Nhà văn Hiền Trang: Hãy cứ làm điều mình cần làm

Được xem là gương mặt văn chương 9X đầy ấn tượng hiện nay, nhà văn Hiền Trang vừa ra mắt tiểu thuyết Quán bar trong bụng cá voi (Nhã Nam và NXB Văn học). Tiếp đó, chị cũng ra mắt dịch phẩm Ông già và biển cả, kiệt tác văn học giúp nhà văn Ernest Hemingway nhận giải Nobel Văn chương năm 1954. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với nhà văn Hiền Trang.

Nhà văn Hiền Trang và đồng nghiệp quốc tế trong thời gian tham gia chương trình Viết văn quốc tế của Đại học Iowa (Mỹ). Ảnh: NVCC

Nhà văn Hiền Trang và đồng nghiệp quốc tế trong thời gian tham gia chương trình Viết văn quốc tế của Đại học Iowa (Mỹ). Ảnh: NVCC

PHÓNG VIÊN: Đọc Quán bar trong bụng cá voi, người ta nhận ra trong đó có khá nhiều suy tư, quan điểm về nghề viết của chị?

Nhà văn HIỀN TRANG: Thời gian đầu, tôi viết chỉ vì thích viết, thích được đóng vai người kể chuyện, thích cái niềm sung sướng của riêng tôi. Nhưng chẳng lẽ văn chương chỉ là cái sự sung sướng của riêng mình? Đó là điều mà tôi luôn tự hỏi trong vài năm qua. Quán bar trong bụng cá voi là cuốn sách cuối cùng được viết trong độ tuổi 20 của tôi. Tác phẩm này như một ngưỡng cửa, từ biệt tuổi 20 hồn nhiên, nhưng cũng là mở ra một hành trình sáng tác mới, trong đó, các nhân vật không thể chìm đắm mãi vào thế giới của riêng mình, mà còn phải là người quan sát sự thay đổi của thế giới xung quanh và tương tác với những thay đổi ấy.

Trong tác phẩm, dường như tất cả những điều mà truyền thông và giới chuyên môn ngợi ca Hiền Trang đều được chị nhắc đến bằng sự hài hước. Là chị đang tự trào với bản thân?

Ngày trước, khi sáng tác, tôi luôn có một tâm niệm đó là những gì mình viết ra phải được chăm chút bằng một sự cầu kỳ về diễn đạt. Nhưng với tác phẩm này, lần đầu tiên, tôi thả lỏng bản thân. Và sau rốt khi đọc lại sách, tôi nhận ra mình đang viết một bản thảo hài hước, bông lơn, ít nhất là nửa đầu với bầu không khí tưng tửng, rất khác với không khí u buồn, mơ mộng trong những tác phẩm trước đây của tôi. Thế giới xuất bản không đẹp đẽ đáng yêu như người ta vẫn nghĩ hay quá trình sáng tạo vô vọng của nhân vật chính tôi mô tả trong cuốn sách, tất nhiên lấy cảm hứng một phần từ những trải nghiệm của tôi trong thế giới thực, nhưng đã được tiểu thuyết hóa lên.

Chị ra mắt tiểu thuyết Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ năm 2015 và nhận ngay giải B, Giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm. Tính ra, chị đã có một khởi đầu với văn chương tương đối thuận lợi?

Tôi không biết có thuận lợi không nữa. Thú thực, tôi không biết có mấy người đọc cuốn sách ấy, đến tôi cũng không đọc lại luôn, mà tôi không đọc lại sách mình viết bao giờ, trừ khi có những việc bắt buộc mình phải đọc. Nhiều diễn viên rất ngại xem lại phim mình đóng, có cả thuật ngữ để mô tả tình trạng ấy. Tôi băn khoăn không biết có thuật ngữ mô tả việc các nhà văn ngại không dám đọc lại văn mình viết hay không. Tôi nghĩ mình đã chăm chỉ và kỷ luật, dù thường xuyên đặt mốc năm 2015 khi cuốn sách đầu tay ra đời là thời điểm bắt đầu con đường viết lách chính thức, nhưng tôi đã viết rất nhiều thứ linh tinh không ai đọc từ lâu trước khi cảm nhận được là mình cũng có được vài độc giả yêu thích.

