Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Lịch sử ăm ắp những bài học
Lịch sử nước ta tự hào lắm. Lịch sử luôn ăm ắp những bài học. Có điều chúng ta có tiếp thu và vận dụng hay không mà thôi. Dưới đây là trò chuyện của phóng viên báo Đại Đoàn Kết dịp cuối năm 2020 với nhà văn Hoàng Quốc Hải, khi ông vừa được Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh với Giải thưởng văn học Thành tựu trọn đời.
Phóng viên: Thưa nhà văn, bộ “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần” của ông với khoảng 6.500 trang sách cho bạn đọc một cái nhìn vừa bao quát vừa chi tiết về một hai triều đại rực rỡ của lịch sử dân tộc. Thông điệp ông gửi gắm trong 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ là gì?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nhìn lại triều Lý và vị vua sáng nghiệp Lý Thái Tổ chúng ta thấy rất nhiều bài học. Những bài học không chỉ từ những thành công mà đến cả từ sự thất bại.
Chúng ta có những chiến thắng oanh liệt, trên tầm cao của thời đại. Những trận đánh lớn chống giặc ngoại xâm thời Lý, thời Trần mà đến nay chúng ta còn phải học. Để thấy được con người và sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ, ta hãy nhìn vào bối cảnh lúc đó. Nhà Lý tiếp thu một tài sản nghèo nàn của thời Lê Long Đĩnh để lại.
Nhà Lý tiếp quản chính quyền và xây dựng một Nhà nước thuần từ. Việc đầu tiên sau khi dời đô về Thăng Long của vua Lý Thái Tổ là miễn thuế cho dân trong ba năm liền. Lúc đó không biết nhà vua lấy gì nuôi bộ máy?. Thời đó xã hội chỉ có hai loại phí là tô và thuế. Tô là ruộng cấy cho nhà nước, dân phải nộp tô. Dân làm tám phần ruộng thì trồng cấy một phần cho triều đình (phép tỉnh điền). Phần tô thu nhẹ như thế. Đến mãi thời nhà Nguyễn sau này địa chủ mang tiếng bóc lột dân thì cũng chỉ là cho dân cấy rẽ (tức là chia đôi, địa chủ thu lợi 50%). Còn thuế có 6 loại. Thuế khai thác sản vật từ rừng gồm trầm, ngà voi, sừng tê giác. Còn thuế khai thác ở biển gồm ngọc trai, đồi mồi, muối. Thời đó công nghệ làm muối kém nên muối quý như vàng.
Vua Lý Công Uẩn ở ngôi 18 năm (1010-1028) thì 3 lần miễn thuế. Quần thần hỏi vua: Hồi Quốc sơ (mới lên ngôi), bệ hạ miễn thuế cho dân đã đành, giờ mới được ba năm lại miễn thuế thì lấy đâu gây quỹ cho ngân khố? Vua Lý Công Uẩn trả lời: Trẫm tha tô thuế lần trước để dân khỏi đói, có của ăn, còn ta miễn ba năm sau để dân có của để. Vả lại của cải để trong dân tốt hơn để trong ngân khố nhà nước.
Sau đó cách hai năm vua lại tha một năm rưỡi tô thuế. Như thế là trong 18 năm ở ngôi, vua Lý Thái Tổ tha tô thuế đến 7 năm rưỡi. Tôi nghiên cứu lịch sử thấy chưa có vị vua nào thương dân đến như thế.
Ông có thể nói gì về những chính sách thời Lý?
- Nếu đọc kỹ bộ “Tám triều vua Lý” thì sẽ thấy tôi viết nhiều chính sách hay lắm.
Nói lại việc dựng hàng ngàn ngôi chùa nêu trên. Đó là chủ trương rất tiến bộ và bài bản khoa học của triều đình. Thời đó, người giáo hóa dân chúng chủ yếu là các nhà sư. Một ông thầy chùa làm ba việc đồng thời ở làng là khai tâm cho người cao tuổi, khai trí dạy học cho trẻ em và chăm sóc sức khỏe cho dân. Chính vì vậy thầy chùa và dân mới thân thiết. Làm chùa có lợi cho dân thì sao không làm?
