Nhà văn Huỳnh Trọng Khang: 'Càng viết tôi càng nhận ra hạn chế của mình'
Là một tác giả có nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn, mới đây Huỳnh Trọng Khang đã cho ra mắt tiểu thuyết 'Bể trăng côi' lấy đề tài đại dịch.
Xoay quanh hai tuyến truyện chính, tác phẩm kể về chú tiểu và một nhà sư trên đường đến núi Sa Mạo, cũng như hành trình của thầy Huyền Trang đến miền Tây Trúc thỉnh kinh.
Trên hành trình đó, cả hai thầy trò đã gặp rất nhiều khó khăn cũng như thử thách. Bằng những nút giao của số phận giao thoa, với Bể trăng côi, Huỳnh Trọng Khang đã cho thấy rằng bi kịch thời nào cũng có, nhưng quan trọng hơn là cách mà ta đón nhận những câu chuyện ấy.
Thôi thúc từ đại dịch
Bể trăng côi ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa anh?
Đó là thời gian mà cả thành phố đang giãn cách. Thời điểm đó, tôi cũng rơi vào tâm trạng trầm uất và để thoát ra, tôi biết mình cần phải viết gì đó. Đây là câu chuyện mà tôi không định viết, nhưng khi viết ra thì cảm giác rất thoải mái và tự nhiên. Quá trình xuất bản cũng khá thuận lợi, tôi nhận được nhiều đóng góp quý giá từ phía biên tập viên để hoàn thiện tác phẩm.
Tôi cứ tưởng là tác phẩm có thể ra mắt được nhanh chóng hơn, vì nó đã hoàn thành xong từ tháng 10.2021 rồi. Nhưng Huyền Trang còn mất hàng chục năm để đưa được kinh sách về mà… Nên suy cho cùng thì mọi sự đều có thời điểm của nó.
Điều dễ nhận thấy là dấu ấn Phật giáo khá đậm đặc trong tác phẩm này. Vì sao anh lại sử dụng thêm yếu tố ấy?
Đơn giản vì nhân vật chính là hai người tu hành. Dù vậy, bản thân tôi cho rằng những điều viết về Phật giáo trong cuốn sách này vẫn còn nông cạn. Tôi thấy mình giống nhân vật chú tiểu trong sách, cũng đang lần mò học hỏi, tìm kiếm.
Cuốn tiểu thuyết này cũng có mạch truyện song hành của thầy Huyền Trang đã quá nổi tiếng trong Tây Du Ký. Khi “kể lại” tác phẩm đã quá ấn tượng thì anh có áp lực nào không? Và đâu là cơ duyên khiến anh chọn câu chuyện này?
Huyền Trang là một nhân vật “tự dưng” xuất hiện. Lúc đầu tôi định nhắc sơ qua thôi, thế nhưng sau đó thì nó đã trở thành một tuyến truyện chính. Tôi cũng không định viết một câu chuyện để cạnh tranh với sự đồ sộ của Tây Du nên cũng không có áp lực gì.
Tôi xem phần mình viết về Huyền Trang cũng chỉ là một dị bản trong số các dị bản viết về hành trình quá nổi tiếng này.
Vậy thì quá trình kiểm soát cốt truyện đa tuyến, tìm điểm tương đồng của hai mạch chuyện cũng như lồng ghép những chuyện thế sự có khó khăn không?
Hai tuyến truyện này bổ sung cho nhau. Phần ở hiện tại là cái nhìn không ngừng thu sâu vào trong nội tâm nhân vật. Phần Huyền Trang là góc nhìn không ngừng tỏa rộng để bao quát được toàn bộ đại cảnh.
Bởi đây là một đại dịch toàn cầu, nên tôi muốn chọn nhân vật có “tính quốc tế” một chút. Và Huyền Trang, với cuộc du hành đi từ nước này qua nước khác của ông, chính là sợi chỉ xâu lại thành bức tranh chung, dù cho có thể là chưa toàn diện, về đại dịch.
Bên cạnh câu chuyện về thầy Huyền Trang, thì thơ haiku của Basho, của Kobayashi Issa cũng xuất hiện trong tác phẩm này. Anh có thể chia sẻ thêm về lựa chọn này không?
Không những haiku mà Bể trăng côi còn có những bài thơ khác. Sự lựa chọn ấy cũng chỉ là ngẫu nhiên thôi, riêng bài thơ Mái địa ngục của Kobayashi Issa thì trong quá trình viết, tôi nghĩ đến lúc nào đó sẽ phải nhắc đến nó, và rồi rốt cuộc tôi cũng đã tìm được cảnh phù hợp.
Cả Mái địa ngục hay Bể trăng côi đều là tựa đề gợi lên tình cảnh cô quạnh. Anh có thể chia sẻ thêm về nhan đề này không?
Đây không phải tên sách tôi chọn ban đầu, nhưng sau khi trao đổi với biên tập viên cũng như vài độc giả khác, lạ là mọi người đều thấy hình ảnh vầng trăng như là chủ đạo của tác phẩm này. Do đó, tôi chỉ “xin” thêm vào đó chữ “bể”, bể đời, bể khổ và trong “bể” ấy, mỗi chúng ta chỉ là trăng đơn lẻ. Là hình hay là bóng; tròn hay khuyết; âm thầm sáng hay rực rỡ sáng… tất cả phụ thuộc vào mỗi người.
