Nhà văn - họa sĩ Đặng Lưu San: Những cuộc chơi tận cùng cảm xúc

Gặp nữ sĩ Đặng Lưu San một ngày Hà Nội chớm giao mùa. Phố Đinh Lễ, những trận mưa lá sấu rải thảm vàng dọc phố. Chị vừa có 3 tháng du ngoạn châu Âu, đầy năng lượng, mãnh liệt, ào ạt, hào hứng chia sẻ cùng tôi về cuộc triển lãm 'Nối' sắp tới của chị diễn ra ở Nhà triển lãm Mỹ thuật Ngô Quyền vào giữa mùa thu tháng 9/2024. Chị đã có cuộc trò chuyện thú vị với Văn nghệ công an.

- Thưa chị! Tôi phải gọi chị như thế nào mới chính xác? Một phụ nữ đa tài khi văn, thơ, họa chị đều “cân” hết?

+ Đa tài, hai từ đó tôi không dám nhận, chỉ có thể nói rằng phải chăng đó là duyên nghiệp.

Văn chương, như một nghiệp lực dẫn dụ tôi bước chân vào và cần vốn kiến thức nhất định về con người, xã hội. Văn là nhu cầu “bức thiết”, thôi thúc tôi cầm bút viết về những con người, mảng đời trong cuộc sống tưởng là bình yên nhưng vô cùng “hỗn tạp”.

“Hoa xuyến chi vẫn nở”, tiểu thuyết đầu tay viết về những góc khuất trong mỗi gia đình.

Nhân vật Lân trong “Nửa đời của Hạ”, một quan chức cấp cao nhưng ẩn giấu bên trong là kẻ tha hóa, đầy âm mưu và tham vọng quyền lực.

Nhà văn - họa sĩ Đặng Lưu San.

Nhà văn - họa sĩ Đặng Lưu San.

Ngoài tiểu thuyết, tôi cũng đã xuất bản 2 tập truyện ngắn “Cung đường mê”, “Ngôi nhà trên bến Đằng Giang”.

Còn thơ chỉ là những cảm xúc bất ngờ và tung tẩy, nói vui là “amateur” Khi cảm xúc tới thì làm thơ, đa phần là thơ tình, vì tình yêu đẹp và có thật, nhưng chỉ là khoảnh khắc chứ không phải là mãi mãi. Khi yêu làm thơ, thất vọng vì tình yêu cũng làm thơ...

Tôi đã có 3 tập thơ được xuất bản: “Mơ bến bình yên”, “Nơi anh không thể tới” và “Trong giấc mơ có thật”.

- Làm thơ, viết văn, vẽ tranh, bộ môn nghệ thuật nào cuốn hút chị hơn? Đâu mới là “người tình tri kỷ” của chị?

+ Làm thơ, viết văn, vẽ tranh, mỗi bộ môn nghệ thuật đều có sự cuốn hút vào từng thời điểm nhất định và hiện tại “người tình tri kỷ” của tôi là hội họa.

- Mỗi bộ môn nghệ thuật đều mang lại cho người nghệ sĩ những cảm xúc đặc trưng và năng lượng sáng tạo riêng biệt. Nếu có thể so sánh một chút giữa viết văn, làm thơ và vẽ tranh thì chị có thể chia sẻ về những đặc trưng riêng mà chung của ba bộ môn này?

Triễn lãm tháng 9/2024 của Đặng Lưu San.

Triễn lãm tháng 9/2024 của Đặng Lưu San.

+ Câu hỏi bạn đặt ra rất hay, đúng là mỗi bộ môn nghệ thuật đều mang lại cho người nghệ sĩ những cảm xúc khác biệt. Nếu có thể so sánh, tôi sẽ “cân đo” thế này:

Về cái riêng: Với văn, tôi đã đặt toàn bộ tâm trí để hiểu và xây dựng nhân vật. Vui, buồn, đau khổ, hạnh phúc như chính mình đang trải qua. Còn với thơ, tôi đã bộc bạch ở trên.