Suốt mấy chục năm, khi việc giáo hóa dân đã sâu rộng thì triều đình mới lập Văn Miếu (năm 1070) rồi mở khoa thi (năm 1075). Việc giáo dục làm dần dần và có lộ trình như thế đấy.
Còn về quân đội thì có chính sách “Ngụ binh ư nông”. Tức là cho người lính không phải ở tập trung mà ở luôn quê hương, nơi các thôn quê làm ruộng. Mỗi năm vào dịp nông nhàn tháng 3 tháng 8 thì tập trung. Nhà nước cử người về huấn luyện. Trong thời gian tập trung đó người lính tự đem lương thực đi ăn. Như thế nhà nước vừa không bị phí tổn mà người lính cũng được lợi. Hai bên cùng có lợi. Còn khi nước có loạn thì nhà nước có thể triệu tập đến hàng vài chục vạn lính. Chính sách này sau đó được nhà Tống học theo.
Còn chính sách về tôn giáo thì thực hiện tam giáo đồng nguyên. Tức là ba loại tôn giáo cùng một gốc. Mà gốc là gì? Là nhân bản, lấy còn người làm chính. Nhà vua trực tiếp nhiếp thống cả tam giáo. Phương châm là lấy Nho giáo để tổ chức bộ máy, giữ gìn kỷ cương. Tâm linh dựa vào Phật. Tức là hướng con người biết thiện, ác, chính, tà. Biết hướng tới cái cao đẹp. Còn thiên nhiên Đạo là hướng con người tới sự bình đẳng trước tạo hóa. Nhà Lý đưa ra luật mùa xuân không được chặt cây non, mùa thú động hớn không được đi săn. Mùa cá đẻ không được đi bắt. Nếu ai vi phạm thì phạt.
Trong khi đó nhìn sang châu Âu, chiến tranh tôn giáo nổ ra kéo dài bao nhiêu năm?
- Như thế là thời đó Đại Việt đứng trên tầm cao của nhân loại. Vì sao nhà vua làm được như thế? Thứ nhất vua là người cầm quyền có trí tuệ. Thứ hai là thương dân. Ba là vì sự tồn vong của đất nước. Nhà vua bao giờ cũng đặt sự tồn vong của đất nước lên trên hết. Không có nước thì vua ngồi đâu? Nhưng mà ai giữ nước. Dân giữ nước. Vì thế phải thương dân. Có thế thôi. Bài học đơn giản lắm.
Vua Lý Công Uẩn lớn lên và được đào tạo từ cửa chùa nên ông sớm có trí tuệ và lòng nhân. Đến phần mình, vua sớm cho thái tử Lý Phật Mã mở phủ để học cày ruộng, trồng dâu nuôi tằm. Khi thành thục Lý Phật Mã còn dạy cung nữ cách dệt lụa, dệt gấm để làm triều phục. Từ đó hạn chế việc mua gấm nhà Tống. Vua Lý Thái Tông sau này còn tự cày ruộng tịch điền, lấy gạo để cúng tổ tiên. Để giữ lệ đó, triều Lê, triều Nguyễn sau này mỗi khi đến dịp giỗ Tổ vua Hùng lại gửi về 50 cân gạo nếp để làm bánh, xôi cúng.
Nhà Trần có những chính sách gì mà ông cho là nổi bật?
- Nhà Trần tuy lấy ngôi của nhà Lý nhưng họ đã tiếp thu “nguyên đai nguyên kiện” các chính sách chứ không phủ định sạch trơn. Đó cũng là một bài học lớn.