Tiểu thuyết Bể trăng côi. Ảnh: Minh Anh
'Đòn bẩy' cho câu chuyện mới
Có nhiều ý kiến cho rằng, văn chương hiện nay không có tác phẩm xuất sắc vì thiếu bối cảnh, thời thế, sự kiện… ấn tượng. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Tôi không đủ hiểu biết để bao quát hết thị trường hiện nay, nên không thể nhận định là nó có tác phẩm lớn hay tác phẩm nhỏ nào. Hoặc cũng có “tác phẩm lớn” nào đó vẫn đang chìm khuất và chờ được tái khám phá…
Có điều tôi biết, với cá nhân tôi, chính là sự “thiếu” của bản thân mình và luôn cố gắng lấp cái “thiếu” ấy, dù biết là không bao giờ lấp đầy được nó. Càng viết tôi càng nhận ra hạn chế của mình, đó là thiếu sót của bản thân tôi, chứ không phải là thiếu sót riêng về ngoại cảnh.
Như vậy, theo anh, đại dịch vừa qua có thể được xem như “nhân tố đòn bẩy”, từ đó tạo ra được các cốt truyện mới, thu hút và độc đáo hơn không?
Tôi nghĩ nó sẽ trở thành bối cảnh cho các tác phẩm văn học nghệ thuật. Còn “thu hút và độc đáo hơn” thì bản thân những chủ đề, bối cảnh “không mới” nếu biết cách khai thác thì vẫn “thu hút và độc đáo hơn”.
Văn chương không chỉ bao gồm tác phẩm hư cấu và nó cũng không nhất thiết là phải theo đuổi câu chuyện thế sự. Một tác phẩm văn chương hay thì không bao giờ là “trễ”.
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang
Dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh… có thể thay đổi thế giới, nhưng trong văn chương nó có thể chỉ là một chủ để như bao chủ đề khác, là một khung cảnh, một cái cớ… tùy vào cách mà mỗi một nhà văn mong muốn khai thác.
Tuy thế, tại Việt Nam, dường như Bể trăng côi là tác phẩm văn chương đầu tiên có bối cảnh này. Bản thân anh nghĩ sao về “độ trễ” ấy?
Bể trăng côi chắc chắn không phải là tác phẩm văn chương đầu tiên tại Việt Nam có bối cảnh này. Văn chương không chỉ bao gồm tác phẩm hư cấu và nó cũng không nhất thiết là phải theo đuổi câu chuyện thế sự. Một tác phẩm văn chương hay thì không bao giờ là “trễ”.
Cả thế giới đã nói về đại dịch HIV/AIDS hàng chục năm nay, nhưng độc giả hãy thử kể tên một tác phẩm văn học về đại dịch HIV/AIDS?
Chủ đề bi kịch tìm thấy hy vọng, được chữa lành và rồi nhận ra những điều giản đơn… là không hề hiếm trong văn chương hiện nay. Anh tìm ra những điểm mới để kể câu chuyện đó như thế nào?
Tôi không nghĩ là tác phẩm này có gì đó mới. Có lẽ nó đã cũ từ lúc viết ra rồi. Tôi có một câu chuyện, tôi cần được kể ra, và kể theo cách mà tôi cho là phù hợp. Như chú tiểu trong tác phẩm này, tìm tìm kiếm kiếm để rồi mắc kẹt, cũng giống như tôi cố gắng xoay xở trong mọi khả năng của mình.
Ẩn sâu trong những chi tiết, ngôn ngữ… của Bể trăng côi cũng là góc nhìn phản ánh thế sự. Anh nhìn thế giới hiện nay dưới nhãn quan nào, tích cực, tiêu cực hay trung dung?
Điều tôi chắc chắn là thế giới này sẽ không thay đổi dù tôi nhìn nó thế nào đi nữa. Nên tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang nhìn nó “dưới nhãn quan” nào. Tôi chỉ cố quan sát thế giới mỗi ngày, biết thêm nhiều chuyện, lắng nghe nhiều hơn, nhìn thấy nhiều hơn…
Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Sinh năm 1994, Huỳnh Trọng Khang là một trong những cây bút trẻ từng được kỳ vọng sẽ tạo “nội lực” cho thể loại tiểu thuyết. Năm 2016 anh cho ra mắt Mộ phần tuổi trẻ và một năm sau đó, đã được vinh danh tại giải Sách hay, hạng mục Phát hiện mới vào năm 2017.
Kể từ thành tích đã đạt được đó, mỗi năm anh đều cho ra những tác phẩm ấn tượng, có thể kể đến như Những vọng âm nằm ngủ (2018), Phật trong hẻm nhỏ (2020) và mới đây nhất là Bể trăng côi. Ngoài tiểu thuyết, anh cũng chắp bút cho nhiều tác phẩm hướng đến thiếu nhi, như tập thơ Mephy! Mephy! hay truyện dài Bơ không phải để ăn…