Nhà tù các nước trước áp lực đại dịch Covid-19
Hệ thống pháp luật và nhà tù các nước đang chịu áp lực không hề nhỏ từ đại dịch Covid-19.
Nhiều nước phóng thích tù nhân
Người ta ước tính, riêng Mỹ có khoảng 2,3 triệu tù nhân ở các nhà tù cấp liên bang, tiểu bang và địa phương; Anh là một trong số các quốc gia có số tù nhân lớn nhất ở Tây Âu, với hơn 80.000 người; Indonesia có 522 nhà tù, nhưng chứa đến 270.000 tù nhân; đến giữa năm 2019, Iran giam giữ khoảng 240.000 tù nhân, 60% trong số đó là tù nhân với các tội danh trộm cắp, ma túy… Ở hầu hết các nước, nhiều nhà tù đang giam giữ số tù nhân lớn hơn khả năng chứa của nó, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế… COVID-19 đang hoành hành và đã bắt đầu tấn công các nhà tù, các trung tâm giam giữ người nhập cư, trung tâm chăm sóc người già cũng như bệnh viện tâm thần.
Thông cáo của Bộ Tư pháp Iran cho biết, các nhà tù đã bị phong tỏa, tù nhân không được phép ra khỏi phòng giam kể từ ngày 2/3, tuy nhiên, vì mỗi phòng giam có từ 10-20 người và sử dụng chung một hành lang tới nhà vệ sinh, nguy cơ lây lan Covid-19 tại các nhà tù vẫn rất cao. Đến ngày 21/02/2020 có hàng trăm trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19) cả tù nhân, giám thị và lính lính canh... được xác nhận tại các nhà tù trên khắp Trung Quốc. Theo Cục Nhà tù Liên bang Mỹ (BOP), đã có ít nhất 91 tù nhân và 50 nhân viên tại 122 cơ sở giam giữ đã mắc Covid-19.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet hôm 25/3 cho rằng, các cơ sở giam giữ ở nhiều quốc gia đang trong tình trạng quá tải, tù nhân bị giam giữ trong điều kiện mất vệ sinh, khiến họ và nhân viên quản giáo dễ bị nhiễm SARS-CoV-2, có thể dẫn tới thảm họa; các nước phải có nhiệm vụ bảo vệ tù nhân trước đại dịch bằng cách phóng thích những người đặc biệt dễ bị tổn thương với COVID-19, gồm những tù nhân lớn tuổi, bị bệnh cũng như những tội phạm có mức độ nguy hiểm thấp.
Các thẩm phán ở Mỹ đã có phiên họp khẩn để bàn về các phương án ân xá hoặc thỏa thuận để tù nhân được phóng thích sớm hoặc không phải ngồi tù. Rất nhiều bang ở Mỹ hiện nay không còn cho phép thăm tù nhân (lệnh cấm tương tự chính là nguyên nhân đã dẫn đến vụ bạo loạn trong nhà tù ở Italy cách đây không lâu). Cơ quan Cải tạo và Phục hồi nhân phẩm California (CDCR) hôm 31/3 đã đưa ra hai biện pháp chính để giảm số lượng tù nhân, bao gồm tạm dừng tiếp nhận tù nhân từ các nhà tù hạt và tiến hành tha bổng cho những người phạm tội phi bạo lực với thời gian thụ án còn 60 ngày hoặc ít hơn. Cảnh sát Los Angeles cho biết số tội phạm bị bắt cũng giảm, từ trung bình 300 xuống chỉ còn 60 trường hợp/tuần vào giữa tháng 3/2020.
Iran bị xem là "tâm dịch" ở Trung Đông khi người nhiễm virus ở nước này mang dịch tới nhiều nước trong khu vực như Iraq, Oman, Lebanon, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, thậm chí cả Canada và New Zealand. Liên Hợp Quốc và Mỹ kêu gọi Iran thả các tù nhân chính trị, bao gồm hàng chục người đa quốc tịch và nước ngoài. Washington đã cảnh báo Iran sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho bất kỳ cái chết nào của công dân Mỹ bị giam giữ. Theo các thống kê chính thức, Iran đến nay đã cho phóng thích tạm thời 85.000 tù nhân, 10.000 người trong số này được ân xá. Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã làm việc với giới chức y tế Iran để tăng cường các biện pháp ứng phó dịch, có những hỗ trợ kỹ thuật nhằm đối phó Covid-19.
