Nhà văn hóa Hữu Ngọc: An toàn... dịch phẩm
TGVN. Một số lĩnh vực rất quan trọng trong sinh hoạt tinh thần hầu như chưa có biện pháp an toàn, đó là lĩnh vực dịch thuật.
Từ ngày Đổi mới, kinh tế của Việt Nam không ngừng phát triển, đời sống khấm khá, nhất là đối với một số tầng lớp thành thị. Nhưng do cạnh tranh ác liệt của thị trường tự do, nhịp sống hối hả chạy theo vật chất, nên nhiều tai họa cũng không ngừng tăng. Đặc biệt là tai nạn giao thông, thực phẩm ô nhiễm, hàng giả ngày một nhiều. Vì vậy ta phải đề ra biện pháp nhằm đảm bảo giao thông, giáo dục luật lệ giao thông, mũ bảo hiểm, an toàn thực phẩm, an toàn thương hiệu...
Trong khi đó, một số lĩnh vực rất quan trọng trong sinh hoạt tinh thần hầu như chưa có biện pháp an toàn, đó là lĩnh vực dịch thuật. Dịch thuật vốn đã quan trọng, nay lại càng hết sức quan trọng trong thời buổi toàn cầu hóa, nhất là khi ta chính thức hội nhập quốc tế về nhiều mặt. Ngoại ngữ không còn là hàng xa xỉ nữa mà đi vào đời sống hằng ngày: đọc cái đơn để uống thuốc, xem cách dùng đồ ăn thức uống công nghiệp, làm visa đi nước ngoài, nói dăm ba câu khi tiếp xúc với khách nước ngoài, không kể người có tiền đi du lịch ra nước ngoài.
Trong mọi ngành kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, nghệ thuật, dịch thuật đóng vai trò chuyển tải trí thức rất quan trọng vì không phải ai cũng có trình độ ngoại ngữ cao để đọc thẳng sách báo nước ngoài. Theo anh Phan Huy Lê đánh giá thì trong các môn khoa học xã hội và nhân văn, dưới 10% sinh viên có đủ trình độ ngoại ngữ để nghiên cứu thẳng tư liệu bằng tiếng nước ngoài. Do đó, nếu các tư liệu này dịch sai, các giám khảo không có thì giờ kiểm tra lại (không kể có nhiều vị còn ấm ớ tiếng nước ngoài) thì tác hại sẽ rất lớn. Rồi những cái sai về khoa học như vết dầu loang, làm ô nhiễm nền khoa học của ta, có khi từ đời này sang đời khác. Về văn học tệ hại không kém. Tôi biết ở nhiều nhà xuất bản, cán bộ biên tập sách dịch không biết hoặc kém ngoại ngữ, chữa các bản dịch “văng mạng” lấy cớ là Việt hóa câu văn. Ấy là chưa kể người dịch cũng dịch bừa đi, không hiểu câu chữ nào thì bỏ đi hoặc bịa ra ý khác miễn là ăn khớp với văn cảnh. Tôi còn nhớ có lần trao đổi với anh Xuân Diệu, anh cực lực phê phán những người cứ cần có nhã nên tha hồ Việt hóa. Anh nhấn mạnh là tín cần đi trước nhã, trắng phải dịch là trắng, không thể lấy cớ nhã mà dịch thành đen. Xin đưa ra một thí dụ cụ thể để chứng minh:
Một hôm, có người đến tìm tôi nhờ xem giùm bản dịch tiếng Pháp từ thuyết minh cho một cuốn phim tư liệu làm rất công phu về Nguyễn Văn Vĩnh. Mới đọc dòng đầu tôi đã rợn tóc gáy. Vì Đông Kinh Nghĩa Thục lại dịch là Enseignement Tokyo (học chính Tôkiô). Tôi nghĩ mãi không hiểu sao lại ra nông nỗi này. Thì ra người dịch đoán Đông Kinh là phiên âm Hán của thủ đô Nhật, còn nghĩa thục là dạy học nói chung. Ai cũng biết Đông Kinh ở đây là Hà Nội. Còn Nghĩa Thục, có nhiều cách dịch khác nhau, tựu trung là: trường tư không học phí, vì việc nghĩa mà tạo dựng (theo Đào Duy Anh). Trách nhiệm dịch là một công ty dịch tự nhận là đã có mấy chục năm làm nghề ở Hà Nội. Tôi xin báo để đồng bào cảnh giác với hàng chục “công ty dịch-in ronéo” mọc lên nhan nhản ở Hà Nội, có khi đứng tên những nhà xuất bản lớn. Có lần tôi kiểm tra giúp một người nhà nhờ một cửa hàng dịch một bản hợp đồng tiếng Anh: điều khoản có, dịch thành không! Nguy hiểm hơn nữa là đơn thuốc bằng các thứ tiếng ít ai biết, họ cứ dịch bừa đi, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Nhân dịp dịch nhầm từ Đông Kinh, thì tôi lại nhớ đến từ Đông Dương. Có lần, tôi choáng người ngắm một cuốn sách về văn hóa lịch sử Trung Quốc đến vài nghìn trang, kê hàng chục tên người dịch và nhiều vị hiệu đính có học vị hẳn hoi. Lướt qua mấy trang đã có thấy sự nhầm lẫn giữa Tây Dương (Ấn Độ Dương) với Đại Tây Dương…
Qua sự nhầm lẫn trên ta không nên tin vào ngay cái bề ngoài các bộ sách bách khoa đồ sộ mà phải kiểm tra trước khi mua kẻo phí tiền.
Vietimes (Vietnamnet) đưa ra một thí dụ dịch sai “khủng khiếp” trong cuốn Những nền văn minh thế giới của NXB Văn hóa, 400 trang, dịch từ tiếng Trung Quốc (tác giả Shuje Congshu). Bài viết đã nêu lên những sai lầm khó chấp nhận như: “Đảo này được UNESCO cho vinh dự là Thiên nhiên trù phú của nhân loại” (đáng lẽ phải dịch là Di sản thiên nhiên thế giới). “Jefferson là quận trưởng Virginia” (đúng ra phải là thống đốc bang Virginia)…Một đoạn vài trăm từ mà có tới 5, 7 chục lỗi đủ các loại. Mà đây là loại sách để tham khảo, giới thiệu 102 địa danh thế giới.
S.O.S dịch thuật. Bảo đảm an toàn dịch phẩm là trách nhiệm lớn của Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục và Hội Nhà văn. Trong khi chờ đợi một chính sách kiểm tra và đào tạo cấp bách người dịch, xin đề nghị vài biện pháp sơ bộ: cán bộ biên tập các bản dịch của nhà xuất bản phải có trình độ ngoại ngữ cao, trả tiền hậu cho các cộng tác viên giỏi hiệu đính bản dịch. Các trường ngoại ngữ đánh giá cao sinh viên dịch ngược giỏi, báo chí nên có cột báo thường xuyên vạch các lỗi sai lầm về dịch, nêu đích tên người dịch và xuất bản. Cục Xuất bản hằng năm nêu tên các sách dịch sai và có biện pháp phạt tiền các sách dịch quá sai…
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-an-toan-dich-pham-97004.html