Chính sách nổi bật khiến nhà Trần trở nên hùng mạnh là chính sách về tổ chức quân đội. Bên cạnh đội quân chủ lực chính quy do trung ương nắm giữ thì triều đình nhà Trần cho thân tộc mở phủ binh. Các phủ binh không chỉ rèn luyện thường binh mà còn được nhà nước khuyến khích luyện tập tinh binh. Như quan điểm của Hưng Đạo vương nói quân cần tinh chứ không cần nhiều. Vì vậy khi quân Nguyên Mông sang xâm lược thì quân đội nhà nước cộng thêm quân các vương phủ nữa rất nhiều đủ sức chống giặc. Cũng từ đào tạo tinh binh ở phủ của mình mà Trần Quốc Tuấn một bước lên nắm trọng trách Quốc công tiết chế năm 1283 (khi duyệt binh ở Đông Bộ Đầu). Chỉ sau hai năm thống lĩnh quân đội, ông đã tỏ rõ là danh tướng thế giới khi đánh tan đội quân hung bạo nhất thế giới thời đó (năm 1285).
Khi viết về vua Lý Thái Tổ người khai sáng nhà Lý, nhà văn nhận được rất nhiều sự đồng thuận của bạn đọc. Vậy với nhân vật lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ trong tiểu thuyết "Bão táp cung đình", ông có dự liệu sẽ bị phản ứng?
- Trước khi tôi viết về Thái sư Trần Thủ Độ và sự nghiệp của ông ấy, tất cả các sử gia thời phong kiến (thời Lê cho tới thời Nguyễn) kể cả sách “Việt Nam sử lược” của cụ Trần Trọng Kim đều lấy nhận xét của sử gia Ngô Sĩ Liên để đánh giá về Trần Thủ Độ. Những đánh giá với ngôn từ rất xấu như “loạn luân, bất trung…”. Các sử gia đều không dám đánh giá Trần Thủ Độ có cống hiến như thế nào.
Với những đánh giá gay gắt như thế, các nhà sử, nhà văn thời hiện đại e ngại là có cơ sở. Tôi nhớ khoảng tháng 10/1986 nhà văn Tùng Điển có hỏi tôi đang dự định viết gì? Tôi nói viết về nhà Trần, cụ thể là về thời Trần Thủ Độ lập quốc, chứ còn Huyền Trân công chúa thì viết rồi. Nhà văn Tùng Điển giật mình khuyên “Ấy chớ, anh đừng viết. Ông Nguyễn Đình Thi đã viết kịch bản Rừng trúc rồi”. Lúc đó, kịch bản "Rừng trúc" tuy đã được viết từ lâu nhưng chưa được dựng (năm 1999 mới được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng) nên nhà văn Nguyễn Đình Thi đưa tạp chí Sân khấu in. Nhà văn Tùng Điển nói: “Khi nào tạp chí ra em sẽ biếu anh đọc, nếu thấy còn chỗ nào viết được thì anh hãy viết chứ ông Thi viết hết rồi”.
Lúc đó tôi nghĩ, nhà văn Nguyễn Đình Thi là cây đại bút. Nếu quả thực ông đã viết hết rồi thì mình khỏi viết. Tôi đợi thêm một khoảng thời gian nữa thì Tùng Điển tặng bản in kịch bản. Tôi đọc một mạch rồi gặp Tùng Điển nói: “Gần như ông Nguyễn Đình Thi chưa viết gì về Trần Thủ Độ cả. Ông chỉ viết cái cảm hứng, cái tâm trạng của ông ấy thôi”.
Và khi ngồi viết về Trần Thủ Độ trong cuốn “Bão táp cung đình”, trong đầu tôi không lảng vảng gì tới kịch “Rừng trúc” của Nguyễn Đình Thi cả.
Tất nhiên, trước khi tôi viết Trần Thủ Độ thì Trúc Khê Ngô Văn Triện cũng đã viết.
Khi nghe tôi nói ý tưởng sẽ viết về Trần Thủ Độ, nhà văn Tùng Điển vẫn khuyên: “Anh viết như lịch sử thì chẳng có gì mới. Mà anh viết theo ý anh kể thì coi chừng các sử gia hiện đại đánh anh nhừ tử”. Tôi bảo: “Thôi thì mình cứ viết theo ý mình nghĩ. Nếu đồng thuận thì tốt chứ không thì đối đầu chứ sợ gì”.
