Nhà văn Dương Thụy chia sẻ về tình yêu không biên giới
Đánh dấu 17 năm song hành cùng NXB Trẻ và nhân dịp tác phẩm Em rắc thính, anh thả tình được tái bản lần thứ nhất, sáng 20-12 tại Đường sách TPHCM, nhà văn Dương Thụy đã có buổi giao lưu cùng bạn đọc của mình.
Em rắc thính, anh thả tình được ra mắt hồi tháng 7 năm nay. Đây là tác phẩm đầu tiên của Dương Thụy "đóng mộc 18+", chứa nhiều đối thoại độc đáo và quan điểm hiện đại về tình bạn, tình yêu và cả tình dục một cách nghiêm túc, bản lĩnh, được bộc bạch qua một hành trình "thả thính, thả tình" xuyên quốc gia giữa một cô gái Việt "chưa từng nếm trải mùi vị yêu đương" với các chàng "soái ca" đa quốc tịch theo đuổi.
Dương Thụy là một tên tuổi nổi bật của thế hệ nhà văn sinh sau năm 1975. Năm 2003, tác phẩm đầu tiên của chị do NXB Trẻ in là Con gái Sài Gòn (in chung với Tiểu Vân). Đến năm 2005, chị đoạt giải 3 cuộc thi Văn học tuổi 20 với tập truyện ngắn Hành trình của những người trẻ.
Từ đó đến nay, nhà văn Dương Thụy tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình với hàng loạt tác phẩm ra đời, qua nhiều thể loại truyện ngắn, truyện dài, du ký. Vào năm 2018, chị là một trong ba tác giả có sách bán chạy nhất ở NXB Trẻ cùng với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Tony Buổi Sáng.
Theo ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch HĐQT NXB Trẻ, Dương Thụy là nhà văn viết khỏe, viết bền. Trong 17 năm qua, Dương Thụy đã có 17 tác phẩm được xuất bản ở NXB Trẻ. Các tác phẩm của chị bán tốt và bán chạy. Một trong số đó là Oxford thương yêu với hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt, đã được tái bản 30 lần với 115.000 bản in. Tác phẩm mới nhất, Em rắc thính, anh thả tình chỉ trong thời gian ngắn đã được tái bản với tổng số 10.000 bản in.
“Chúng tôi nhìn thấy ở Dương Thụy một cây bút giàu sáng tạo, gắn với tuổi trẻ. Dương Thụy viết về tuổi trẻ hôm nay, về việc học, việc làm, chuyện yêu, chuyện trải nghiệm trên một hành trình đi khám phá thế giới rộng lớn nhưng đồng thời cũng là khám phá chính bản thân mình trong công cuộc đi tìm thành công và hạnh phúc”, ông Dương Thành Truyền cho biết.
Là bạn thân cả ngoài đời lẫn trong văn chương, theo chia sẻ của nhà văn Phan Hồn Nhiên, mỗi lần đọc sách của Dương Thụy, chị đều thích thú và xúc động.
“Đọc những tác phẩm của Dương Thụy, điều làm tôi xúc động, vui thích là mình có thêm động lực để tiếp tục viết. Và giống như các độc giả ở đây, tôi luôn luôn tìm thấy nguồn năng lượng tích cực trong các tác phẩm của Dương Thụy”, Phan Hồn Nhiên nói thêm.
Ngoài ra, cũng theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, văn chương của Dương Thụy luôn mang đến cho các bạn độc giả trẻ rất nhiều niềm vui, ước mơ, khơi dậy những mong muốn được đi, được học, được khám phá thế giới bên ngoài.
“Thường các nhà văn sẽ chinh phục được một nhóm đối tượng độc giả nào đó, nhưng với Dương Thụy rất độc đáo ở chỗ ngoài đối tượng độc giả trung thành thế hệ 7X, 8X thì có thêm những độc giả trẻ, thế hệ sau này vẫn tiếp tục đọc sách của Dương Thụy, và vẫn luôn thấy mới mẻ, gọi mời”, Phan Hồn Nhiên chia sẻ.
Chia sẻ tại chương trình, nhà văn Dương Thụy cho biết, chị viết Em rắc thính, anh thả tình với thông điệp tích cực: "Giới trẻ Việt Nam vài năm trở lại đây phần lớn đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Họ chịu quá nhiều áp lực cùng một lúc: thành công trong sự nghiệp, hiếu thảo với gia đình, trách nhiệm với xã hội… đặc biệt là "phải lập gia đình trước tuổi 30".
Bên cạnh đó, nhà văn Dương Thụy còn cho rằng, mạng xã hội cũng góp phần làm giới trẻ thêm buồn bực khi phải chứng kiến cả thế giới đều hạnh phúc trừ bản thân mình. Chính vì vậy, qua tác phẩm, chị mong muốn góp một tiếng nói cảm thông đến họ, và mong họ tích cực nhận ra: thế giới này dù có làm người ta trầm cảm, thì vẫn là một thế giới đáng sống!
Một trong những chủ đề được quan tâm tại chương trình giao lưu là tình yêu không biên giới. Đây cũng là đề tài được nhà văn Dương Thụy khai thác trong tác phẩm của mình với nhân vật chính là cô gái với cái tên đầy nam tính là Nam Việt (tên rút gọn là Vi).
Trong vai trò khách mời đặc biệt, ca sĩ Kyo York cho biết, anh đọc Em rắc thính, anh thả tình và rất ấn tượng với nhân vật nữ chính. Ở Vi có đầy đủ đặc tính của những cô gái Việt Nam. Theo Kyo, có một thực tế là giới trẻ bây giờ có rất nhiều cô gái không tự tin. Phụ nữ Việt Nam rất giỏi nhiều thứ, nhưng khi ra thế giới thì họ lại rụt rè và hơi e ngại.
Cũng theo Kyo York, những người đàn ông phương Tây luôn luôn bị hấp dẫn bởi những gì đó khác lạ so với họ. Kyo và những người bạn từ phương Tây lúc nào cũng bị hấp dẫn bởi những người phụ nữ Việt Nam là vì họ khác hoàn toàn. Họ có những nét đẹp rất duyên, sự duyên dáng hoàn toàn không có ở phụ nữ phương Tây.
“Chính cách hành xử và bề ngoài của phụ nữ Việt Nam khiến nhiều người ấn tượng, và “say nắng”. Đó cũng là một trong những lý do khiến Kyo ở Việt Nam 9 năm qua”, anh nói.
Về vấn đề thách thức của tình yêu không biên giới, từ trải nghiệm của chính mình, Kyo York cho rằng, khi quen một cô gái khác sắc tộc giống như một con dao hai lưỡi. Vì nó vừa là sự hấp dẫn nhưng đồng thời cũng là một hạn chế. Bởi vì khi mình quen một người nào đó khác đất nước sẽ gặp quá nhiều vấn đề cản trở về văn hóa, giáo dục lẫn cách sống.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nha-van-duong-thuy-chia-se-ve-tinh-yeu-khong-bien-gioi-704173.html