Ngày 2/4, Indonesia đã thả khoảng 18.000 tù nhân nhằm ngăn chặn Covid-19 lan rộng trong hệ thống nhà tù quá tải - một phần trong kế hoạch trả tự do tổng cộng 30.000 tù nhân và có thể nhiều hơn nhằm làm giảm áp lực cho các nhà tù. Tại Canada, 1.000 tù nhân ở Ontario đã được thả; hiện giới luật sư tại đây đang làm việc với các công tố viên trong nỗ lực nhằm phóng thích thêm nhiều tù nhân khác. North-Rhine Westphalia - bang đông dân nhất của Đức - mới đây tuyên bố sẽ thả 1.000 tù nhân gần mãn hạn; Sudan cũng đã thả hơn 4.000 tù nhân; Ethiopia tuyên bố sẽ thả hơn 4.000 tù nhân. Bộ Tư pháp Anh cho biết, khoảng 4.000 tù nhân ở vùng England và Wales sẽ được trả tự do tạm thời - một phần kế hoạch quốc gia nhằm hạn chế số người thiệt mạng vì Covid-19.
Nhân văn, nhân đạo, nhưng không phải với mọi đối tượng
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ hôm 26/3 chỉ thị BOP cho phép quản thúc tại gia đối với các tù nhân lớn tuổi thỏa mãn các điều kiện cơ bản nhằm giảm thiểu sự lây lan của COVID-19 trong hệ thống nhà tù ở nước này. BOP hiện giam giữ 146.000 tù nhân, khoảng 10.000 trong số này ở độ tuổi trên 60 và 1/3 trong số đó đáp ứng các điều kiện đặt ra. Tổng thống Trump đã ký dự luật kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 2.000 tỷ USD, trong đó có một điều khoản được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho các nhà tù liên bang áp dụng biện pháp quản thúc tại nhà đối với các tù nhân đủ điều kiện nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Trước khi đạo luật này được ban hành, BOP chỉ có thể chuyển tù nhân bị giam giữ trong tù sang quản thúc tại nhà khi các tù nhân đã chấp hành được 90% án tù hay thời gian thi hành án còn lại không quá 6 tháng. Luật mới cho phép Giám đốc BOP tự quyết định phóng thích một lượng lớn tù nhân hơn song đòi hỏi trước hết Bộ trưởng Tư pháp phải công bố tình trạng khẩn cấp đối với hệ thống nhà tù liên bang. Thị trưởng New York (Mỹ) cho biết quyết định thả những tù nhân "dễ bị tổn thương", gồm những trường hợp phạm tội vặt và những người có bệnh lý nền.
Bộ Tư pháp Anh cho biết, những đối tượng phạm tội có nguy cơ thấp (đang mang thai hoặc có con nhỏ) sẽ được thả nhưng phải mang thẻ điện tử; với những tù nhân phạm tội bạo lực hay tội tình dục, khủng bố sẽ không được tự do tạm thời. Bộ Tư pháp Ba Lan cho biết một số tù nhân sẽ thi hành phần còn lại của bản án tại nhà và cũng được theo dõi bằng các thẻ điện tử. Giới chức Afghanistan cho biết sẽ phóng thích ít nhất 10.000 tù nhân trên 55 tuổi, song những tù nhân được thả sẽ không gồm thành viên của phiến quân Taliban hoặc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo.
