Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phố cũ và điện tử
Thanh niên Việt Nam tuy thông minh nhưng bị văn minh điện tử cuốn hút, thường lơ là với nền văn hóa dân tộc, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước.
Chợ Đồng Xuân - hình ảnh tại triển lãm "Hà Nội từ những góc nhìn thời gian" vào tháng 1/2007 đã gây được ấn tượng lớn. (Nguồn: VTV)
Một vài bạn “Việt Nam học” người nước ngoài phàn nàn với tôi là: thanh niên Việt Nam tuy thông minh nhưng bị văn minh điện tử cuốn hút, thường lơ là với nền văn hóa dân tộc, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước.
Nhận định đó nói chung không sai, nhưng không phải tất cả thanh niên đều chạy theo đồng tiền và đặt những thú vui vật chất lên trên hết. Qua công việc ở Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa, tôi rất mừng thấy, tuy không nhiều, trong mọi ngành văn hóa đều có những bạn trẻ có lý tưởng, gắn với văn hóa dân tộc và triết lý phương Đông mà ngày nay phương Tây đang tìm đến. Những bạn trẻ ấy biết kết hợp hiện đại và truyền thống, sử dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng cái hiện đại để bảo tồn và phát triển bản sắc dân tộc.
Có một lần, Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa ủng hộ cho một nhóm năm cán bộ trẻ hoàn thành một dự án nước ngoài. Nhiều họa sĩ đàn anh đã từng đam mê phố cổ Hà Nội. Điển hình là Bùi Xuân Phái. Với những góc phố cô quạnh, những bức tường rêu phủ, những căn nhà xiêu liêu, cây đa trăm tuổi, ông đã gợi cái buồn man mác của một thời đã qua. Trái lại, nghệ nhân vẽ tự học Thế Khang đã dựng lại một góc thị thành Thăng Long thế kỉ XIX có lao động, có hội hè, chùa chiền, chợ búa, dân chúng làm ăn với những tính cách riêng biệt. Toàn bộ 23 tấm panô tranh sơn khắc của ông (mỗi bức cao 2m, ngang 0,72m) toát lên cái đẹp của phong cách hiện thực tỉ mỉ dân gian.
Bước vào thế kỉ XXI, nhóm trẻ 3D Hà Nội đã nhảy từ thủ công sang điện tử để phục hồi cũng mảng Hà Nội thế kỉ XIX ấy bằng ảnh và đồ họa. Cuộc triển lãm Hà Nội từ những góc nhìn thời gian của họ (đầu tháng 1/2007) đã gây được ấn tượng lớn. Người Hà Nội, nhất là các thế hệ 60, 70 tuổi trở lên, sững sờ thấy lại qua những bức ảnh không người ấy phảng phất “hồn thu thảo” và “bóng tịch dương”. Lớp trẻ cũng phát hiện ra tâm hồn ông cha ta qua không gian được tái tạo. “Đó là điều chúng tôi mong muốn. Nhóm chúng tôi đam mê cái đẹp Hà Nội cổ và muốn sử dụng kỹ thuật 3D để gây men sự thích thú trong các thế hệ trẻ”.
Một nửa trong số họ là kiến trúc sư mới ra trường, một nửa còn lại là sinh viên, họ làm gì có tiền và thời gian nhiều. Nhưng họ quyết tâm lao vào dự án với sự say mê nghệ sĩ. Sau hơn một năm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, họ phải mất hai năm mới hoàn thành công việc.
Được sự giúp đỡ của Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa, họ đã tổ chức được cuộc triển lãm như dự định. Những tháng cuối, có khi mỗi đêm họ chỉ ngủ chừng ba đến năm tiếng đồng hồ. Việc làm rất công phu. Thí dụ, chùa Báo Ân bên hồ Hoàn Kiếm nay chỉ còn một cái tháp, làm thế nào để phục hồi được toàn cảnh. Nhiều cảnh quan lại được phục hồi qua ba thời kỳ: trước khi Pháp chiếm đóng, thời kỳ thực dân, thời kỳ 1946 - 1947, hai tháng chiến đấu trong các khu phố cổ.
Chị kiến trúc sư Đức Lena Harmann đóng góp một số ảnh chụp Hà Nội ngày nay để làm nổi bật sự tương phản giữa mới và cũ. Anh Quang và anh Phương còn cố xoay xở gọi vốn, mở tiệm cà phê trên gác số nhà 18c phố Chả Cá làm nơi tụ tập các bạn bè ủng hộ 3D và đồng thời góp cho dự án, có việc làm cho sinh viên. Sau cuộc triển lãm, nhóm sẽ tiếp tục khơi sâu công trình phục hồi khu phố cổ Hà Nội. Mở rộng hoạt động ra các địa điểm khác như Hội An, Mỹ Sơn…
Chỉ tiếc là anh em không có phương tiện khai thác hết các nguồn tư liệu. Thí dụ, bác sĩ nhà binh Pháp Hocquard có viết cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ 1884 - 1886 với hàng trăm ảnh khắc, nhà dân tộc học Boudarel quá cố đã để lại một bộ bưu ảnh máy ngàn tấm về Đông Pháp... mà họ không hề biết. Có lẽ họ cũng nên biết thêm nhiều ngoại ngữ làm công cụ cho việc nghiên cứu!
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-pho-cu-va-dien-tu-101751.html