Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi, góc nhìn về mối lương duyên cùng âm nhạc
Nhắc đến Nguyễn Đình Thi là nhắc đến một nhà văn hóa lớn, tiêu biểu của thế kỷ 20. Ông sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, bút ký, viết phê bình tiểu luận, nghiên cứu triết học. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, người viết bài này chỉ đề cập đến mối lương duyên cùng âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi
Ca khúc thứ nhất: Diệt phát xít
Đầu năm 1945, ngay ở Hà Nội, những người chết đói nằm la liệt cả nội thành và ngoại thành. Nhật lúc ấy đã tiến hành quân sự đảo chính ở Đông Dương. Trung ương lúc này kịp thời ra chỉ thị quan trọng, đó là “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Khẩu hiệu cập nhật lúc này là “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Trước tình hình ấy, các nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Đỗ Nhuận cùng bàn với nhau mỗi người viết một bài hát cách mạng để đáp ứng yêu cầu của phong trào. Mấy ngày sau đó, nhạc sĩ Văn Cao hoàn thành bản "Tiến quân ca", nhạc sĩ Đỗ Nhuận hoàn thành bản "Du kích ca". Còn Nguyễn Đình Thi với vốn âm nhạc tự học mà ông nhận là chỉ tương đương trình độ sơ cấp đã hoàn thành bản "Diệt phát xít". Cuối tháng 8/1945, "Diệt phát xít" là một trong ba ca khúc được trình lên Hồ Chí Minh để chọn ra một bản làm Quốc ca và tác phẩm được Bác Hồ chọn là "Tiến quân ca" của Văn Cao. Tuy không được chọn làm Quốc ca những "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi vẫn vang lên trong cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Cách mạng tháng 8 Hà Nội vào ngày 17 tháng 8 năm 1945 và sau đó tác phẩm được ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định lấy làm nhạc hiệu cho Đài. Suốt 79 năm qua, giai điệu hào hùng của ca khúc "Diệt phát xít" luôn vang lên mỗi buổi sáng mở đầu ngày mới trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam: Dành lại áo cơm tự do/ Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao/ Mau mau mau vai kề vai không phân già trẻ trai hay gái/ Vác súng gươm ta đi lên ta tiến lên tiêu diệt quân thù/ Việt Nam Việt Nam Việt Nam/ Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm/ Việt Nam Việt Nam muôn năm. Sau này, giai điệu của ca khúc "Diệt phát xít" còn được chọn làm nhạc nền trong phân cảnh quần chúng chiếm phủ Khâm sai Bắc Kỳ trong bộ phim "Sao Tháng Tám", phát hành năm 1976.
Ca khúc thứ hai: Người Hà Nội
Đầu năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ vừa nổ ra được ít ngày, người Hà Nội cũng đã lên đường đi sơ tán theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Thi đã v viết ca khúc để đời thứ hai của mình: Người Hà Nội. Tác phẩm ban đầu có nhan đề Bài hát của một người Hà Nội, được Nguyễn Đình Thi viết ngay trong lòng thành phố hoang tàn vì pháo đạn, khói lửa ngợp trời. Về mặt tính chất ca khúc, nếu như Diệt phát xít chỉ đơn thuần là một tác phẩm hành khúc thì Người Hà Nội có quy mô, tầm vóc như một bản trường ca. Cấu trúc tác phẩm Người Hà Nội có thể được chia làm 6 đoạn với những biến đổi về điệu thức và nhịp rất đa dạng, linh hoạt. Ca khúc mở ra với giọng Sol trưởng ở nhịp chậm vừa, bắt đầu tăng dần tốc độ trước khi có một đoạn ngắn chuyển sang thứ rồi lại quay về Sol trưởng, chuyển sang nhịp nhanh vừa, liên tiếp chuyển nhịp từ 4/4 sang 2/4 rồi dùng 6/8 kể khép lại tác phẩm trong lời ca và giai điệu hào hùng, tươi sáng, đầy khí thế hướng về tương lai: Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi trán Người mái tóc bạc thêm. Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười. Tiếng cười. Ngày về chiến thắng. Cùng với "Sông Lô" của Văn Cao, "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi có thể xem là tác phẩm tiên phong trong thể loại trường ca của ca khúc Việt Nam hiện đại, khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác trường ca của các nhạc sĩ thuộc lớp kế cận như "Chiến thắng Tây Bắc" (1951) của Hoàng Vân hay "Ca ngợi tổ quốc" (1960) của Hồ Bắc…So với "Diệt phát xít", "Người Hà Nội" còn có thêm vẻ đẹp trau chuốt, giàu hình ảnh của ca từ và xứng đáng được coi là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội của ca khúc Việt Nam hiện đại.