Năm 2022, chị tham gia chương trình Viết văn quốc tế của Đại học Iowa (Mỹ) cùng 33 tác giả, nhà văn đến từ nhiều quốc gia. Có sự khác nhau như thế nào giữa một Hiền Trang trước và sau khi theo học?

Sự khác nhau lớn nhất: tôi bắt đầu đặt tên cho nhân vật bằng tiếng Việt. Một thời gian dài, tôi luôn tìm cách phi định xứ các câu chuyện của mình. Khi ấy, tôi thích kể những câu chuyện ở một bối cảnh mà không ai nhận ra nó thực sự là ở đâu, tôi lược bỏ mọi chi tiết ở hậu cảnh để tạo màn phông trắng. Mục đích của việc đó là tạo ra một xứ sở riêng, chỉ nối với thế giới thực bằng một đường dẫn nhỏ. Nhưng đến Quán bar trong bụng cá voi, dù cơ bản vẫn là hư cấu, nhưng có nhiều chi tiết định hướng cho bạn đọc biết bối cảnh đang diễn ra ở đâu. Và đặc biệt, ở bản thảo lịch sử mà tôi đang viết là một câu chuyện có hoàn cảnh, thời điểm rất rõ ràng.

Có lẽ không cần phải nhắc lại tầm vóc của kiệt tác Ông già và biển cả của đại văn hào Ernest Hemingway. Có điều, là hậu thế, khi dịch tác phẩm này, chị gặp phải những áp lực gì?

Thực sự tôi đã lớn lên với bản dịch Ông già và biển cả của GS Lê Huy Bắc, đó là một trong những tác phẩm văn chương nghiêm túc đầu tiên mà tôi đã đọc thời thơ ấu. Nhưng có lẽ viết văn vốn dĩ đã là sống trong cái bóng của nhiều người khổng lồ nên tôi đã quen với áp lực của một hậu nhân rồi. Tôi không nghĩ nhiều về việc mình phải dịch khác thế nào, tôi chỉ cứ thế dịch thôi, tập trung vào hiện tại và việc mình phải làm, như lão ngư trong cuốn sách luôn nhắc nhở bản thân đừng trôi nổi trong suy nghĩ vẩn vơ, mà hãy cứ làm điều mình cần làm trước đã.

Có một bạn sinh viên nhắn tin hỏi tôi rằng có phải tôi viết Quán bar trong bụng cá voi sau khi dịch Ông già và biển cả không, và bạn đã làm một bài tập, trong đó chỉ ra sự tương quan giữa cách xử lý bản dịch của tôi và cách tôi sáng tác. Thật ra, tôi viết xong cuốn sách, sau đó mới được biên tập viên “rủ rê” dịch tác phẩm của Hemingway. Ban đầu tôi đến với việc dịch thuật vì… nhân tiện. Những khoảng thời gian trống giữa hai bản thảo, mình tận dụng dịch thuật để vẫn được mày mò chữ nghĩa. Nhưng lâu dần, dịch thuật mang lại cho tôi niềm vui độc lập. Tôi vẫn hay nói với bạn bè rằng 40 tuổi sẽ dứt bỏ nợ hồng trần, ở nhà viết sách và dịch sách. Đó là cuộc đời mơ ước của tôi.

Sau 8 năm bước vào làng văn, Hiền Trang đã có một “gia tài” văn chương đáng nể với 12 đầu sách ở các thể loại: sáng tác, tiểu luận, dịch thuật. Chị đã nhận được một số giải thưởng như: giải B Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm năm 2015 cho tiểu thuyết Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ, giải 3 Văn học tuổi 20 lần 6 cho tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, giải 4 Văn học tuổi 20 lần 7 cho truyện dài Chopin biến mất, giải C Giải thưởng Sách quốc gia năm 2023 cho dịch phẩm Chơi Jazz ở Việt Nam.

HỒ SƠN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-van-hien-trang-hay-cu-lam-dieu-minh-can-lam-post743742.html