Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 13)

Pirandello Luigi (1867- 1936) là nhà văn, nhà viết kịch thuộc loại nổi tiếng bậc nhất trên thế giới (kịch tính cách, phản ánh những cái tôi đối lập trong một con người, sự thật là tương đối, cuộc sống là một bi hài kịch vô lý).

Nhà văn, nhà viết kịch Pirandello Luigi.

Nhà văn, nhà viết kịch Pirandello Luigi.

Ông đã nhận được giải thưởng Nobel năm 1934. Tác phẩm chính: Người nào có chân lý của người ấy (1916), Sáu nhân vật tìm tác giả (1921), Say mê danh dự (1917).

Người nào có chân lý của người ấy là hài kịch biểu tượng có ba màn, viết về điên dại, mất trí. Cốt truyện rút ra từ một truyện cũng là của Pirandello, kể về bà Frola và Ponza, con rể. Sự “mất trí” ở đây hàm ý: Ai muốn cho cái gì là chân lý thì nó là chân lý.

Tác phẩm thể hiện sự hoài nghi, bi quan của tác giả. Chuyện xảy ra trong khung cảnh tỉnh nhỏ buồn tẻ và ngột ngạt. Có ba người mới đến ở tỉnh lỵ Vandena: hai vợ chồng ông Ponza, công chức cao cấp, ở ngoại ô, còn bà mẹ vợ là Frola thì ở trung tâm.

Có điều lạ là mẹ và con gái không gặp mặt nhau bao giờ. Nhà chức trách tò mò điều tra tại sao, nhưng vẫn không biết được sự thật, vì gia đình này từ một nơi động đất đến nên đã mất hết giấy tờ. Mẹ vợ thì bảo là con rể điên không nhận ra vợ nữa. Con rể thì bảo là mẹ vợ điên, nên phải giấu không cho bà biết là con gái bà đã chết vì động đất, và ông đã lấy vợ khác. Có người lại tung tin là ông cấm vợ về thăm mẹ.

Sáu nhân vật tìm tác giả là vở kịch nổi tiếng nhất của Pirandello, người trước Brecht đã cách tân một cách có hệ thống sân khấu phương Tây hiện đại. Sau khi viết truyện tiểu thuyết, làm thơ duy thực, bi quan, mãi gần 50 tuổi, ông mới viết kịch cũng theo khuynh hướng ấy. Vấn đề trong kịch của ông là tính cách: trong mỗi con người, đều có cái tôi đối lập nhau.

Quan hệ con người đối với nhau dựa vào một ảo tưởng vì người ta thường hiểu người khác một cách giản đơn. Không ai hiểu đúng mình và người khác, kể cả tác giả soạn ra nhân vật của chính mình. Sự thật là tương đối, cuộc sống là một sự vô lý bi hài kịch.

Có thể những quan điểm này phản ánh sự hoang mang của tác giả (Vợ điên luôn nghi ngờ chồng ngoại tình, khủng hoảng đạo lý của xã hội tư bản). Sáu nhân vật tìm tác giả là một trong ba vở thuộc chủ đề Sân khấu trong sân khấu, nói lên sự cách biệt trong hư cấu và hiện thực, giữa nhân vật trong vở viết và vở diễn (gồm Thế này và thế kia, Tối nay ta diễn kịch cương) tác phẩm nêu lên sự bất lực của sáng tác.

Câu chuyện xảy ra trên một sân khấu chưa được chuẩn bị, các diễn viên đang họp nhau để diễn tập. Sáu người xuất hiện và tự giới thiệu họ là sáu nhân vật do óc tưởng tượng của tác giả tạo ra, nhưng chưa hoàn tất. Họ đòi phải được diễn ngay vì vở kịch chưa thực sự được viết ra, còn họ đã sống thật cuộc đời họ. Sau đó họ tự trình bày cuộc đời họ ngay trước đạo diễn. Họ tranh nhau nói, thương xót số phận, ý mâu thuẫn nhau rất là rối ren.

Sáu nhân vật là: Bố (tiểu tư sản khoảng, 50 tuổi), mẹ (buồn tẻ), con trai cả (con chung của bố và mẹ), ba đứa con riêng của mẹ. Ba con riêng gồm cô con gái lớn bướng bỉnh và xinh đẹp, hai đứa con nhỏ một trai một gái.

Cô gái lớn lên đi làm đĩ, bố không biết bắt nhân tình với cô. Mẹ phát hiện đành nói ra rõ sự thật. Xấu hổ, bố đưa mẹ và các con riêng về nhà ở cùng. Con trai cả gây sự không muốn ở cùng với những người lạ, trong khi mẹ cố thuyết phục hắn thì được tin con gái nhỏ chết đuối và con trai nhỏ tự sát bằng súng. Cả nhà hoang mang. Cô lớn bình tâm lại, cất tiếng cười chua cay rồi bỏ đi.

Say mê danh dự kể về Baldovino là một thanh niên có dĩ vãng khả nghi. Một hôm, có người đến đề nghị với anh ta một món bở, anh sẽ có tiền nếu anh chịu nhận là bố đứa bé sắp ra đời của một tiểu thư quý tộc là Agathe, bị Nam trước Fabio làm cho có chửa (mà hắn lại sắp cưới đám khác).

Không ngờ là Baldovino vốn nhạy cảm, lại có học liền giở chứng ra: Anh nhận lời nhưng với điều kiện sẽ bảo vệ danh dự gia đình Agathe một cách hết sức nghiêm túc. Và từ đó anh làm thế thật, buộc mọi người trong nhà phải làm theo đạo lý chặt chẽ đến nỗi không ai chịu được.

Nam tước và bọn đồng lõa đánh bẫy, vu cho anh ăn cắp nhưng không xong. Khổ một nỗi là Baldovino lại đã yêu Agathe một cách vô vọng. Anh chàng định bỏ dở trò chơi, ăn cắp tiền trốn đi.

Đùng một cái, Agathe tuyên bố sẽ theo Baldovino dù anh có là thằng ăn cắp, vì cô cũng yêu anh. Baldovino òa lên khóc và sống cuộc đời thật của mình. Baldovino tượng trưng cho cái băn khoăn của con người trước bí mật cuộc đời, lương tâm, tình yêu, hiện thực và ảo vọng.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-mot-thoang-van-hoc-italy-ky-13-146508.html