Chính phủ Indonesia cho phép thả những người mắc tội nhẹ và các tù nhân đã chịu phạt được ít nhất 2/3 thời hạn tù. Tuy nhiên, kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Nhân quyền Indonesia về thả trước hạn tù cho 50.000 phạm nhân, bao gồm cả phạm nhân tham nhũng vì COVID-19 đang bị chỉ trích. Báo Jakarta Post đưa tin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Nhân quyền đã ra kế hoạch điều chỉnh các điều khoản, điều kiện khoan hồng cho tù nhân và những kẻ phạm tội vị thành niên tại Quy định số 99/2012 của Chính phủ Indonesia.
Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này sẽ mang tới quyết định tha tù trước hạn cho 300 phạm nhân tham nhũng từ 60 tuổi trở lên đang thụ án cùng với 15.442 phạm nhân ma túy ở mức 5-10 năm tù giam, 1.457 phạm nhân đặc biệt mắc bệnh mãn tính, và 53 tù nhân nước ngoài đã thụ án 2/3 thời gian ngồi tù. Kế hoạch của Bộ Tư pháp và Nhân quyền đã bị các nhà hoạt động chống tham nhũng cực lực phản đối, vì điều này sẽ dẫn tới cả việc thả những người bị kết án trong các đại án tham nhũng, như trường hợp cựu Chủ tịch Hạ viện Novanto - người bị kết án 16 năm tù giam vì gian lận số tiền tương đương 424 triệu USD tại Dự án Căn cước công dân điện tử.
Kurnia Ramadhana - nhà hoạt động của Tổ chức Giám sát tham nhũng Indonesia (ICW) - cho biết, việc thả tù nhân tham nhũng không đạt hiệu quả trong việc giảm quá tải nhà tù, vì số lượng của họ không nhiều. Còn nhà hoạt động Muhammad của Tổ chức Trợ giúp Pháp lý Indonesia (YLBHI) thì cho rằng, bằng việc tha bổng sớm cho những người bị kết án tham nhũng, Bộ Tư pháp và Nhân quyền đã “chuyển tội tham nhũng từ một dạng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sang loại tội phạm thông thường”.
Iran đang rơi vào tình trạng hỗn loạn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Chính phủ nước này dường như không có khả năng xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh và thả tự do cho một số lượng lớn tù nhân vì đại dịch. Những người được tạm tha phải được xác nhận âm tính với virus corona và nộp tiền bảo lãnh; những trường hợp mắc tội nặng không được tạm tha; tù nhân với án tù dài còn hạn tù trên 5 năm và bị coi là nguy hiểm cho cộng đồng không thuộc diện được phóng thích.
Tại Nga, Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia Liên bang tin rằng, những người bị kết án phạm tội nhẹ có thể được ra tù để giảm nguy cơ lây nhiễm vì những tù nhân như vậy sẽ không gây ra mối đe dọa cho dân thường. Ngày 7/4, tại Nga, tòa án phán quyết chuyển bị cáo từ trung tâm giam giữ trước khi xét xử sang quản thúc tại gia vì sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang nhiều khả năng sẽ ủng hộ sáng kiến của Hội đồng Nhân quyền (HRC), theo đó, chấm dứt các vụ án hình sự của tội phạm ít nguy hiểm, cũng như đình chỉ điều tra theo các điều khoản với hình phạt dưới 5 năm tù.
Một bài báo Nga cho rằng, ân xá là thể hiện tính nhân văn, nhân đạo - điều được cho phép vì nó không mâu thuẫn với tinh thần của luật pháp nói chung - nhưng có tính đến lợi ích của cộng đồng, của xã hội mà cụ thể là an ninh sự an toàn - trường hợp ân xá đại trà phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho dân chúng. Không có gì phải sợ những người bị kết án có thể được ân xá và trong một số trường hợp, việc phóng thích tạm thời là cơ hội và nghĩa cử giúp những người tay đã trót nhúng chàm hoàn lương. Đồng thời, cũng cần lưu ý, trong trường hợp tù nhân bị giam giữ tập trung, vẫn có thể áp dụng các biện pháp vệ sinh cần thiết, duy trì khoảng cách xã hội… để ngăn ngừa sự lan truyền của dịch bệnh./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nha-tu-cac-nuoc-truoc-ap-luc-dai-dich-covid19-1036828.vov