Trước khi nói về hội họa mà tôi đang theo đuổi, có lẽ nên viện dẫn một chút. Họa sĩ Đỗ Đức từng viết: “Đặng Lưu San đến với hội họa như một ngã rẽ, một cách tự xé rào như trời xui đất khiến. Chị là một nhà văn, một giảng viên của Học viện Hành chính quốc gia, một người viết văn, làm thơ, rồi bỗng nhiên thấy yêu thích vẽ và mua sắm toan bút. Vẽ lên toan theo cảm xúc trong đầu theo trí tưởng tượng của mình về thiên nhiên và không gian quanh mình. Những núi, những hàng cây, những ngôi nhà lấp ló, những cú bùng phát xốc xáo của ráng chiều, những con sóng xanh của biển cả nằm trong tâm thức tự bao giờ nay có dịp trào ra theo cảm xúc mà như một tứ thơ bất chợt hiện ra. Đó là cái hay, cái đặc trưng của Đặng Lưu San đối với hội họa”.

Tôi đến với hội họa một cách “liều lĩnh”. Sau sự “liều lĩnh”, màu sắc đã cuốn tôi đi lúc nào không hay. Qua mỗi bức tranh, tôi học được về bố cục, về cách sắp đặt màu sắc... Riêng với hội họa thì cảm xúc khá đặc biệt. Khi vẽ tranh, người họa sĩ được giải phóng năng lượng và cảm xúc thăng hoa đến tột đỉnh.

Về cái chung: Với cả ba môn nghệ thuật này đều cần có cảm xúc và lao động nghiêm túc.

- Tôi nhớ “Nối” là triển lãm cá nhân thứ hai của chị trong 2 năm trở lại đây? Năng lực sáng tạo như vậy là “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Có vẻ, chị làm việc như “điên”, hội họa đang lên đồng cùng chị, hay chị đang “lên đồng” với hội họa?

+ Khi đam mê dẫn dắt và sự lao động miệt mài thì không có gì là “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Hơn nữa, sáng tạo là một thứ cảm xúc bất chợt, ai biết nó đến lúc nào? Vậy, khi nó đến, mình phải bắt ngay “tia chớp” sáng tạo đó.

“...Khi ngồi bên giá vẽ trong trạng thái saman (lên đồng) sẽ bị cuốn đi, đến lúc thấy đã rồi thì đột ngột bỏ bút rời tay bay trong cảm xúc thăng hoa. Cơn lên đồng của vẽ trừu tượng này là một cảm xúc sống. Nó là ấn tượng với khoảnh khắc cuộc sống, sắc tím đã hiện ra, người vẽ không cưỡng nổi và mải miết đi theo bầu trời đó...” - họa sĩ Đỗ Đức. Với viện dẫn này, câu trả lời của tôi là: Tôi đang “lên đồng” cùng hội họa.

Bạn đã nhận định đúng: tôi làm việc như “điên”.

- Triển lãm đầu tiên có tên là “Mở”, triển lãm sắp tới có tên là “Nối”. Chị chia sẻ một chút về cả hai triển lãm này.

+ Về triển lãm “Mở”, tôi muốn nói con đường hội họa đã bắt đầu mở ra cho tôi, muộn màng và liều lĩnh vì tôi không học qua trường lớp nào. “Mở” cũng là một sự dè dặt, chỉ là mới bắt đầu, còn đi tiếp được hay không thì vẫn đang ở phía trước. Cũng may, được mọi người đón nhận. “Mở” đã khá thành công. Chính vì vậy, nó là động lực để tôi làm triển lãm cá nhân lần thứ hai tên là “Nối”.

Nối - nghĩa là sự nối tiếp cho con đường đã mở. Trong triển lãm lần này, sẽ có 3 mảng đề tài, đó là: trừu tượng, phong cảnh, tĩnh vật. Hy vọng được mọi người “yêu thương và chiều chuộng”...

Tranh của Đặng Lưu San.

Tranh của Đặng Lưu San.

- Vậy là chị đang mở ra một con đường và nối tiếp bởi nó? Chị có tự tin vào con đường mình đang đi không? Nó mang lại cho chị những ý nghĩa quan trọng gì?

