Nhà Văn hóa Lao động Lâm Đồng: Nơi nuôi dưỡng phong trào bóng bàn Lâm Đồng

Thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, Nhà Văn hóa Lao động được giao nhiệm vụ tự chủ về tài chính, trực tiếp tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, nơi vui chơi giải trí cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong tỉnh.

Một giải thi đấu bóng bàn được tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Ảnh: V.Trọng

Một giải thi đấu bóng bàn được tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Ảnh: V.Trọng

Ông Trần Đức Hải vừa là Giám đốc Nhà văn hóa, vừa đảm nhiệm thêm chức trách Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Lâm Đồng, sau khi tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng xây dựng xong gần 30 câu lạc bộ của các bộ môn như khiêu vũ, dưỡng sinh, ca nhạc, thơ ca, nhiếp ảnh, aerobic, cầu lông... đã chuyển sang xây dựng câu lạc bộ (CLB) bóng bàn với quy mô từ 10 đến 15 bàn bóng bàn, mỗi ngày có 3 ca: sáng, chiều và tối (5h sáng - 20 h tối). Thời gian đầu mới có 5 - 7 người đăng ký, dần dần số hội viên tăng lên rất nhanh từ 50 lên 130, sau đó lên hơn 200 hội viên thường xuyên tập luyện và thi đấu... Toàn tỉnh hiện có gần 20 CLB bóng bàn, với hơn 300 hội viên thường xuyên tập luyện và tham gia thi đấu ở các giải bóng bàn do các địa phương, các cơ quan, ban, ngành tổ chức, đồng thời cử thêm nhiều vận đông viên (VĐV) tham gia các giải cấp Trung ương như Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và giải bóng bàn do các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức.

Kế thừa những kết quả của các thế hệ lãnh đạo của Liên đoàn Bóng bàn trước đây, ông Trần Đức Hải đã mạnh dạn giao trách nhiệm cho Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ bóng bàn của Nhà Văn hóa thường xuyên tổ chức mỗi năm từ 9 đến 12 giải thi đấu bóng bàn như Giải Bóng bàn mừng Đảng, mừng Xuân, Giải Bóng bàn cho thanh niên thiếu niên nhi đồng, Giải Bóng bàn gia đình, Giải Bóng bàn các doanh nghiệp, Giải Bóng bàn cho người cao tuổi... Bởi vì, nếu chỉ dừng lại ở việc vận động các lứa tuổi vào tập luyện bóng bàn mà không tổ chức thi đấu tạo điều kiện cho hội viên được thi đấu để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thì họ sẽ không thực sự mặn mà với bộ môn bóng bàn. Hơn nữa, để tình trạng hội viên không được thi đấu dài lâu họ sẽ không còn động lực để níu giữ, nuôi dưỡng phong trào bóng bàn duy trì và phát triển lâu dài được.

Vì thế, ông Lưu Văn Phước là một trong những hội viên lâu năm ở CLB Nguyễn Công Trứ cũng đã xin chuyển sang đây tập luyện từ hơn bốn năm nay. Khi được hỏi tại sao ông lại thích sang đây tập luyện với hội viên CLB Nhà văn hóa Lao động? Không một phút chần chừ, ông trả lời ngay: “Nói thật với anh vì ở đây có môi trường tập luyện tốt hơn, hầu hết hội viên còn trẻ lại đam mê tập luyện, luôn vui vẻ, cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ nhau trong tập luyện bóng bàn. Hơn nữa, kể từ khi CLB Bóng bàn Nhà Văn hóa ra đời, được sự quan tâm của lãnh đạo Nhà Văn hóa Lao động đã xây dựng và phát triển phong trào bóng bàn của CLB Nhà Văn hóa hoạt động quy củ, nền nếp, có tính chuyên nghiệp cao. Nhờ vậy, CLB bóng bàn đã trực tiếp đào tạo, rèn luyện được nhiều cây vợt có trình độ chuyên môn cao nên mấy năm qua, nhiều VĐV đã giành được gần 30 huy chương vàng, bạc, đồng tại Giải Bóng bàn các CLB toàn quốc, Giải Bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, Giải Bóng bàn Gia đình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức..., đã thực sự góp phần rất quan trọng trong việc duy trì, nuôi dưỡng phong trào bóng bàn tỉnh nhà phát triển mạnh cả về bóng bàn phong trào cũng như bóng bàn đỉnh cao, xứng đáng trên bản đồ bóng bàn quốc gia”.

Đồng tình với ý kiến của ông Lưu Phước, ông Cường, một trong những huấn luyện viên của CLB Bóng bàn Phù Đổng Thiên Vương bổ sung thêm: Chính nhờ Nhà Văn hóa Lao động đã nhiệt tình giúp đỡ, nuôi dưỡng phong trào bóng bàn quần chúng phát triển ngày càng mạnh mẽ, vững chắc đã tạo thêm động lực cho phong trào bóng bàn đỉnh cao có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển. Đặc biệt, kể từ khi CLB Bóng bàn Phù Đổng ra đời do ông Hồ Trung Thùy, Trưởng Bộ môn Bóng bàn trực tiếp làm Chủ nhiệm kiêm Huấn luyện viên đã chỉ đạo Ban chủ nhiệm và các HLV giúp việc thực hiện công việc huấn luyện theo một giáo trình thống nhất, bài bản, từ vỡ lòng đến nâng cao giúp các hội viên có nền tảng vững chắc. Không chỉ tập trung đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, CLB Bóng bàn Phù Đổng còn giành nhiều thời gian rèn luyện tư duy chiến thuật, tạo dựng được cho vận động viên có bản lĩnh, ý chí và tinh thần chiến đấu bền bỉ mỗi khi ra sân thi đấu...

Bóng bàn Lâm Đồng đã chính thức trở thành một trong những địa phương trong cả nước kiên trì xây dựng được một lực lượng VĐV bóng bàn đỉnh cao không thua em, kém chị trong làng bóng bàn cả nước. Chỉ tính trong mười năm gần đây, số VĐV trẻ, thiếu niên và nhi đồng hầu như năm nào cũng giành được huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải đơn nam, đơn nữ, đôi nam nữ cùng một số giải đồng đội với hơn 100 huy chương các loại ở các giải bóng bàn cấp quốc gia như Giải Bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng, Giải Các cây vợt trẻ xuất sắc, Giải Bóng bàn các CLB toàn quốc, Giải Bóng bàn Hội khỏe Phù Đổng và nhiều lần tham gia Giải Bóng bàn do Báo Nhân dân tổ chức.

Tháng 5 năm 2024, CLB Bóng bàn Phù Đổng đã cử hai vận động viên và HLV Hồ Trung Thùy cùng với các VĐV Đội tuyển trẻ Bóng bàn Việt Nam sang Malaysia thi đấu đã giành được 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. Đặc biệt, nữ VĐV Đỗ Lê Vân Chi đã được phong danh hiệu Kiện tướng Bóng bàn đầu tiên của Lâm Đồng khi mới 13 tuổi.

MẬU SIỆC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/the-thao/202408/nha-van-hoa-lao-dong-lam-dong-noi-nuoi-duong-phong-trao-bong-ban-lam-dong-60f3136/