Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ La Mã (Kỳ cuối)
Văn học cổ đại Hy Lạp-La Mã là nền văn học cổ nhất châu Âu, nó tạo ra nhiều hình thức và thể loại văn học sẽ là khuôn mẫu sau này.
Tibullus Albius (thế kỉ I TCN) là nhà thơ chuyên viết về đề tài thôn dã và tình yêu. Ông có để lại một tác phẩm nổi tiếng là Thơ sầu.
Thơ sầu (30 - 25 TCN) là tuyển tập gồm bốn quyển, trong đó chỉ có hai quyển là do Tibullus viết, lấy tên hai người phụ nữ mà ông yêu. Trước tác của ông phản ánh tình cảm với thiên nhiên, đời sống thôn dã và tình duyên. Tibullus là một nhà quý tộc đa tình, thích cuộc đời thanh thản hơn là những chiến công. Thơ phản ánh mối tình của ông với một cô gái bình dân (Đê-li-a yêu ông, nhưng sau vì tiền mà lấy một người có tuổi) và Nê-mê-dix’ (người cũng thích tiền hơn là thơ).
***
Titus Livius (thế kỉ I TCN) là nhà viết sử với bộ sách Lịch sử La Mã nổi tiếng.
Lịch sử La Mã (soạn từ năm 26 TCN) là tác phẩm sử học, ca ngợi Đế chế La Mã vào thời kỳ đầu, gồm 142 quyển, nhiều khi khai thác thư tịch của các gia đình. Đây là bộ sách có khối lượng lớn nhất thời kỳ cổ La Mã, đến nay chỉ còn giữ lại được 35 quyển. Tác phẩm kể từ nguồn gốc La Mã cho đến khoảng năm 9 TCN. Phần hấp dẫn nhất của bộ sách kể về chiến tranh chống Ha-ni-ban.
***
Publius Vergilius Maro (70 - 19 TCN) là nhà thơ lớn nhất thời cổ La Mã. Ông có các tác phẩm lớn như Thơ điền dã, Thi ca về công việc đồng quê và Ê-nê-ix.
Thơ điền dã (43 - 37 TCN) là tập thơ trữ tình viết dưới hình thức đối thoại giữa trai gái chăn chiên, yêu đương trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, theo mẫu thơ điền viên cổ Hy Lạp, đặc biệt của Theokritos. Nhờ tập thơ này, Vergilius, được vị mạnh thường quân Maecenas nâng đỡ và trở thành nhà thơ chính thức thời Hoàng đế Augustus.
Những bài thơ quan trọng nhất trong toàn tập là: bài 1 (miêu tả nỗi lo của một người chăn chiên buộc phải rời bỏ đất đai của tổ tiên); bài 2 (bản tình ca của một cô gái chăn chiên); bài 4 (bài nổi tiếng nhất: tiên tri sự xuất hiện của một hài đồng sẽ mang lại hòa bình cho thiên hạ - phải chăng là con của một vị có thần thế hay chúa Jésus?); bài 5 (than khóc cái chết của một người chăn chiên sau hóa thành thần, ca ngợi Caesar); bài 9 (như bài 1); bài 10 (an ủi một người chăn chiên bị người yêu bỏ). Tác phẩm của Vergilius có ảnh hưởng đến thể loại thơ mục ca ở châu Âu từ thời Phục Hưng.
Thi ca về công việc đồng quê (khoảng 36 - 30 TCN) là thi phẩm có tính chất giáo huấn, phục vụ chính sách của Hoàng đế Augustus, muốn gắn chặt nông dân với nông thôn, đừng bỏ đồng áng. Về nội dung, theo mẫu của hai nhà thơ cổ Hy Lạp Hesiados và Lucretius. Tác phẩm dạy công việc trồng cây, trồng nho, nuôi ong, nuôi gia súc - toát lên một triết lý: thần minh nâng cao con người bằng lao động.
Ê-nê-ix (29 - 19 TCN) là thiên hùng ca có ảnh hưởng lớn đến văn hóa châu Âu. Tác phẩm kể lại huyền thoại về lịch sử xây dựng La Mã của hoàng tử Aenenas bỏ thành Troia. Vergilius chịu ảnh hưởng sâu đậm văn học cổ Hy Lạp, nhất là Homeros. Với Ê-nê-ix’, Vergilius đã mang lại cho dân tộc La Mã một thiên hùng có vai trò như những thiên hùng ca cổ Hy Lạp.
Tác phẩm này sẽ là một thành tố quan trọng của nền văn hóa châu Âu sau này. Aenenas, nhân vật chính của thiên hùng ca, là con rể của vua Priam thành Troia. Sau khi thành này bị liên quân Hy Lạp đốt cháy, Aenenas cùng tàn quân rút xuống 21 chiến thuyền, phiêu bạt trong bảy năm trên biển Địa Trung Hải. Cuối cùng, họ ghé được vào thành Carthage ở Bắc Phi.
Hoàng hậu thành này là Dido yêu Aenenas và cố thuyết phục chàng ở lại cùng trị vì. Nhưng chàng quyết ra đi lập quốc, lén đến đảo Sicilia ở Ý. Dido tự tử. Sau khi thăm Âm phủ, Aenenas đến xứ Latium cũng ở Ý, được vua Latinus tiếp đón. Vua định gả con gái Lavinia cho chàng, nhưng mẹ công chúa đã hứa gả nàng cho Hoàng tử Turnus.
Vua quyết định cho Aenenas và Turnus đấu võ với nhau, ai chiến thắng sẽ được lấy công chúa. Cuối cùng, Turnus bị giết chết, Aenenas lấy công chúa và nối ngôi vua cha, lập ra La Mã.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-cham-pha-van-hoc-co-la-ma-ky-cuoi-131260.html