+ Câu hỏi của bạn ở đây có 3 ý, tôi sẽ trả lời tuần tự. Vâng, tất nhiên, tôi đã “Mở” và tôi đang đi. Vì con đường này của riêng tôi, nên tôi rất tin tưởng để bước tiếp. Hội họa mang lại cho tôi nhiều điều và quan trọng nhất đó là được đam mê và được sống có ý nghĩa.

- Chị có thấy cần một quãng nghỉ không? Và, người nghệ sĩ họ có luôn cần một khoảng nghỉ để nạp năng lượng và để sâu sắc với con đường phía trước?

+ Có, tôi cần một quãng nghỉ. Chuyến đi châu Âu 3 tháng trước triển lãm là minh chứng.

Như mọi công việc khác, lao động nghệ thuật lại càng cần thiết những khoảng nghỉ để nạp năng lượng, giúp thăng hoa và làm tươi mới cảm xúc của mình nếu người nghệ sĩ đó còn muốn tiến về phía trước.

- Chị đã vượt qua các khó khăn, rào cản trong đời sống của những người đàn bà đa đoan như thế nào để có thể kiệt cùng với cảm xúc của mình.

+ Đã là phụ nữ thì ai cũng có những khó khăn, rào cản, chỉ có điều là họ có đủ dũng cảm để liều lĩnh và dấn thân hay không? Nếu vượt qua, họ sẽ làm được. Chính vì tôi đa đoan nên mới kiệt cùng với cảm xúc của mình.

- Gặp chị nói chuyện với chị tôi thấy rõ một Đặng Lưu San khá “nam tính” nghĩa là chị rất mạnh mẽ, rạch ròi, sẵn sàng “chơi tất tay” trong mọi tình huống. Có phải người nghệ sĩ nếu không tự quyết liệt phá bỏ những giới hạn, họ sẽ luẩn quẩn không đi đến đâu?

+ Bạn đã “bắt mạch” về tính cách của tôi rất đúng. Chỉ những người phụ nữ mạnh mẽ và “đàn ông tính” mới dám “chơi tất tay” trong mọi tình huống. Không phải chỉ nghệ sĩ đâu, mà ai cũng vậy, muốn thành công thì phải quyết liệt và tự phá bỏ rào cản để vượt qua những giới hạn.

- Người đời vẫn hay mặc định, đàn bà viết nói chung, hay đàn bà làm thơ, viết văn thường bị chi phối nhiều bởi số phận của riêng mình. Với chị thì sao?

Tranh của Đặng Lưu San.

Tranh của Đặng Lưu San.

+ Câu hỏi của bạn gợi nhớ mấy câu thơ tôi viết:

Em xinh đẹp rồi thôi đừng làm thơ nữa
Như con rắn quay đầu lại cắn chính đuôi mình
Em
Cứ đau cứ thương cứ mơ cứ hoài niệm
Quẩn quanh
Trong ngôn ngữ âm thanh vần điệu
Nhặt ngôn từ
Gán ghép lời cầu hôn...

- Liệu hội họa có đang quyến rũ chị, “đánh cắp” chị, “giành giật” chị từ lãnh địa văn chương?

+ Đúng, hiện nay, tôi đang bị “đánh cắp” bởi hội họa, vì con người không thể cùng lúc làm tốt nhiều thứ, nhưng nhất định sẽ có ngày tôi quay trở lại với văn chương.

- Sau dự án nghệ thuật “Nối” chị có dự định gì cho sáng tạo của mình? Bởi, người nghệ sĩ dừng lại nghĩa là “chết”. Sau đỉnh núi này họ sẽ đi về đâu?

+ Đã là dự định xin được giữ cho riêng mình. Vâng, bạn nói đúng: Người nghệ sĩ dừng lại nghĩa là chết và tôi chưa muốn “chết non”. Sau đỉnh núi này, có thể có một ngọn núi khác đang chờ tôi khám phá.

- Xin hỏi chị câu cuối cho bài phỏng vấn này. Một người đàn bà vừa là nhà văn, nhà thơ lại là họa sĩ, họ làm thế nào để hạnh phúc?

+ Câu hỏi của bạn rất thú vị. Muốn được hạnh phúc hãy là chính mình.

Như Bình

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-hoa-si-dang-luu-san-nhung-cuoc-choi-tan-cung-cam-xuc-i742776/