Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã về với thế giới cỏ hoa tươi non và xanh biếc

Sau khi người vợ, người bạn văn yêu dấu của mình là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giã từ cõi tạm vào ngày 6/7/2023, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã từ giã cõi đời vào ngày 25/7/2023. Trong vòng chưa đầy một tháng mà bạn đọc yêu văn chương cả nước phải ngậm ngùi tiễn đưa hai con người - hai văn cách tài danh vào thế giới vĩnh hằng.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh Gia đình cung cấp

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh Gia đình cung cấp

Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh năm 1937 tại Huế, nhưng quê gốc Quảng Trị. Ông học Trung học ở Huế, Đại học Sư phạm Sài Gòn (1960), Đại học Văn khoa Huế (1964), rồi về dạy trường Quốc học Huế (1960-1966). Những năm đất nước cắt chia, ông từng “xuống đường” đấu tranh trong phong trào sinh viên - học sinh - giáo chức chống Mỹ đòi độc lập, thống nhất đất nước. Sau lên chiến khu tham gia kháng chiến (1966-1975), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Sau 1975 ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt. Ông viết văn, làm báo từ thời còn trai trẻ, có quãng thời gian dài gắn bó với Huế cho đến sau ngày thống nhất đất nước 1975. Sau đó, ông cùng gia đình định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tình huống bệnh trạng hiểm nghèo. Ông nhận được nhiều giải thưởng trung ương và địa phương, cao nhất là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007).

Trong đời văn của mình, tài năng của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện rất đa dạng, song thành công nhất ở bút ký và thơ. Những tác phẩm ký tiêu biểu làm nên tên tuổi của ông được mọi người tụng ca như: Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1986), Bản di chúc cỏ lau (1986), Hoa trái quanh tôi (1995), Ngọn núi ảo ảnh (2000), Rượu hồng đào chưa nhấm đã say (2001), Trịnh Công Sơn - cây đàn lia của Hoàng tử bé (2005), Miền cỏ thơm (2007)... đều tạo được phong cách riêng độc sáng.

Phong cách ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đa dạng mà thống nhất, thể hiện kết tinh cái tôi văn hóa, cái tôi công dân và cái tôi dấn thân, nhập cuộc của một con người tận hiến và tận mỹ để ngợi ca vẻ đẹp và trầm tích văn hóa, lịch sử của dân tộc, đất nước và con người bằng diễn ngôn giàu tính triết lý, nghiệm sinh tài hoa, lãng mạn.

Lấy mình làm đối tượng và sau đó vực dậy những vẻ đẹp ẩn chìm của con người và hiện thực đời sống bằng cái nhìn sinh thái thiên nhiên và sinh thái văn hóa tinh thần sâu sắc để thông điệp đến mọi người về tình yêu và lẽ sống trong từng mối quan hệ bản chất và quan hệ tương tác là thi pháp chính trong bút ký của ông.

Tác phẩm bút ký nào của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng giàu chất thơ, đặc biệt là Ai đã đặt tên cho dòng sông - một diễn ngôn đẹp ca ngợi sông Hương như là biểu tượng của Huế trầm tư và mộng ảo. Những cổ mẫu (archétypes) lặp đi lặp lại trong trang văn của ông là ánh lửa, vầng trăng, ngọn núi, dòng nước... thể hiện niềm tin và sự mơ mộng của con người vào những điều tốt đẹp. Chúng có khả năng vẫy gọi những ký ức văn hóa và ký ức lịch sử đồng hiện thành niềm vui tái sinh của cuộc sống trong hiện tại.

Tác phẩm ký Ai đã đặt tên cho dòng sông của ông được giảng dạy trong nhà trường nên bạn đọc thường chỉ biết Hoàng Phủ Ngọc Tường với tư cách là một người viết bút ký mà không nhiều người biết rằng ông cũng là một nhà thơ, thậm chí là một thi sĩ có tài. Tài năng thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện ở 2 thi tập Những dấu chân qua thành phố (1976) và Người hái phù dung (1992, tái bản, bổ sung năm 1997).

Nếu những tác phẩm ký văn học - văn hóa của ông tràn ngập “những ánh lửa”, “khói sương” mộng mơ của chất sống thực, thì những đối tượng đó trong thơ ông lại tĩnh tại hơn, nó như một tấm gương soi, phản chiếu những ánh lửa nội tâm của con người ông.

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường day dứt và mang ám ảnh phù du, một kiểu mơ mộng hiện sinh mà ông chịu ảnh hưởng từ triết học hiện sinh (philosophie existentialiste). Điều đó có cội nguồn sâu xa, bởi ông tốt nghiệp cử nhân Triết học và Văn chương; từng giảng dạy Văn học và Siêu hình học ở trường Quốc học Huế.