Những bài thơ phổ nhạc
Không chỉ đóng góp cho âm nhạc Việt Nam với hai ca khúc do ông viết cả nhạc và lời, Nguyễn Đình Thi còn có những bài thơ được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng, được lan tỏa rộng rãi trong đời sống công chúng nghe nhạc. Từ bài thơ dài "Quê hương Việt Bắc" được viết năm 1950, hai khổ thơ (8 câu) trong bài đã được nhạc sĩ Thanh Ly sử dụng trọn vẹn để viết thành ca khúc "Bác Hồ ở chiến khu", được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích và biểu diễn: Một nhà sàn đơn sơ vách nứa/ Bốn bên suối chảy cá bơi vui/ Đêm đêm cháy hồng bên bếp lửa/ Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi/ Nơi đây sống một người tóc bạc/ Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi Người là Bác/ Cả đời Người là của nước non. Năm 1974, bài thơ "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi khi vừa ra đời đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Vẻ đẹp của người con gái trở thành trung tâm trong ca khúc, tô đậm được sự giản dị mà hào hùng dũng cảm phi thường. Điều đặc biệt thú vị là toàn bộ phần lời của bài thơ hầu như được nhạc sĩ giữ nguyên, không bỏ đi bất cứ một chữ nào. Đây thực sự là một trong những trường hợp hiếm có của thơ phổ nhạc: Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng, đứng ở bên đường/ Như quê hương vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn… Cùng với những ca khúc nổi tiếng khác của thời chống Mỹ như: "Chào em cô gái Lam Hồng" (Nhạc và lời: Ánh Dương), "Cô gái mở đường" (Nhạc và lời: Xuân Giao), "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" (Nhạc và lời: Lư Nhất Vũ), "Người con gái sông La" (Nhạc: Doãn Nho, thơ: Phương Thúy), "Lá đỏ" đã góp phần dựng lên một tượng đài anh hùng về hình ảnh người con gái Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ca khúc "Lá đỏ" đã được rất nhiều các ca sĩ thuộc các thế hệ thu âm và trình diễn như NSND Quang Thọ, NSND Trung Đức, NSUT Tạ Minh Tâm, ca sĩ Trọng Tấn…
Bài thơ được xem là nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Thi là "Đất nước", được ông hoàn thành trong 8 năm (1948 – 1955) như một bản tổng kết về cuộc kháng chiến chống Pháp, đi từ những ngày gian khổ đau thương tới ngày toàn thắng. Tác phẩm đã được đưa vào SGK Ngữ văn phổ thông suốt mấy chục năm qua và được coi là một trong những bài thơ hay nhất viết về chủ đề đất nước của văn học hiện đại Việt Nam. Nhưng con đường để bài thơ "Đất nước" trở thành ca khúc cũng lắm gian nan. 18 năm sau khi bài thơ được công bố, năm 1973, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc khi ấy chưa đầy 20 tuổi, đang theo học chuyên ngành piano và sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội đã phổ nhạc thành ca khúc hợp xướng dành cho dàn nhac giao hưởng trình bày. Nhưng phải cho đến 36 năm sau, bản hợp xướng này mới lần đầu được vang lên trên sân khấu của Nhà hát lớn do chính tác giả chỉ huy dàn nhạc và dàn hợp xướng Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch Việt Nam ngày 1/9/2009. Sau đó, bản hợp xướng này tiếp tục được biểu diễn ngày 3/9/2013 trong Ngày âm nhạc Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội. Từ 2013 cho đến nay, bản hợp xướng "Đất nước" (Nhạc: Đặng Hữu Phúc, thơ: Nguyễn Đình Thi) đã được thính giả yêu nhạc cả nước biết đến một cách rộng rãi, góp phần lan tỏa tác phẩm và cũng góp phần tôn vinh những cống hiến sáng tạo của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Đình Thi đã để lại một sự nghiệp văn học nghệ thuật đồ sộ, đa dạng và phong phú ở nhiều thể loại, mà âm nhạc là một trong những mảnh ghép để làm nên tên tuổi sáng ngời của ông. Đúng như người xưa có câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, dù số lượng các tác phẩm âm nhạc chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng mối lương duyên với âm nhạc của Nguyễn Đình Thi thực sự đã trở thành một cảm hứng lớn, giúp cho những sáng tác của ông bằng những con đường khác nhau càng ngày càng in dấu đậm nét trong lòng công chúng Việt Nam mọi thế hệ.
Cùng với "Sông Lô" của Văn Cao, "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi có thể xem là tác phẩm tiên phong trong thể loại trường ca của ca khúc Việt Nam hiện đại, khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác trường ca của các nhạc sĩ thuộc lớp kế cận như "Chiến thắng Tây Bắc" (1951) của Hoàng Vân hay "Ca ngợi tổ quốc" (1960) của Hồ Bắc… So với "Diệt phát xít", Người Hà Nội còn có thêm vẻ đẹp trau chuốt, giàu hình ảnh của ca từ và xứng đáng được coi là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội của ca khúc Việt Nam hiện đại.