Điều gì làm ông thấy tầm vóc to lớn của Trần Thủ Độ?
- Khi đọc các sách sử và phân tích, tôi thấy bối cảnh cuối thời Lý xuất hiện ba thế lực lớn. Lớn nhất là Đoàn Thượng. Thứ hai là Nguyễn Nộn. Thứ ba là triều đình nhà Lý nhưng thực chất là quân lính họ Trần. Nếu không giải quyết được các xung đột này để dẫn tới nội chiến thì đất nước nguy nan. Trần Thủ Độ đã thống nhất được về một mối. Đó là công lớn. Lúc đó lực lượng nhà Lý hầu như không còn gì, không còn một danh tướng nào xuất hiện. Vua Lý Huệ Tông không làm được gì hết.
Về mặt đạo đức, tôi đánh giá Trần Thủ Độ là người rất có đạo đức. Bởi vì lúc lấy ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh rồi, nếu muốn, Trần Thủ Độ có thể gạt phăng cái đứa cháu 8 tuổi ra để lên ngôi. Lúc đó, trong triều đình không có ai đáng mặt để cản ông.
Trần Thủ Độ còn là người giữ chữ “Tín” với dòng họ. Ông đặt cháu lên ngôi rồi đặt lòng “Trung” của mình vào đó, không vì quyền lợi cá nhân gì hết. Thế nên, khi đứa cháu lớn là Trần Liễu muốn tranh ngôi của em mà ông suýt giết, may nhờ vua Trần Thái Tông can. Trần Thủ Độ có con mắt tinh đời nhìn thấy ở Trần Cảnh là người hiền tài. Ông quan sát từ nhỏ. Ông đã biết đặt người đúng chỗ và nhìn người từ tấm bé. Quả nhiên Trần Cảnh lên ngôi đã đặt ra nền móng của nhà Trần hết sức quy củ, chặt chẽ.
Trần Thủ Độ là người công tâm. Ông là người thượng tôn pháp luật nhất. Ông giữ pháp luật từ chính mình chứ không phải ai khác. Ông gương mẫu tuân thủ pháp luật nhưng chính vợ ông là bà Trần Thị Dung lại không gương mẫu. Những việc bà Trần Thị Dung không gương mẫu tôi viết trong tiểu thuyết như việc tại lễ vinh danh Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Bảng nhãn Lê Văn Hưu và thám hoa Đặng Ma La bà còn đòi xử cả mấy tên lính không cho bà đi cổng chính vào xem. Bà về làm mình làm mẩy với chồng. Trần Thủ Độ đã đứng ra phân xử bằng cách khen những người lính vì biết giữ nghiêm phép nước. Hay như chuyện bà có đứa cháu muốn làm chức câu đương ở quê được ông đồng ý với điều kiện chặt một ngón chân để “phân biệt” với người khác…
Những việc như thế dù bà vợ giận, nhưng cũng không dám oán thán gì ông. Và những phu nhân của những đại thần cũng không dám ỷ hiếp thế chồng làm càn, không dám tư túi. Những việc như thế chứng tỏ ông không coi gia đình làm trọng. Gia đình gì thì gì vẫn phải giữ nghiêm phép nước. Chính vì thế pháp luật thời đó nghiêm lắm.
Tất cả những việc đó đã đưa Trần Thủ Độ thành người tài ba và đạo đức. Ông có người anh là An Quốc, nhưng vì không có tài nên dù nhà vua có gợi ý nên dùng nhưng ông vẫn không dùng. Mấy người con của ông cũng vậy. Có ai được làm quan chức tước cao gì đâu. Chỉ vì các con không có tài. Lúc sắp mất, ông mời Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông vào trăng trối: “Ta có việc này muốn nhờ thượng hoàng và nhà vua”. Thượng hoàng và nhà vua đáp: “Ông, chú cần gì chúng cháu sẽ thỏa mãn ngay”. Tưởng chuyện gì, nhưng Trần Thủ Độ nói: Ta có mấy đứa con, nhưng chúng không có tài cán gì cả. Đừng có trao chức tước gì cao cho chúng nó. Chỉ có trao cho chúng chức nhàn tản để hưởng lộc mà thôi”.