Phong cách thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn tạo ra những tiêu điểm tư tưởng - thẩm mỹ riêng của một hồn thơ luôn khắc khoải, suy tư về nỗi buồn nhân thế, trầm tư về đất nước và dân tộc, gắn bó với thiên nhiên, ám ảnh về sự trôi chảy của thời gian và kiếp người. Con người nghệ sĩ và con người công dân cùng với những trải nghiệm và kiếm tìm từ cuộc sống thật của mình đã làm nên hồn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa hiện thực vừa lãng mạn; vừa trang nhã quý phái vừa triết lý, ảo diệu.

Trước khi viết ký và chọn ký làm thể loại sinh tử cho đời văn của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường khởi đầu nghiệp bút bằng thơ trong những năm tháng “hát cho đồng bào tôi nghe” sục sôi nhiệt huyết đấu tranh chống kẻ thù và ước mơ hòa bình trên quê mẹ Việt Nam yêu dấu.

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự hòa quyện những cảm hứng lớn về Nhân dân, đất nước và cảm hứng thẳm sâu về thiên nhiên, về tình yêu được thể hiện tiếp biến từ những năm tháng kháng chiến đến những năm tháng hòa bình, được kiến trúc bởi trục không gian - thời gian nghệ thuật ảo diệu gắn liền với ký ức tâm hồn giàu cảm xúc của chính ông, tạo thành thi pháp riêng.

Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn mang ám ảnh phù du, ám ảnh nỗi buồn, ám ảnh tình yêu và ám ảnh cỏ hoa mong manh, dễ vỡ. Chúng trở thành thi pháp đối cực, đối trọng với cái trường cửu, niềm vui và khát vọng sống cao đẹp của cõi người: “Dù năm dù tháng em ơi/ Tim anh chỉ đập một đời/ Nhưng trái tim mang vĩnh cửu/ Trong từng giọt máu đỏ tươi”. Từ đó, anh nghĩ về những gì đã thành ký vãng lại được hồi sinh nguyên vẹn: “Ôi những dấu chân in thành vết son/ Dù tháng năm mưa gió không mòn/ Khi ta đặt bàn chân lên đó/ Sức nghìn năm khôi phục giữa tâm hồn”.

Những bàn chân - dấu chân in hình trên đất đai của quê hương, xứ sở là chứng tích không phai của những con người yêu nước mình, đêm hành quân ngủ dưới trời sao sáng “Thấy đất nước cười lấp lánh chiêm bao”, và khi đi qua một trời giông bão để “Đến tận nguồn sông ta lại gặp/ Bạn bè đông thành phố rộng không ngờ”.

Con người dấn thân và tự do trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đẫm chất nhân văn cao cả. Với ông, tình yêu là giai điệu của bài ca dâng hiến và khát vọng vĩnh cửu, tuyệt đích, thầm lặng mà vững chãi theo thời gian: “Em có lời thề dâng hiến/ Cho anh trọn một đời người” trở thành điệp khúc trong thơ: “Có một buổi chiều nào như chiều xưa/ Anh về trên cát nóng/ Đường dài vành môi khát bỏng/ Em đến dịu dàng như một cơn mưa”.

Trong thơ Hoàng phủ Ngọc Tường hiện lên vẻ đẹp lung linh tình sử với bao cảm giác phôi phai: tình xa, tình tan, tình mây khói và biết bao là trạng thái mong manh, bất ổn: tạ từ, chiêm bao, phù du, mộng ảo... nhưng bên sau là một trời thương nhớ, gấm hương hoa mộng, cả ở thế giới ngày sau: “Thôi người ở lại soi gương/ Tôi đi về phía con đường cỏ lau/ Nợ người một khối u sầu/ Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi

Dù trong hiện tại, có lúc người thơ không khỏi mang tư tưởng cô đơn, bi đát và hốt hoảng khi thấy:“Trên tài hoa nhàu nát/ Trên trần gian khói sương/ Trên mặt người biến sắc/Mưa in dấu vô thường” và chính người thơ đăm chiêu ngồi dáng người thượng cổ, đối ẩm và tự thoại với bóng mình theo dáng một loài cây:“Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá/ Tôi gập người trên bóng tôi” và lan ra thành điệp khúc cô đơn để tự hiện hữu mình:

