Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Shakespeare và Brecht trong tuồng và chèo (Bài I)

Nhà phê bình sân khấu phương Tây đã ngạc nhiên tìm thấy trong tuồng, chèo Việt Nam cái 'hiện đại' của cả Văn hào Shakespeare và Brecht.

Cảnh trong vở tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn.

Có những thanh niên “thời thượng” coi rẻ tuồng, chèo, cho là lỗi thời, cổ hủ. Họ không ngờ là có những nhà phê bình và nghiên cứu sân khấu phương Tây lại phát hiện ra trong tuồng, chèo có mầm mống “hiện đại” chứ không “cổ hủ”, chúng rất gần với các bậc thầy sân khấu thế giới hiện đại như Shakespeare và Brecht.

Shakespeare là thiên tài sân khấu của mọi thời, là nhà viết kịch người Anh sâu sắc thời Phục hưng (thế kỉ XVI-XVII). Ông luôn pha lẫn bi và hài để miêu tả hiện thực. Brecht là nhà viết kịch Đức (thế kỉ XX), sáng lập nền sân khấu tự sự biện chứng, đề ra thuyết “gián cách”, người xem không được thụ cảm bị động mà phải chủ động suy nghĩ, phê phán.

Bà K.Markiewicz - nhà phê bình sân khấu Ba Lan, sang Việt Nam vào những năm 1960 đã ngạc nhiên tìm thấy trong tuồng, chèo cái “hiện đại” của cả Shakespeare và Brecht. Bà viết: “Tôi không ngờ là những thể loại truyền thống, lưu truyền từ đời này sang đời khác trong bao thế kỉ lại có thể là một kho báu hình thức sân khấu, chứa đựng mầm mống những yếu tố sân khấu cơ bản, mà ngày nay ở châu Âu coi là đỉnh cao của hiện đại, là kết quả của những thành tựu tiền phong trong mấy chục năm nay, đánh dấu con đường của nghệ thuật sân khấu”.

Bà K.Markiewicz bắt đầu xem vở “Nghêu Sò Ốc Hến” do đoàn tuồng khu V diễn, bà phát biểu: “Tôi bị lôi cuốn bởi nhịp điệu dồn dập của vở tuồng, mà nguyên tắc chỉ đạo là diễn xuất rất có hồn của các diễn viên. Sân khấu chỉ có một số màn, phông, một vài đồ đạc tượng trưng cho địa điểm câu chuyện, không có đạo cụ gì khác. Do ít yếu tố trang trí, nên khán giả tập trung vào diễn viên. Tôi thấy trong số họ có những nghệ sĩ sử dụng tuyệt vời cử chỉ, động tác, nắm được nghệ thuật diễn cảm một cách chính xác. Đặc biệt là vai trộm (Ốc): ông Kiệt đã biết tạo nên một nhân vật ấn tượng đến mức, tôi hiểu ngay ý nghĩa vai trò mà không cần đợi người phiên dịch giải thích. Thân thể uốn éo mềm mại, các động tác và sự tập trung trí tuệ của ông hấp dẫn người xem, không kém gì những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới”.

Với con mắt của một chuyên gia sân khấu, bà Markiewicz tiếp tục phân tích về tính chất sân khấu truyền thống Việt Nam gần với Shakespeare và sân khấu hiện đại châu Âu. “Những phong cách ước lệ của sân khấu cổ điển phương Đông dường như rất gần với sân khấu châu Âu hiện đại, chủ yếu đề cao óc tưởng tượng và trí tuệ của khán giả. Đặc điểm này cũng là đặc điểm diễn xuất hiện đại trong các vở kịch của Shakespeare. Tôi đã thấy những yếu tố ấy trong diễn xuất hài kịch truyền thống Việt Nam và nhiều vở cổ điển khác (cốt truyện bi kịch nhưng đan xen những cảnh hài).

Khi xem “Ngọn lửa Hồng Sơn”, tôi nhận thức được sự khác nhau giữa sân khấu truyền thống Việt Nam và kinh kịch Trung Hoa. Cách đạo diễn một cốt truyện lịch sử xa xưa Việt Nam, biểu hiện mối cảm xúc rất Việt Nam. Buổi diễn đã được “hòa tấu” tuyệt vời, vì các phương tiện sân khấu đã được kết hợp chặt chẽ để tạo nên một crescendo (sự tới đỉnh cao) rất ý vị. Khán giả theo dõi một diễn biến thú vị, xuất phát từ những cảnh đầu tiên “thấp”, căng dần lên hình thức opéra toàn vẹn, để đạt tới đỉnh cao của nhạc kịch. Buổi diễn đã thể hiện được cái tế nhị, khiêm tốn, mang tính cách Việt Nam.

Bà Markiewicz còn tìm thấy ở vở tuồng “Mộc Quế Anh” hiện tượng “gián cách” như trong sân khấu của Brecht (một đoàn miền Bắc diễn).

“Diễn xuất Mộc Quế Anh phảng phất kinh kịch Trung Quốc. Giá trị của buổi diễn không do diễn xuất của các diễn viên hay các điệu múa tập luyện công phu. Đạo diễn nhấn mạnh những ấn tượng ngoại tại, đưa ra những cảnh ngoạn mục hơn là đề cao các vai diễn. Trình độ diễn xuất kém các diễn viên của đoàn tuồng khu V. Tôi đặc biệt chú ý đến nghệ sĩ đóng vai chính do khả năng biểu hiện tình cảm rất phong phú”.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-shakespeare-va-brecht-trong-tuong-va-cheo-bai-i-97802.html