Một Trần Thủ Độ như vậy mà sao lại không tôn vinh? Nếu các nhà sử hiện đại không chấp nhận thì tranh luận thôi. Nhưng không ngờ năm 1989, cuốn tiểu thuyết "Bão táp cung đình" ra mắt gây tiếng vang. Năm 1992 Viện sử học phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo Trần Thủ Độ với vương triều Trần. Quan điểm đánh giá đều theo cuốn "Bão táp cung đình" của tôi…
Được biết ông từng suýt bị hỏng mắt khi viết về trận chiến Bạch Đằng?
- Đó là năm 1990. Khi đang viết cuốn “Huyết chiến Bạch Đằng” thì mắt bên trái tôi mờ không nhìn thấy gì nữa. Máu mắt chảy ra. Vị bác sĩ ở Bệnh viện Việt Xô chữa bằng cách tiêm thẳng vào mắt. Nhà văn Trần Lê Văn thấy thế bảo: “Ông chữa như thế là mù đấy. Sang bên viện mắt chỗ con gái Nguyệt Thanh của tôi mà chữa”.
Tôi sang Bệnh viện Mắt trung ương, bác sĩ Nguyệt Thanh nói: “Anh phải nghỉ ba tháng không làm việc”. Tôi nói: “Anh không có thì giờ nghỉ được ba tháng đâu”. Cô lại nói: “Thế anh nghỉ ba tuần”. Tôi lại nói: “Không được”. Nguyệt Thanh bảo: “Em nói một cách rất nghiêm túc đấy. Anh phải nghỉ ít nhất một tuần. Nếu anh cứ làm việc mà để mắt bị chảy máu lần nữa là mù”. Tôi gật đầu. Nhưng qua ba ngày thấy có vẻ ổn nên nghĩ ra mẹo bịt mắt trái lại và tiếp tục cầm bút.
Tôi viết “Huyết chiến Bạch Đằng” như lên đồng. Nhưng quá trình tìm hiểu thì mất rất nhiều thì giờ. Trước kia tôi đã điền dã nhiều lần địa bàn cần viết. Nhưng trước kia cầm bút tôi lại đi lại hành trình từ Kiếp Bạc đi theo sông Bạch Đằng ra biển, đi các đảo, kể cả đảo Vạn Hoa...
Cuốn “Đuổi quân Mông Thát” ông viết thuận lợi hơn?
- Như “Huyết chiến Bạch Đằng” thôi. Đều viết 6 tháng xong. Mà toàn viết xong lúc 30 Tết. Lúc sắp xong thì con trai tôi còn nhỏ bị sốt phát ban. Người nó đỏ như con tôm. Đi Bệnh viện Bạch Mai đến chiều 28 Tết bác sĩ bảo cho về tự chữa. Tôi đưa con về nhà và mời bác sĩ đến truyền nước cho. Con trai nằm ở tầng ba, còn tôi viết ở tầng 2. Đang viết thỉnh thoảng lại dừng bút chạy lên ngó con.
“Đại Việt sử ký toàn thư” có giúp ông định hướng viết?
- “Đại Việt sử ký toàn thư” viết về thời Lý chỉ hơn trăm trang, còn về nhà Trần thì hơn 200 trang. Nhưng cái mình cần thì ít.
Qua hai bộ tiểu thuyết đồ sộ, nhà văn muốn nói tới bạn đọc điều gì?
Lịch sử luôn ăm ắp những bài học. Có điều chúng ta có tiếp thu và vận dụng hay không mà thôi.
Xin cảm ơn nhà văn!