Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Nhạc Tây về nông thôn Việt Nam
Một nhà nhạc lý Việt Nam nhận định 'Đàn dương cầm (piano) nặng tính tư duy, không hợp với tâm lý dân tộc ta. Nhưng đàn vĩ cầm (violon) nặng chất tâm tình, thì lại thích hợp' với tâm tình người Việt.
Ông Hà Văn Chính đang giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của làng Then. (Nguồn VTV)
Theo một nhận định khác của môn Nhân học văn hóa, thì khi một dân tộc sử dụng một nét văn hóa của một dân tộc khác, qua tiếp biến văn hóa (acculturation) biến nó thành của mình, thì nét văn hóa ngoại lai ấy mặc nhiên đã nhập vào một phần bản sắc dân tộc mình.
Phải chăng, vì thế mà cây vĩ cầm có mặt trong nhiều dàn nhạc chơi nhạc Việt Nam. Đó là nói về các nhạc công chuyên nghiệp và tài tử được đào tạo bài bản. Nhưng “violon dân dã đại chúng” thì quả thật hiếm có, ngay ở phương Tây. Vậy mà có một làng nông dân thuần túy Việt Nam lại nhiều người chơi vĩ cầm, đó là làng Then, tỉnh Bắc Giang.
Câu chuyện đầu đuôi thế này:
Làng Then bị Pháp chiếm đóng, du kích hoạt động rất mạnh. Sau đó, hòa bình lập lại 1954, một số người làng chơi violon và đàn Tây khác, khởi đầu là hai ông: ông Đưa và ông Xích. Dần dần phong trào lan rộng. Đối với người nông dân làm ăn vất vả, mua một cây đàn phải bán đi hàng tạ thóc. Vậy mà có đến 11 người bỏ tiền ra mua violon và một chiếc đàn violoncelle (gọi tắt là xen-lô) làm dàn nhạc. Người động viên giảng dạy là ông Đỗ Hữu Bài, người ở Thị Cầu. Dàn nhạc 17 người biểu diễn những bài ca cách mạng như Du kích ca, Làng tôi, Chiến sĩ Việt Nam…, phục vụ nhân dân trong xã và các làng lân cận.
Đến năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu oanh tạc miền Bắc, đội nhạc hầu như tan rã, người đi công tác, đi bộ đội, một số ở lại địa phương hoạt động lẻ loi. Đó là thế hệ nhạc sĩ thứ nhất của làng Then. Thời kỳ thứ hai (1973-1975) là thời kỳ tái sinh, sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc (Hiệp định Paris 1973). Thế hệ thứ hai được học hành nhiều đợt, dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Hữu Đưa, nhạc công của Đoàn ca múa kịch Hà Bắc. Violon và nhiều đàn sáo khác được bổ sung. Tổng số có 97 em học sinh. Học rất vất vả: Chủ nhật thầy được nghỉ thì học sinh bâu đến, nhà neo đơn, công việc đồng áng, vợ thầy không được chồng giúp đỡ, nhà lại đông con. Đến cuối những năm 1970, mặc dầu hòa bình đã trở lại, dàn nhạc tan rã do khó khăn kinh tế của nông thôn. Ai cũng bận lo kiếm ăn. Năm 1985, dàn nhạc chỉ còn vài người. May có anh Khoa đi bộ đội về, xây dựng lại đội nhạc.
Nhưng, có thực mới vực được… nhạc. Từ cuối những năm 1980, nhờ khoán 10 giải phóng sức sản xuất, nhờ đổi mới, mở cửa thị trường tự do, làng Then đã ra khỏi cảnh đói nghèo. Nông dân vừa tăng gia từ 2 vụ lên 4, 5 vụ, vừa lúa vừa rau màu có giá trị kinh tế cao như bắp cải, cà chua, hành tây và các loại hoa. Khách hàng đổ về mua. Vào vụ chính: tháng 9-11, xe đạp, xe máy, xe công nông, ôtô rình rịch chạy suốt ngày, đến tận đêm khuya.
Phong trào nhạc ở làng Then lại phục hồi cùng kinh tế đi lên. Thời kỳ thứ 3 khởi sắc từ 2002. Năm 2005, 11 cụ ngoài 70, thuộc thế hệ đầu đã sửa lại đàn cũ, mở lại lớp violon. Thế hệ thứ 3 là các cháu học phổ thông, học nhạc ngoài giờ. Năm 2009, có 9 em thi đỗ vào các trường đại học văn hóa văn nghệ Trung ương và tỉnh. Thầy Đưa dạy violon từ năm 1973 vẫn tiếp tục dạy miễn phí. Truyền thống mê nhạc đã khiến thanh niên làng Then xa lánh cờ bạc, nghiện hút…
Với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa, đội nhạc làng Then vừa sắm thêm đàn mới, tu sửa đàn cũ, thêm khí thế mới. Thật cảm động khi ngồi trong đình làng, nghe nhạc dàn nhạc violon của 3 thế hệ chơi những bài nhạc dân tộc và quốc tế.
Đó là các nông dân nhạc sĩ một làng bên lương. Tôi may mắn lại được nghe biểu diễn kèn đồng của nông dân một làng công giáo, thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, cách huyện lỵ Hoa Lư mươi cây số, gần Ninh Bình. Dưới bóng nhà thờ xứ đạo uy nghi và tráng lệ, mới được xây dựng lại không lâu, bên tòa núi giả có động Chúa Jesu ra đời, ban nhạc thổi kèn đồng mới tinh do Quỹ Thụy Điển – Việt Nam giúp đỡ trang bị. Những âm thanh hùng hồn vang dội trong không khí làng quê yên tĩnh. Nhìn 30 nhạc công rắn rỏi, tự tin trong bộ đồng phục trắng toát, đội lon mũ vàng, lưỡi trai hiên ngang, đố ai biết đó là những nông dân hai sương một nắng ngoài đồng. Cha xứ vừa xong buổi lễ thánh lúc 10 giờ sáng chủ nhật, mặc thường phục tiếp chúng tôi ở bữa ăn trưa. Cha nói: “Đội kèn đồng xứ đạo có khí thế mới, thật là niềm vui cho cả đạo lẫn đời!”. Cha cho biết là, lời đạo được lồng vào những làn điệu dân ca dân tộc, đặc biệt là những điệu dân ca Tây Nguyên lại rất phù hợp!
Tôi nhớ có lần nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nay đã về với Chúa, bảo tôi: “Có khả năng nhạc Tây phương vào Việt Nam thông qua những lễ hội, những ban đồng ca nhà thờ”. Đừng quên khoảng 9 triệu dân công giáo nước ta thuộc dân tộc Việt Nam, cũng đóng góp cho nền văn hóa Tổ quốc những di sản quý báu là nhạc, thơ, triết học, kiến trúc, hội họa, điêu khắc.
Trong tinh thần cởi mở, hội nhập, đội violon làng Then bên lương và đội kèn đồng Áng Sơn bên giáo đều là những hạt giống tiếp biến văn hóa, không đánh mất mình mà lại làm phong phú thêm bản sắc dân tộc.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-nhac-tay-ve-nong-thon-viet-nam-95897.html