Nhà trường 'bắt tay' với doanh nghiệp mang việc làm tới sinh viên

Việc được trải nghiệm thực tế, cùng doanh nghiệp chia sẻ sẽ giúp SV học hỏi, nắm bắt kịp thời tiêu chí tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

Sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội Kết nối doanh nghiệp và sinh viên.

Sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội Kết nối doanh nghiệp và sinh viên.

Ngày hội việc làm do các trường đại học, cao đẳng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức góp phần định hướng, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm tại các đơn vị tuyển dụng uy tín. Việc được trải nghiệm thực tế, cùng các doanh nghiệp chia sẻ sẽ giúp sinh viên học hỏi, nắm bắt kịp thời tiêu chí tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

Nhiều sinh viên lựa chọn “đá chéo sân”

Theo kết quả nghiên cứu từ Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21,43%. Đáng chú ý, đối với các khối ngành nông, lâm, ngư và thú y, ngành nhân văn và nghệ thuật, ngành khoa học tự nhiên, toán và công nghệ thông tin, ngành nông, lâm, ngư và thú y, tỉ lệ này lên đến hơn 60%.

Theo TS Lâm Minh Châu, giảng viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay tỷ lệ sinh viên ra trường lựa chọn “đá chéo sân” tương đối cao. Việc làm trái ngành không có nghĩa là “phủi sạch” toàn bộ kiến thức được học trong suốt bốn năm đại học, song sinh viên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

“Các bạn sinh viên vẫn có thể áp dụng những kiến thức đã học giúp tăng thêm lợi thế cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội trong công việc. Tuy nhiên chọn công việc trái ngành học đồng nghĩa với việc họ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, chấp nhận rằng mình bước chậm hơn so với những đồng nghiệp học đúng chuyên ngành. Vì vậy, phải chủ động tìm tòi và trau dồi kiến thức thật sự nghiêm túc để bù đắp kiến thức nền tảng còn thiếu. Điều này tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”, TS Lâm Minh Châu nhận định.

Thực tế này cho thấy, công tác hướng nghiệp trong học sinh, sinh viên cần được các cấp nhà trường đặc biệt chú trọng. Việc hiểu rõ năng lực, sở trường của bản thân sẽ giúp sinh viên đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp, tránh việc học một ngành, làm việc một ngành khác gây nhiều bất lợi.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Lời giải cho “bài toán” hướng nghiệp

Từ thực tế đó, hiện nhiều trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học chú trọng kết hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm nhằm thực hiện mục tiêu, chủ trương chiến lược của nhà trường trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực, giới thiệu việc làm cho sinh viên. Việc hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều, thực tế. Từ đó, góp phần thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Mới đây, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Ngày hội kết nối doanh nghiệp - sinh viên Trường Công nghệ - NCT Job Fair 2024. Ngày hội đã thu hút gần 1.000 sinh viên, cùng hơn 30 doanh nghiệp, tổ chức uy tín trong nhiều lĩnh vực như: Tài chính, actuary, bảo hiểm, công nghệ thông tin, kế toán, quản trị rủi ro doanh nghiệp, nhân sự,… tham dự.

Theo PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, mục tiêu của sự kiện là giúp sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm, học hỏi kinh nghiệm làm việc chuyên môn thực tế và định hướng phát triển sự nghiệp vững vàng trong tương lai.

“Nhà trường mong muốn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thị trường lao động sớm nhất có thể, tìm ra hướng phát triển cũng như kỹ năng cần thiết trong công việc. Sự kiện là cơ hội kết nối cho sinh viên và thị trường lao động một cách thiết thực. Thông qua sự kiện này, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng văn hóa hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ”, PGS.TS Bùi Huy Nhượng cho biết.

Sinh viên Trần Thị Quỳnh Hoa (21 tuổi, Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, các ngày hội việc làm đem tới rất nhiều cơ hội thiết thực cho sinh viên, được trải nghiệm thực tế cùng các doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên có thể định hướng rõ ràng về công việc đồng thời phát triển kỹ năng mới trong thời đại công nghiệp 4.0.

Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đánh giá cao sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong công tác đào tạo còn giúp nhà trường xây dựng các học phần hợp lý hơn, xen kẽ chương trình lý thuyết tại trường và chương trình thực hành tại các doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học, nâng cao năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng tự học, tư duy độc lập và giá trị bản thân.

TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, ngoài việc tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thị trường lao động, nhà trường còn mong muốn thường xuyên tổ chức tọa đàm nghề nghiệp, cập nhật kiến thức chuyên môn để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Huy cũng đánh giá cao sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong công tác đào tạo.

“Để phát triển việc đào tạo cũng như đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, trường cũng đã thành lập các phòng nghiên cứu (Lab) nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu của sinh viên, giảng viên và là cầu nối hiệu quả giữa nhà trường với doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học, nâng cao năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng tự học, tư duy độc lập và giá trị bản thân”, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-truong-bat-tay-voi-doanh-nghiep-mang-viec-lam-toi-sinh-vien-post713418.html