Nhà trường, phụ huynh đang tạo ra những học sinh 'đồng chất, đồng màu'?
Năm nay con gái tôi vô lớp 1 một trường ở quận Bình Thạnh (TPHCM). Vì chuyện con nhập học mà tôi và mẹ chồng bất đồng quan điểm, từ chuyện có cho con học trước lớp 1 không đến chuyện mua sách, bao bìa, dán nhãn...
Đầu tiên là chuyện có nên cho con học trước lớp 1. Tôi chủ trương không cho con học trước, trừ khi con thích. Mẹ chồng tôi thì khăng khăng "phải cho bé đi học trước lớp 1 để theo kịp chúng bạn khi vào lớp".
Cho tới bây giờ, theo dõi diễn đàn trên báo, tôi thấy "phe" không cho học trước ít hơn "phe" cho học trước. Thôi thì chuyện này đợi hạ hồi phân giải, chắc vẫn còn tranh luận dài dài.
Thứ hai là chuyện mua đồng phục cho con lúc nào. Cuối tháng 7, tôi tới hỏi nhà trường về đồng phục, anh bảo vệ trả lời "ngày mai đến". Qua hôm sau, mẹ chồng tôi tới thì được báo là "đã bán hết đồng phục rồi. Bán từ hồi đầu tháng 7".
Nhà trường không thông báo với phụ huynh , làm sao tôi biết được. Vậy nhưng mẹ chồng lầm bầm trách tôi sao không lo mua sớm. Rồi bà lặn lội tìm chỗ bán đồ giống với đồng phục nhà trường. Cuối cùng bà cũng tìm được tiệm bán đồ gần trường, có cả logo của trường để dán vào. Thật là nhiêu khê.
Nghĩ lại, thời xưa học sinh đi học chỉ cần áo trắng, quần tây (đen hoặc xanh) là được. Không cần phải đồng phục đồng phiếc gì cho rắc rối.
Kế nữa là chuyện bao bìa sách vở. Nghĩ rằng sách vở chỉ cần bao bìa, dán nhãn, ghi tên con là được nên trước ngày con nhập học, tôi hối chồng ra nhà sách mua một mớ bìa bao, nhãn dán... rồi hai vợ chồng hì hục bao bao dán dán.
Buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường phát (thực ra là bán) một mớ bao bìa, làm hại tôi về nhà phải tháo bao bìa nhãn dán lúc đầu ra để bao lại. Chồng tôi cằn nhằn, mẹ chồng tôi thì nói: "Đã bảo mọi năm nhà trường bắt bao bìa có logo của trường rồi". Thật khổ thân tôi, vừa tốn tiền vừa bực lại vừa bị la.
Theo giải thích của trường, trẻ lớp 1 chưa biết chữ nên phải bao bìa tập đúng màu mới phân biệt được. Ngày xưa chúng tôi đi học cũng chưa biết chữ, vậy nhưng có nhầm vở của nhau đâu? Theo tôi, cái kiểu cuốn vở nào y như vở đó, bao bìa thì nguyên 1 sê-ri mới là dễ nhầm, dễ lộn.
Một chuyện nữa là mua sách giáo khoa ở nhà sách hay nhà trường. Theo mẹ chồng tôi, nếu mua trễ sẽ hết sách, không có cho con học. Vậy là mới tháng 6 chồng tôi đã mua bộ sách giáo khoa ở hiệu sách về cho con.
Thế nhưng đi họp phụ huynh, nhà trường phát tờ giấy ghi một loạt cuốn sách với những cái tên tác giả. Dù ở dưới ghi là "chỉ để tham khảo, không áp dụng loại, mẫu" nhưng tôi đố phụ huynh nào nhận tờ giấy đó "dám" mua sai. Làm ông xã tôi (là nhân viên nhà sách) chạy đôn chạy đáo kiếm cho ra chỗ mua đúng loại sách và tên tác giả mà nhà trường yêu cầu.
Giờ đây tôi ngẫm lại, không biết phụ huynh chúng tôi có "bắt tay" cùng nhà trường để tạo ra những thế hệ học sinh "đồng chất, đồng màu" hay không, khi mà các khâu chuẩn bị cho các con nhập học cứ na ná nhau, đứa nào cũng như đứa nào, chẳng có gì khác biệt, chẳng có gì riêng.
Tôi đang lo lắng đến giai đoạn con học, con viết chữ, những kiểu chữ in hoa "rồng bay phượng múa" rối nhằng, những kiểu chữ in nét đậm nét thường mà nhìn vở học trò nào cũng như học trò nào, chẳng thể nào phân biệt được học sinh qua từng nét chữ của chúng.
Rồi thì các bài văn mẫu, rập khuôn... tôi lo không biết sau này con mình có sự sáng tạo nào riêng cho bản thân nó không, để người khác nhận ra nó qua giọng văn, qua chữ viết.
Tôi đang lo lắng về những thế hệ học sinh "đồng chất, đồng màu". Không biết có phải tôi là người quá lạc hậu hay không?
Theo Huyền Nga/Tuổi Trẻ