Nhà văn Lê Lựu - cha đẻ của tiểu thuyết nổi tiếng 'Thời xa vắng' qua đời

Nhà văn Lê Lựu - tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như 'Thời xa vắng', 'Sóng ở đáy sông',… vừa qua đời chiều 9/11, hưởng thọ 81 tuổi.

Nhà văn Lê Lựu qua đời để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho gia đình, bạn bè và độc giả yêu thích văn chương của ông

Nhà văn Lê Lựu qua đời để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho gia đình, bạn bè và độc giả yêu thích văn chương của ông

Nhà văn Lê Lựu qua đời vào chiều ngày 9/11, tại nhà riêng ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên. Cuối đời, ông mắc nhiều bệnh tuổi già, nằm liệt một chỗ. Vài ngày trước, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đến nhà riêng thăm nhà văn Lê Lựu. Tuy nhiên, ông bất tỉnh, không thể nhận ra ai.

Trước khi về Hưng Yên, nhà văn Lê Lựu sống tại phố Tam Trinh, Hà Nội. Hơn một tháng nay, bệnh tình trở nặng, ông được con gái đầu đón về quê chăm sóc.

Sức khỏe nhà văn Lê Lựu suy yếu từ năm 2006. Ông thường xuyên ra vào bệnh viện để điều trị. Năm 2013, nhà văn Lê Lựu hàng ngày tập vật lý trị liệu. Ông từng chia sẻ bản thân bị tai biến mạch máu não nhiều lần, tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... Tất cả là 14 bệnh.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng... Ông từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn "Người cầm súng", giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết "Thời xa vắng",...

Nhà văn Lê Lựu là cha đẻ của nhiều nhân vật luôn phải hứng chịu sự đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. "Thằng Núi trong "Sóng ở đáy sông" cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong "Thời xa vắng" nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát", ông từng chia sẻ.

Trong các tác phẩm của ông, tiểu thuyết "Thời xa vắng" là bước ngoặt lớn của nền văn học nước nhà. Tác phẩm truyền tải thông điệp con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính mình chứ không phải một ai khác, sống bằng những giá trị của người khác. Với "Thời xa vắng", nhà văn Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Nhà văn Lê Lựu có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn chương Việt Nam

Nhà văn Lê Lựu có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn chương Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ niềm đau xót khi nhà văn Lê Lựu - "nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam" qua đời. Lần cuối ông gặp nhà văn Lê Lựu là một năm trước, khi nhà văn Lê Lựu đã suy yếu, không còn minh mẫn.

Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm nhà văn Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nha-van-le-luu-cha-de-cua-tieu-thuyet-noi-tieng-thoi-xa-vang-qua-doi-311476.html