- Chỉ mình tôi với bóng cây

- Chỉ một mình tôi với bóng mây

- Chỉ một mình tôi với bóng chim

Vậy mà đối cực của sự cô đơn kia là ước vọng hòa hợp lại hiện lên ngọt ngào, xoa dịu ám ảnh ly tan, đơn độc: “Đêm qua hương đã tàn mê/ Mày ai còn dấu trăng thề như in”. Và niềm hạnh phúc giận hờn trở thành kinh nghiệm buồn để nuôi dưỡng niềm ước mơ trinh nguyên, hoang dã:“Trên kỷ niệm giận hờn/ Có ngôi sao chiều tím/ Là môi em cúi xuống/ Trên mình anh vết thương”. Và người thơ van xin niềm ân huệ ở người tình, ở thiên nhiên - niềm trinh nguyên xanh thẳm: “Ta tìm lại trong hình hài hóa bướm/ Chút tự do quả thực trên đời/ Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng/ Núi sông nhiều, ta hãy rong chơi”.

Rong chơi để hóa giải nỗi buồn, rong chơi để xoa tan nỗi đam mê hoang tưởng chính là sự rong chơi có ích và chứa đầy khát vọng tình yêu, tự do. Đến đây, ta có thể thấy nỗi buồn và ám ảnh phù du trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi trọn hành trình đau khổ của nó để thấu triệt sự âu lo hiện sinh của chính mình.

Con người dấn thân và tự do trong Hoàng Phủ Ngọc Tường được tìm thấy và sống trải chính là lúc chủ thể nhận ra sự hiện hữu của chính mình, tìm thấy hạnh phúc, tình yêu trong thời gian thực tại trần thế: “Gửi hoa hồng cho mùa xuân/ Môi hồng riêng gửi thiên thần đắm say/Anh cầm ngọn gió trên tay/ Gửi cho trần thế những ngày rong chơi”. Ông đã tìm ra hữu thể đích thực của mình: “Tôi trở về tìm trong hương cỏ/ Dịu dàng một chút bình yên/ Tự do nhiều khi là im lặng/ Để đừng nghe ai gọi tên”.

Trong thế giới thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, con người và thiên nhiên đã thực sự đồng điệu, tương hợp, tương giao. Ông không nói nhiều về sự tương phản và đối lập. Và ông không mong thế, vì nó sẽ hủy diệt cả hai. Thiên nhiên trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là “một cõi đi về” thanh lọc ý nghĩ về sự sống: “Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ/ Bềnh bồng mà vẫn theo nhau/ Anh với em ừ thì cũng lạ/ Bềnh bồng cho tới mai sau

Thiên nhiên trong thơ ông luôn xuất hiện như một niềm ân huệ. Ông biết ơn từ cánh phù dung đến sương mù, cỏ lau; từ cánh hồng, bông violet nhỏ đến hoa sầu đông là những niềm vui mong manh, bé nhỏ dễ bị bỏ rơi. Ðồng thời, ông cũng biết ơn những cái vĩnh hằng cao rộng như bầu trời, vầng trăng, ngọn lửa, vì sao... là những hình tượng mang vẻ đẹp hướng thượng bền vững, rạo rực có khả năng cứu rỗi và làm cao sang nỗi buồn. Đó chính là những gì làm nên mặt đất bình yên và bầu trời khát vọng trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Trên đây là toàn bộ những ẩn số của thế giới văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường mà ông muốn thông điệp đến chúng ta. Và đó cũng là ẩn số của chính cuộc đời ông để chiến thắng nỗi buồn, thần chết và tiếp tục sáng tạo cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường mang cảm thức hiện sinh đích thực, thông qua thế giới hình tượng và ngôn từ vừa hiện thực vừa tâm linh, ảo diệu; vừa tình tự vừa mời gọi đối thoại. Thời gian và nỗi buồn được ông nâng lên thành phạm trù mỹ học sâu sắc để hiểu đích thực về những quan hệ nhân sinh, thế sự. Quan niệm về nhà thơ, ông viết: “Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn trong ngôi nhà tâm hồn của mình”.

Nhưng đó phải là nỗi buồn cao sang và có ích. Nỗi buồn hóa giải tâm hồn con người để họ ước mơ và khát vọng vào những điều Chân - Thiện - Mỹ hằng cửu của nhân loại. Tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thông điệp với người đọc nỗi buồn và những điều cao đẹp đó.

Và ông đã yên lòng về với thế giới cỏ hoa tươi non và xanh biếc. Tác phẩm của ông là chứng chỉ văn chương và chứng chỉ văn hóa tinh thần ông gửi lại cõi người. Ông hãy yên lòng, thanh thản ra đi!

Xin tiễn biệt nhà văn kính yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường!

Hồ Thế Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/tien-biet-nha-van-hoang-phu-ngoc-tuong-ve-voi-the-gioi-vinh-han/178625.htm