Nhà văn Minh Đan: Mạng xã hội đang là 'con dao hai lưỡi'
Chưa khi nào, nhà văn Minh Đan thấy ái ngại khi sử dụng mạng xã hội như hiện nay. Theo chị, từ góc nhìn của một cá nhân hay tổ chức nào đó có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội sau khi được chia sẻ, ngay lập tức 'sóng gió' có thể bùng lên thành một cơn bão lớn. Và bất kỳ đối tượng nào cũng có thể trở thành nạn nhân.
Là tuýp người sống hướng nội, ngại chia sẻ với người khác, đặc biệt là người lạ, nhưng từ khi sử dụng mạng xã hội, nhà văn Minh Đan đã cho phép bản thân mở rộng “đường biên” kết nối với mọi người, cho phép người lạ tương tác, chia sẻ trạng thái, câu chuyện của mình.
Chính sự mở lòng đó đã đem lại cho chị nhiều điều thú vị và những tình bạn rất dễ thương. Nhờ có sự yêu mến, quan tâm, chia sẻ, động viên của mọi người, các tác phẩm văn chương, các hoạt động thiện nguyện, những việc làm ý nghĩa vì cộng đồng… mà chị âm thầm làm cũng được lan tỏa nhiều hơn. Đó là những “quả ngọt” mà nhà văn Minh Đan có được khi gieo duyên với “mảnh đất màu mỡ” này.
Nhà văn Minh Đan cho rằng, trong thời đại số hóa, mạng xã hội trở thành con dao hai lưỡi đối với người dùng. Hiện nay có hai tuyến người dùng thể hiện “cái tôi” theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.
“Chúng ta không thể thay đổi tình hình theo ý mình muốn, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách tiếp cận, cũng như tiếp nhận thông tin để bản thân không bị tác động hay ảnh hưởng. Cá nhân tôi là một Phật tử, thường chủ động quán chiếu tâm mình. Tôi thường rời đi khi nhìn nhận được những hiện tượng tiêu cực đang ở gần mình. Và hạn chế tương tác với các luồng thông tin tiêu cực đó.
Phản ứng của tôi thường chậm một nhịp so với người khác, bởi tôi hiểu rằng mình cần phải tìm hiểu và nắm bắt rõ vấn đề trước khi đưa ra quan điểm riêng, để tránh phạm sai lầm hay hiểu chưa đúng về một ai đó/ điều gì đó sẽ khiến mình áy náy, day dứt về sau”, Minh Đan chia sẻ.
Nhà văn Minh Đan cho rằng, rất nhiều người dùng mạng xã hội chưa có ý thức trong việc “kiểm tra hai lần” thông tin để kiểm chứng xem nguồn tin mình nhận được có đáng tin cậy hay không: “Chúng ta thường có thói quen phản ứng nhanh, phản biện vội vàng khi đọc lướt một tin tức nào đó.
Tuy nhiên, chúng ta lại quên rằng một nửa sự thật chưa bao giờ là sự thật. Cái mình nghe thấy còn chưa chắc đúng với bản chất sự việc nữa là nghe lời người khác nói.
Vì vậy, tôi luôn mong người dùng mạng xã hội đừng vội đưa ra bất kỳ lời phán xét nào khi chưa kiểm chứng kỹ càng. Đó không chỉ là sự thể hiện ý thức và trách nhiệm đối với bản thân, mà còn là cách chúng ta bảo vệ sự thật, bảo vệ cái thiện, bảo vệ những điều tốt đẹp bị ẩn khuất giữa cuộc đời thật giả trắng đen lẫn lộn này”.
Theo nhà văn Minh Đan, dù chúng ta sống ngoài đời thực hay trên mạng xã hội, thì cũng cần ứng xử văn minh và tử tế với nhau, lấy đạo đức làm gốc. Nếu chúng ta không thể giúp được ai, thì cũng không nên hại người, làm tổn thương họ.
“Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, mỗi người dùng mạng xã hội hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Hãy thật thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến bản thân và gia đình mình, cũng như ảnh hưởng tới người khác.
Tôi nghĩ rằng, mỗi người sử dụng mạng xã hội chỉ cần có ý thức ứng xử có văn hóa một chút, biết kiềm chế cảm xúc một chút, thì nhất định sẽ góp phần loại bỏ được những mặt tiêu cực trên mạng xã hội hiện nay”, nhà văn Minh Đan nói.
Chuyên đề: Mạng xã hội và văn hóa ứng xử
Ngoài các lợi ích, tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại, những mặt trái, vấn nạn đến từ mạng xã hội ngày càng phổ biến, gây nhiều tiêu cực về tinh thần cho những người sử dụng.
Từ những hành vi cư xử thiếu đạo đức, những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử, bên cạnh đó, mạng xã hội được sử dụng như một kênh để giải quyết mâu thuẫn, xúc phạm, tấn công nhau chỉ từ một quan điểm trái ý...
Chính vì thế văn hóa ứng xử trên mạng xã hội thực sự cần được quan tâm và chấn chỉnh.