước khi tiếp tục tham quan.
Nhà trọ dạng kết hợp kinh doanh đồ ăn, thức uống và trông coi đồ đạc cho du khách, tạo ra một hệ thống dịch vụ khép kín để phục vụ những người chỉ đến tham quan và ra về trong ngày.
Hệ thống nhà vệ sinh công cộng miễn phí và nhà tắm do Ban tổ chức Lễ hội chuẩn bị, du khách tới đây đã không còn phải quá lo lắng về hành trình “dài hơi” của mình những ngày đầu năm mới 2024 tại chùa Hương.
Anh Bùi Văn Lộc (quận Hoàng Mai, Hà Nội) một du khách vãn cảnh chùa Hương sáng mùng 6 Tết cho biết, khá bất ngờ về dịch vụ này.
"Trả 50.000 đồng cho một chỗ nghỉ trưa, thậm chí có cả dịch vụ gửi đồ đạc, hành lý để giảm bớt gánh nặng trong chuyến tham quan...”, anh Lộc nói.
Trước đó (ngày 14/2), dù chưa khai hội nhưng chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã đón khoảng 10 vạn du khách tới du xuân, vãn cảnh chùa sau 3 ngày bán vé.