Nhà trọ mùa khai trường: Nơi 'cháy' phòng, nơi ế ẩm
Thời điểm này, nhu cầu tìm nơi lưu trú của tân sinh viên tăng khiến giá nhà trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng tăng theo.
Đau đầu tìm phòng trọ
"Đến hẹn lại lên", thời điểm năm học mới cận kề, nhiều sinh viên, gia đình có con đỗ đại học ở ngoại tỉnh lại chạy đôn đáo khắp Hà Nội tìm phòng trọ. Đây cũng chính là thời điểm đắt khách nhất trong năm của những người làm dịch vụ cho thuê phòng trọ. Nắm được nhu cầu thuê phòng của tân sinh viên, nhiều chủ trọ sẵn sàng đẩy giá phòng lên mức "trên trời" gây khó khăn cho người thuê.
Sau hơn 3 ngày miệt mài đi khắp các ngõ phố, Nguyễn Thu Hoài (quê Nam Định, tân sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic) mới tìm được cho mình một căn phòng trọ tạm ưng ý để chuẩn bị cho năm học mới cận kề. Nữ tân sinh viên cùng 2 người bạn mới quen chọn cho mình một căn phòng trọ rộng 25m2 với mức giá 2 triệu đồng (chưa bao gồm điện, nước) có địa chỉ nằm trên đường Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Với vị trí phòng trọ hiện tại, nữ sinh sẽ phải di chuyển quãng đường khoảng 4km mới có thể đến được ngôi trường đang theo học. Hoài cho biết bản thân chấp nhận sẽ phải di chuyển xa hơn nhưng bù lại giá thuê phòng trọ ở mức có thể chịu đựng được.
Theo chia sẻ của Hoài, trước thời điểm chuẩn bị nhập học khoảng 1 tuần, cô đã giành thời gian để tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội rồi gọi điện trực tiếp để đặt phòng tại các khu vực gần trường nhưng đều được báo hết phòng hoặc mức giá quá cao.
"Thậm chí, khi tìm thấy căn phòng ưng ý, em ngỏ ý đặt cọc trước tiền để sát ngày nhập học mới lên nhưng chủ trọ không đồng ý. Bản thân em cũng đã lường trước khó khăn trong quá trình tìm phòng trọ nhưng không thể ngờ được lại gian nan đến thế", Hoài bộc bạch.
Khảo sát của PV Báo Phụ nữ Việt Nam cho thấy, tại những khu vực gần Trường Cao đẳng FPT Polytechnic như phố Hòe Thị, phố Vân Canh (thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) giá thuê phòng trọ khép kín rộng 25m2 dao động ở mức 2,5 – 2,7 triệu đồng/tháng (chưa kể điện, nước, dịch vụ).
Trong khi đó, tại các khu vực gần những trường đại học lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như phố Dịch Vọng, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy); đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Láng Hạ (quận Đống Đa)... mức giá cho một phòng trọ bình dân rộng 20m2 dao động từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tại các khu vực này, phân khúc phòng trọ bình dân thời điểm hiện tại hầu như đều đã kín người thuê.
Đáng chú ý, bên cạnh mức giá thuê phòng khá "chát", mức phí dịch vụ đi kèm (điện, nước…) cũng làm nản lòng người thuê. Đơn cử như giá nước sạch được thu từ 25.000 đến 30.000 đồng/khối; điện từ 3.500 đến 4.000 đồng/số; phòng có nóng lạnh, điều hòa được tăng vài trăm nghìn/phòng…
Dự án nhà ở cho sinh viên ế ẩm
Trái ngược với sự khan hiếm và mức giá trên trời của các nhà trọ cho thuê, một sự lựa chọn ổn cho các tân sinh viên mùa tựu trường là các khu chung cư dành riêng cho sinh viên hay ký túc xá lại rơi vào tình trạng ế ẩm.
Được xây dựng để phục vụ riêng cho nhu cầu lưu trú của học sinh, sinh viên với mức giá thuê rẻ nhưng Dự án nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) mới được sử dụng rất ít. Sau 14 năm xây dựng, trong số 6 hạng mục tòa nhà, hiện chỉ có 3 tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành. Tuy nhiên, hiện tòa A1 và A5 đang bỏ không, còn tòa A6 có sinh viên vào ở nhưng số lượng không đáng kể.
Theo một sinh viên đang thuê phòng tại đây cho biết, nguyên nhân Dự án nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp ế khách là do nằm ở vị trí quá xa hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trong khi những phương tiện giao thông công cộng kết nối đến khu vực và cả tiện ích xung quanh cũng chưa thực sự đầy đủ.
Bên cạnh đó, dự án nằm biệt lập trong Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp và không có những tuyến đường giao thông lớn đi qua, các trường đại học gần nhất là Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân chỉ có thể di chuyển theo trục đường Giải Phóng với khoảng cách 4 - 5km. Trong khi tâm lý của sinh viên thường muốn ở trọ gần trường để tiện đi lại, sinh viên đi làm thêm cũng phải di chuyển khá xa.
Dù có mức giá rẻ, thuận tiện cho việc đi lại học tập, thế nhưng nhiều sinh viên cũng không "mặn mà" với việc lựa chọn ký túc xá làm nơi lưu trú. Nguyên nhân được chỉ ra là ở ký túc xá quá đông, phòng chật hẹp khi có diện tích chỉ khoảng 15 - 20m2/phòng cho 6 người ở và dùng chung 1 nhà vệ sinh, nhà tắm, rất bất tiện.
Dù không có mấy thiện cảm với ký túc xá nhưng một tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (quận Cầu Giấy) cho biết bản thân vẫn sẽ chọn nơi đây là địa điểm lưu trú trong những ngày đầu của quãng đời sinh viên.
"Hiện tại, giá phòng trọ ở Hà Nội rất cao nên những sinh viên ngoại tỉnh như chúng em chắc chắn sẽ không kham nổi. Ở ký túc xá một thời gian, chúng em có thể quen biết, kết bạn rồi sau đó sẽ rủ nhau thuê phòng trọ ở ngoài để tiết kiệm chi phí", tân sinh viên cho biết.
Anh Nguyễn Huy Đức (nhân viên một công ty môi giới bất động sản) cho biết, thay vì lựa chọn những phòng trọ có diện tích nhỏ hẹp, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, tân sinh viên cũng nên lưu tâm đến những phòng trọ được cải tạo từ những biệt thự bỏ hoang.
Theo anh Đức, những phòng trọ kiểu này thường có không gian rộng rãi, thoải mái, riêng tư và giá các dịch vụ đi kèm rẻ hơn rất nhiều. Anh Đức lấy ví dụ tại khu vực các trường như Đại học Công nghiệp, Đại học Công nghệ Đông Á, Cao đẳng FPT Polytechnic… tân sinh viên có thể tập trung thuê một căn biệt thự tại Khu đô thị Vân Canh đã được cải tạo để cho thuê.