Nhà văn Đỗ Phấn: Bây giờ ít người Hà Nội cũ

Tại buổi tọa đàm bàn về Hà Nội thông qua văn chương đương đại, nhà văn Đỗ Phấn nhận định Hà Nội đã có một sự thay đổi ghê gớm và bây giờ có ít người Hà Nội cũ.

Ngày 14-11, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm và giao lưu với chủ đề "Của phố và của người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại". Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế - Sáng tạo Hà Nội 2024.

Các khách mời tham dự là những nhà văn có nhiều tác phẩm về Hà Nội như nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý và nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Thạch.

Đề cập đến sự thay đổi của Hà Nội, nhà văn Đỗ Phấn khẳng định Hà Nội đã có một sự thay đổi ghê gớm. Sự thay này đổi khiến cho ông phải bày tỏ: “Chính tôi, ngoài bốn khu phố nội thành còn nhớ đường, nhớ phố, còn ra ngoại thành phải giở bản đồ như người mới đến Hà Nội ngày hôm qua”.

 Nhà văn Đỗ Phấn (trái) cho rằng, Hà Nội có một thứ không thay đổi là nề nếp, tác phong, cách ứng xử. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Nhà văn Đỗ Phấn (trái) cho rằng, Hà Nội có một thứ không thay đổi là nề nếp, tác phong, cách ứng xử. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Nhà văn Đỗ Phấn cũng lấy dẫn chứng về sự thay đổi của Hà Nội thông qua ký ức về những cái bếp. Từ bếp đun bằng mùn cưa, đun dầu rồi đun bằng bếp ga… theo ông, đó là những thay đổi hay ho và dĩ nhiên có cả những thay đổi không hay lắm.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà, tác giả của Con giai phố cổ thì tếu táo: "Hà Nội đổi thay là các bạn sinh viên ít làm thơ hơn trước. Ông cũng cho rằng với cá nhân mình, không còn người Hà Nội mà chỉ là người ở Hà Nội".

Nhà văn Nguyễn Trung Quý thì thừa nhận Hà Nội có sự thay đổi về mặt cơ học và vật chất. Theo anh, bối cảnh cấu thành nên ứng xử con người.

“Đôi khi sự lộn xộn, trăm bề tứ phương nó cũng là một nét gợi cảm, khiến cho người khác, nơi khác đến đây để tìm hiểu. Không phải những người đến đây để lập nghiệp, để mưu sinh, tìm kế sinh nhai mà kể cả những người nước ngoài nữa. Tôi rất lấy làm lạ là họ cảm thấy rất thú vị với Hà Nội, say mê với cả những thứ tộc tệch đó, khuôn hình đó. Cảm giác không gặp được ở chỗ khác” - nhà văn Trương Quý cho biết.

Nhà văn Đỗ Phấn thì cho rằng Hà Nội có một thứ không thay đổi là nề nếp, tác phong, cách ứng xử. Đây là những điều có bề dày lịch sử rất lâu.

Ở thời phong kiến, luật lệ hà khắc, nghiêm chỉnh, đến thời thuộc địa có bộ quy tắc ứng xử thuộc địa ngay ngắn, không thể hỗn loạn. Đến thời kỳ đổi mới, có thêm thành phần kinh tế tư nhân, sinh ra hỗn loạn trên phố phường.

“Tôi vẫn thấy thứ không đổi đó là tính cách, bây giờ ít người Hà Nội cũ. Có khi họ đi ra xa khu nội thành rồi. Người cũ trong lõi phố phần lớn đi ra ngoài ngoại vi. Vậy ai sống ở lõi phố? Chắc chắn những người mới, những người thành đạt, người có tiền" - nhà văn Đỗ Phấn nói.

 Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Theo ông, người có tiền một là buôn gian bán lậu, cờ bạc, hai là tài giỏi kinh doanh. “Tính cách, nề nếp sinh hoạt, ứng xử của người Hà Nội không còn nhiều, chỉ như giọt mực nhỏ của Hồ Tây nhưng vẫn tồn tại những giọt mực như thế, đến một lúc nào đó những giọt mực ấy sẽ lan tỏa được tính cách, cách ứng xử đó" - nhà văn Đỗ Phần kỳ vọng.

Nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Thạch cho rằng sự hỗn loạn của Hà Nội bắt đầu từ đổi mới đến giờ. Sự hỗn loạn đó biểu hiện sự bất lực của quản trị đô thị và của hệ thống an ninh công cộng.

Lấy dẫn chứng từ TP.HCM, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch bày tỏ: "Các bạn cứ thử dừng ở ngã tư đèn đỏ ở TP.HCM. Tại sao từ một người grap, một người xe ôm họ có sự bình thản đối diện với những sự khủng khiếp của cuộc sống, họ chờ đèn đỏ, họ tuân thủ luật giao thông, họ đi phần đường của họ. Trong khi đó, người Hà Nội lại cảm thấy kinh khủng”.

Ông cho rằng cần truy nguyên sự hỗn loạn của Hà Nội từ đâu ra, nó có phải là căn tính, bản chất của người Hà Nội hay không, thứ hai nó có đáng coi là một cái gì đó để thành văn hóa hay không...

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-van-do-phan-bay-gio-it-nguoi-ha-noi-cu-post819795.html