Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học Tây Ban Nha (Kỳ cuối)
Văn học Tây Ban Nha bao gồm các thể loại văn học như thơ, văn xuôi và kịch, trong đó nhiều tác giả đoạt giải Nobel văn học, nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới.
Pedro Calderon de la Barca (1600-1681) là một nhà viết kịch quan trọng của sân khấu Tây Ban Nha. Ông phản ánh quan điểm Công giáo chống cải cách tôn giáo, tôn quân, đề cao danh dự hiệp sĩ. Tác phẩm chính: Thẩm phán ở Xa-la-mê-a (diễn năm 1643), Đời là giấc mộng (diễn năm 1635),Thầy thuốc trị bệnh danh dự (El Medico de su Honora, 1637), Phu nhân ma (diễn năm 1629)...
Thẩm phán ở Xa-la-mê-a là bi kịch nổi tiếng của Calderon (cải biên nguyên bản của Lope de Vega, nhưng sâu sắc hơn). Vở này phê phán giai cấp quý tộc độc đoán và vô trách nhiệm, đồng thời, bênh vực nhân phẩm của giai cấp trung lưu. Vai chính là Pedro, thẩm phán thị trấn Xa-la-mê-a. Con gái ông bị đại úy Don Alvaro, ở trọ nhà ông, cưỡng hiếp rồi không chịu lấy; tên sĩ quan quý tộc này tự cho là pháp luật của nhân dân không có hiệu lực đối với hắn.
Pedro bèn cho bắt giam hắn. Thượng cấp của hắn là tướng Don Lope can thiệp, đòi thả hắn ra. Vua Felipe II vừa đến Xa-la-mê-a cũng cho là Pedro đi quá quyền hạn của mình. Nhưng Pedro tâu vua là mình đã ra lệnh hành hình thủ phạm rồi. Nhà vua đành chịu và phong cho Pedro làm thẩm phán vĩnh viễn ở Xa-la-mê-a.
Đời là giấc mộng được coi là tác phẩm bất hủ của sân khấu Tây Ban Nha. Kịch có tính chất biểu tượng và triết lý, đề cập những điều bí mật của số phận con người, muốn chứng minh bản chất ảo mộng của trần thế, đi sâu vào cuộc xung đột giữa tiền định và tự quyết định của con người. Câu chuyện xảy ra ở Ba Lan. Vua Basilio tin vào điều số tử vi của mình tiên tri: con trai mình sẽ làm loạn.
Vua cho giam hoàng tử Segismundo ngay từ nhỏ vào ngục tối, giao cho cận thần Cletaldo coi giữ. Vài năm sau, vua định thử xem tính nết con ra sao, cho con uống thuốc mê, rồi khiêng về hoàng cung. Segismundo được cho biết mình là Thái tử; tính tình chàng hung dữ vì lâu ngày bị nhốt như con thú, chàng ra những lệnh kỳ quái, định đổ máu và đe dọa cả vua cha.
Chàng chỉ dịu đi khi gặp Rosaura, một thiếu nữ nhu mì bị người yêu bạc đãi. Vua cha lại cho con uống thuốc mê và đưa vào ngục tối. Hoàng tử tỉnh dậy, tin là mình vừa nằm mơ. Ít lâu sau, nhân dân nổi dậy, giải phóng cho chàng và đưa chàng lên ngôi thay cha.
Chàng sợ là mình lại nằm mơ nữa, nhưng chàng quyết định là có mơ thì cũng xử sự như thật; vượt lên thú tính, chàng cư xử theo lý tính và đạo đức. Chàng quyết cầm quân giữ ngôi báu. Vua cha bị thua, xin con tha tội. Chàng xin lỗi cha và trao lại ngôi báu cho cha. Vua cha xúc động ôm hôn con và phong con làm Thái tử. Chàng ra lệnh cho người tình của Rosaura phải lấy nàng, tuy chàng vẫn yêu Rosaura.
Thầy thuốc trị bệnh danh dự là một bi kịch, phản ánh quan niệm nghiệt ngã của Tây Ban Nha thời xưa về danh dự (được coi gần như Định mệnh chi phối cuộc đời cá nhân). Cô nương Dona Mencia yêu hoàng thân Don Enrique nhưng không lấy được chàng. Nàng lấy Don Gutierre, một chàng quý tộc hào hoa phong nhã. Hai người yêu cũ gặp lại nhau. Hoàng thân Don Enrique vẫn theo đuổi Mencia.
Mặc dù nàng cố gắng thuyết phục chàng phải cắt đứt. Chồng nàng tưởng là nàng đã làm ô danh gia đình, tự xử án vợ. Chàng giam vợ vào phòng khuê, mời một y sĩ phẫu thuật đến, buộc ông ta phải cắt mạch máu vợ cho đến khi vợ chết trước mặt mình. Chàng tung tin là vợ chết vì tai nạn. Không ai biết sự thực, trừ vua (là anh chồng), nhưng vua lờ đi, vì cho vụ giết người chỉ là một cuộc xử án vì danh dự. Vua bắt em phải cưới một công nương, trước kia chàng đã định lấy nhưng sau lại thôi, do có sự hiểu nhầm.
Phu nhân ma là một vở hài kịch thơ ba màn. Vở được diễn nhiều nhất trên thế giới trong số kịch của tác giả sâu khấu Tây Ban Nha Calderon. Angela là một thiếu phụ góa chồng, tính hơi lông bông, nên bị hai anh giam lỏng trong nhà. Mỗi lần ra ngoài, chị ta phải che mạng. Có lần, một bạn trai của anh là Don Manuel vẫn theo đuổi chị, đến ở chơi nhà họ. Angela tinh nghịch lần đến phòng chàng giả làm ma (đổi chỗ đồ vật, chiếu ánh sáng, để lại quà...). Don Manuel và tên hầu tin là có ma thật, nhưng Angela bị tóm, thế là việc vỡ lở ra. Kết cục, Angela lấy Don Manuel.
Người phù thủy kỳ diệu là kịch thơ ba màn, kịch tôn giáo nổi trội nhất của tác giả sân khấu Tây Ban Nha Calderon. Nội dung giống truyền thuyết về Faust. Triết gia dị giáo Cipriano giao kèo với quỷ để chiếm tình yêu của Justina , cô gái Thiên Chúa giáo đã khước từ mình. Quỷ dùng đủ ma thuật mà không quyến rũ nổi nàng. Cipriano mến phục nàng vì đạo đức, xin theo đạo Thiên Chúa. Cả hai người đều tử vì đạo.
Sân khấu lớn thế giới đề cập thế giới với phong cách biểu tượng. Tác giả (Thượng đế) cho diễn vở kịch chứng minh là mọi thứ trên thế giới đều qua đi, chỉ có Thượng đế là vĩnh cửu.