Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ cuối)

Hesiodos (thế kỷ VIII - VII TCN) là nhà thơ bênh vực nông dân và người chăn nuôi bị áp bức bóc lột. Ông được coi là ông tổ của thơ giáo huấn cổ Hy Lạp. Yêu thiên nhiên và bi quan, ông có hai tác phẩm lớn là Công việc và tháng ngày và Phổ hệ thần minh.

Qua tác phẩm Công việc và tháng ngày, Hesiodos thể hiện tình cảm và quyền lợi của nông dân và những người chăn gia súc bị áp bức, bóc lột.

Tác phẩm được viết để đáp lại hành động của người anh hoang phí, kiện Hesiodos về gia tài. Có bốn phần: Phần một gồm những lời khuyên đạo đức (dành cho người anh và các thẩm phán); phần hai là những lời khuyên về nghề nông và nghề đi biển; phần ba gồm những phương châm xử thế chung; phần bốn gồm những điều mê tín về ngày lành và ngày xấu.

Phổ hệ thần minh là thi phẩm gồm trên 1.000 câu thơ, đề cập đến các thế hệ thần minh; đồng thời, nó cũng nói về nguồn gốc vũ trụ, vì các thần minh là hiện thân của những lực lượng thiên nhiên. Từ Hỗn mang sinh ra thần Đêm và thần Âm phủ.

Thần Đêm sinh ra thần Ngày… Thần Đất sinh ra thần Trời và thần Biển. Thần Trời sinh ra những Titanes. Cuối cùng Zeus, Chúa của các thần minh, ngự trị và đem lại trật tự cùng công lý cho thế giới thần minh.

***

Herodotos (484-425 TCN): được coi là ông tổ của sử học châu Âu. Sử ký là tác phẩm sử học nổi tiếng nhất của Herodotos. Ông đi chu du nhiều nước ở châu Phi, Cận Đông, Địa Trung Hải, Hồng Hải, Hắc Hải, đi đâu cũng ghi chép kỹ càng, nghiên cứu phong tục tập quán, công trình kiến trúc địa lý, truyện cổ tích. Herodotos có tài kể chuyện, nêu rõ nguồn gốc sử liệu (nói hay viết).

Tuy nhiên, do không biết nhiều về ngôn ngữ nước ngoài, ông còn có nhiều sai lầm. Trong tác phẩm của ông, sự tị nạnh của thần minh được coi là động lực của lịch sử. Sử ký gồm chín quyển, kể về những cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và đế quốc Ba Tư. Ý định của Herodotos là ca ngợi những chiến công kỳ diệu (Đèo Thermopylae, nơi 300 chiến sĩ Hy Lạp Spartê hy sinh, trận thủy chiến Salamis...) được thể hiện trong quyển bảy, tám và chín.

***

Aiskhylos (525 - 456 tr.CN): Ông tổ bi kịch Hy Lạp (lấy cốt truyện và đối thoại làm trọng tâm). Ba tác phẩm lớn của ông là Quân Ba Tư (472 TCN), Bảy tướng đánh thành Tê-bai (467 TCN) và Oresteia (458 TCN).

Quân Ba Tư là bi kịch cổ Hy Lạp. Các vở bi kịch cổ Hy Lạp còn giữ lại đều được xuất phát từ những truyền thuyết, riêng vở này lại đề cập đến lịch sử đương thời. Nội dung nói về nỗi nhục của vua Ba Tư Xerxes trở về kinh đô sau việc chiếm đóng Hy Lạp bị thua.

Như vậy, tác phẩm không ca ngợi chiến thắng Hy Lạp mà là một điếu tang về sự thất bại của Ba Tư. Một vai nổi bật là Atossa, mẹ của Xerxes. Vở kịch có phần thương cảm kẻ thù bại trận, vạch ra những nguyên nhân của sự thất bại (kiêu căng đến mù quáng, lạm dụng quyền lực và sự giàu có của một đế chế quá rộng lớn).

Bảy tướng đánh thành Tê-bai và vở cuối của một bộ ba vở bi kịch cổ Hy Lạp (hai vở đầu không giữ lại được). Chủ đề là việc hai anh em tranh ngôi vua thành Tê-bai. Sau khi vua cha là Oidipus chết, hai hoàng tử Eteoklês và Polyneikês thỏa thuận với nhau mỗi người trị vì một năm. Eteoklês hết hạn không chịu trả ngôi cho Polyneikês. Polyneikês đi mộ được ở các thành khác sáu tướng, giao cho đánh sáu cửa thành Tê-bai, bản thân Polyneikês đánh cửa thứ bảy.

Vở kịch miêu tả sự cương quyết giữ thành của Eteoklês, nỗi lo của phụ nữ trong thành và cuộc tấn công sôi nổi. Eteoklês ra địch với Polyneikês và cả hai đều chết. Toàn bộ ba vở bi kịch kể chuyện một lời tiên tri được thực hiện: vì bố của Oidipus sinh con trái với lời thần minh, ông và ba đời con cháu đều bị tai họa chết chóc. Định mệnh là một động cơ hành động của bi kịch Hy Lạp cổ.

Oresteia là bộ ba vở kịch cổ Hy Lạp, được giải nhất trong một cuộc thi kịch ở thành Athênai. Chuyện kể về số phận hoàng tử Orestês. Vở đầu là Agamemnon: vua Agamemnon bị vợ là Klytaimnêstra thông đồng với nhân tình Aigisthos giết. Vở thứ hai là Choephoroi (nghĩa là: Những người dâng lễ). Orestês được bạn giúp đỡ, giết được mẹ và gian phu chiếm ngôi của cha. Những chàng bị các nữ thần Âm ty trừng phạt vì tội giết người.

Vở cuối là Eumenidès (nghĩa là: Những nữ thần hảo tâm). Thần minh cho tòa án thành Ahênai xử Orestês. Chàng được tha vì lý do giết người là để trả thù cho cha. Tác phẩm này là nổi bật một số quan điểm tôn giáo và đạo lý của tác giả: thần minh bao giờ cũng thiêng liêng và công bằng; con người phải tuân theo quyết định của thần minh; tội lỗi có tính kế thừa nhưng cũng có trách nhiệm cá nhân; giết người, kiêu ngạo và các tội lỗi khác đều phải chuộc bằng đau khổ.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-cham-pha-van-hoc-co-dai-hy-lap-ky-cuoi-127797.html