Nhà văn không có nghĩa phải long lanh như tác phẩm
Viết văn là một công việc đặc biệt, đặc biệt trong cả sáng tạo và lao động, thậm chí có nhà văn chỉ khi nào về với đất thì mới chính thức về hưu.
Về hưu không phải là từ ám chỉ đến một tờ A4 cho công chức hay người lao động nghỉ ngơi, đây là từ chỉ cho việc nhà văn buông bút và xa rời bàn phím. Thế nên, rất nhiều nhà văn đến tận khi về với đất mà tác phẩm vẫn chưa hoàn thành. Họ đem theo cả sự dang dở sang cõi khác.
Viết văn có giàu không? Câu hỏi này có một quá trình lúc đúng lúc không, có lúc lại đúng với người này mà sai với người kia. Thế nên cách nói trung hòa nhất là vừa giàu vừa nghèo.
Mới đây nhất, một hiện tượng xuất bản của Việt Nam gắn liền với nhà văn Bình Ca đã có buổi ra mắt sách ở Hà Nội, nhân dịp ra mắt cuốn sách thứ hai của ông với tên gọi: Đi trốn.
Cuốn sách đầu tay của ông mang tên “Quân khu Nam Đồng” đã tạo nên một “cơn địa chấn” cho làng xuất bản Việt Nam (tái bản 15 lần trong 4 năm). Một con số đầy ao ước của rất nhiều cây viết, nhất là ở những người được coi là “tuổi già cây viết trẻ” như Bình Ca.
Rồi người ta lại hỏi nhau Bình Ca là ai, xôn xao bao lâu với rất nhiều suy đoán. Cuối cùng Bình Ca cũng lộ diện, ông tên thật là Trần Hữu Bình, một công chức có tí quan chức mới về hưu theo đúng nghĩa đen của từ này.
Nhà văn cũng nên như nhân vật, chỉ nên ẩn hiện trong tiềm thức của độc giả mà thôi. Mà thực tế, cũng có trường hợp độc giả đọc tác phẩm của nhà văn thì thần tượng nhà văn vô cùng thống thiết, chỉ muốn được gặp nhà văn, bắt cái tay, nhìn cái mặt, nói đôi ba lời ngưỡng mộ thế cũng là thỏa mãn rồi. Thế nhưng gặp xong thì hình tượng tan biến. Nhà văn làm nên tác phẩm thì không có nghĩa nhà văn phải long lanh như tác phẩm.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh
Tại buổi ra mắt cuốn sách “Đi trốn”, ông đã thay mặt rất nhiều người viết nói ra những điều không dám nói. Đầu tiên đó là việc bị xin sách nhiều quá. “Một người không là gì cả, 10 người không là gì cả, 100 người không là gì cả nhưng vài nghìn người thì có vấn đề…”, ông nói.
Rồi cũng chính ông lên tiếng trả lời cho câu hỏi: Viết văn có giàu không? Ông nói, hệt như sự hài hước của những nhân vật trong tác phẩm của mình: “Để tiêu tiền một cách nhanh nhất thì tốt nhất là viết sách. Cứ trông thấy ông nào viết sách thì nên xếp vào hộ nghèo”.
Nhuận bút cho một cuốn sách không nhiều như người ta tưởng, sống được chỉ nhờ viết sách ở nước ta cũng chẳng được mấy người. Nhưng nếu ai cũng đếm nhuận bút để đặt tay lên bàn phím thì văn chương cũng rất khó có những áng hay. Dù rằng, trong địa hạt nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc cũng có nhiều ca khúc bất hủ được chào đời bởi những đơn đặt hàng được quy ra bằng tiền hay hiện vật.
Nhưng giữa âm nhạc và tác phẩm văn học dù có điểm chung là công việc sáng tạo nhưng cũng không thể đồng nhất nhau ở mục tiêu khi quyết định sáng tạo.
Đã có thời, nhà văn với độc giả luôn có những khoảng cách xa vời. Mà cũng có một nhà văn có tiếng ở Việt Nam từng đưa ra một quan điểm, ông cho rằng nhà văn và độc giả nên có khoảng cách của sự tiếp cận. Nhà văn cũng nên như nhân vật, chỉ nên ẩn hiện trong tiềm thức của độc giả mà thôi. Mà thực tế, cũng có trường hợp độc giả đọc tác phẩm của nhà văn thì thần tượng nhà văn vô cùng thống thiết, chỉ muốn được gặp nhà văn, bắt cái tay, nhìn cái mặt, nói đôi ba lời ngưỡng mộ thế cũng là thỏa mãn rồi. Thế nhưng gặp xong thì hình tượng tan biến. Nhà văn làm nên tác phẩm thì không có nghĩa nhà văn phải long lanh như tác phẩm.
Nghệ sĩ thì lại khác. Nghệ sĩ ngày xưa, nhất là nghệ sĩ ở những loại hình sân khấu truyền thống thời còn chưa có game show vẫn là một ẩn số về tính cách và cuộc sống với người hâm mộ. Rất nhiều nghệ sĩ rất nghèo vật chất.
Ngày nay, game show truyền hình không chỉ gia tăng thu nhập cho nghệ sĩ mà còn kéo gần nghệ sĩ với công chúng hơn. Thậm chí một MC tương đối nổi tiếng ở miền Bắc, trước là một diễn viên hài đã từng thừa nhận: Nghệ sĩ giờ có thêm nghề tham gia game show.
Nhưng nghệ sĩ lại khác nhà văn, nghệ sĩ dù không tham gia game show thì họ cũng có giao thoa với công chúng bằng vai diễn của mình. Nhà văn thì chỉ giao thoa với công chúng thông qua tác phẩm. Thế nên, lịch sử hình như chưa thấy nhà văn tham gia game show.
Công việc sáng tác của nhà văn cũng có nhiều điều thú vị. Vì rằng, có rất nhiều tác phẩm mà chất liệu, nhân vật ít nhiều được lấy từ thực tế được trau chuốt mà nên. Cái tốt của nguyên mẫu thì mỗi người mỗi vẻ, nhưng cái xấu thì khổ rằng nó lại na ná giống nhau. Có trường hợp nhà văn viết xong tiểu thuyết hoan hỉ đi tặng sếp, sếp “mặc dù là lãnh đạo nhưng cũng chịu khó đọc sách”, đọc xong xuôi thì đanh mặt gọi nhà văn mới toanh lên mắng xa xả: Tôi đọc đi đọc lại thấy mấy nhân vật ác trong tiểu thuyết của cậu cứ na ná tôi. Nhà văn mới toanh giải thích kiểu gì cũng không làm sếp thỏa mãn.
Nhà văn đời nào cũng vậy, họ phải tắm đẫm mình trong thực tiễn mới có thêm chất liệu để sáng tạo, nhưng hình như nhà văn ở xứ mình đời nào cũng vậy, đặc biệt là nhà văn nam, ngoài tắm đẫm trong thực tiễn họ còn tắm đẫm trong cả bia lẫn rượu.