Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư: Cây bút nữ lịch lãm và hài hước

Trong cuộc sống, nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư là một người hài hước và lịch lãm. Văn của chị cũng như thế. Hài hước chỉ có ở những người thông minh. Lịch lãm chỉ có ở những ai có tầm văn hóa rộng và sâu. Những truyện ngắn của chị dù không phải truyện nào cũng hay, nhưng nhà văn đã mở những cửa sổ để chúng ta nhìn vào thế giới những tâm hồn.

Truyện của Nguyễn Thị Anh Thư giống như những căn phòng tưởng chừng yên tĩnh, giản dị trên tàu thủy. Những ai tinh tế sẽ nghe được tiếng sóng biển khơi vọng ra từng "căn phòng" ngôn từ ấy, cái Đạm bề ngoài giấu kín cái Nồng bên trong, như thơ vậy.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn nhận dịp Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Hội thảo "Sáng tạo văn chương của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư'', tôi xin phép được đưa ra một vài lát cắt nhỏ đặc sắc nhất trong thủ pháp và văn chương của chị

Cái kỳ ảo trong 2 truyện ngắn: "Vị hôn thê của Tráp Tình -Tài" và "Đêm Nguyên Tiêu".

Theo cách hiểu truyền thống, cái kì ảo là khái niệm bao gồm cái siêu nhiên, cái không thể xảy ra trong hiện thực. Các nhà văn truyền thống sử dụng cái kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật nhằm "Lạ hóa" đối tượng phản ánh, để phản ánh thế giới và con người qua "Lăng kính" kì ảo hóa. Cả nhà văn và bạn đọc đều hiểu ngầm rằng: Cái kì ảo kia là cái không có thật, cái không thể xảy ra trong đời thực…

Sau này, Chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo đã xóa nhòa "Khoảng cách phân vân" ấy, nhằm miêu tả cái kì ảo gắn với niềm tin tâm linh, rằng đấy là cái hiện thực có thể xảy ra...

Với hai truyện ngắn kể trên, có lẽ Nguyễn Thị Anh Thư chỉ coi cái kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật mà thôi.

Kì ảo trong truyện "Vị hôn thê của Tráp Tình - Tài":

Cha Thản có được cái tráp kì quái từ một thầy Mo trên Sơn La, biết nó gắn với một câu chuyện cổ và một lời nguyền. Thản giành giật bằng được cái Tráp ấy, bất chấp sự đổ vỡ tình cảm với mẹ mình, nhằm thỏa mãn cơn khát tiền đến bệnh hoạn của mình. Ở đây, nhà văn đã có một ví von độc lạ, giàu sức gợi với bạn đọc: Thản mê tiền giống như đàn ông mê trinh nữ vậy - phải có được bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn!

Tráp cổ chứa linh hồn một chàng trai thất tình vì nghèo, có hai chữ Tình -Tài đã mờ, miết vào chữ nào sẽ được thỏa ước mơ về tình cảm hay tiền bạc?! Phép lạ của Tráp ấy làm nên sắc màu kì ảo cho tác phẩm. Luật Nhân Quả và thủ pháp kì ảo hóa đã đưa người đọc tới một kết thúc truyện bi thảm, có ý nghĩa cảnh tỉnh cho những ai tham lam, thực dụng thái quá: Trên giường của Thản chỉ còn bộ xương người bị mối đùn thành đống, tờ tiền đặc biệt vẫn còn nguyên sêri những con số đẹp….

Cái kì ảo trong truyện ngắn "Đêm Nguyên Tiêu":

Ban đầu, nhà văn sử dụng lại một mô típ cũ: Người vô tình gặp hồn ma trong hình dáng con người! Nhưng nhà văn đã có những sáng tạo riêng để làm mới mẻ hơn cho một cuộc gặp Người - Ma vốn cũ kĩ. Trong một cuộc rượu đêm Hà Nội mất điện, Hoàng đã gặp Người thứ Tám không biết là bạn của ai trong 7 người bạn kia. Sau những bước dẫn dắt hồi hộp li kì, Hoàng bằng cả ý thức và vô thức đã có một thỏa thuận với Người thứ Tám: Đổi nhẫn cưới (tức ngầm đổi vợ của mình) lấy một chức danh nhỏ bé - Chủ tịch câu lạc bộ Hương Phường ta. Cái kì ảo đã gắn với cái hài để tiếng cười bật lên chua xót: Hoàng và bao người như Hoàng đã đánh đổi bao điều quý giá lấy cái tầm thường mà đâu có hay?!

Hai chi tiết nghệ thuật đắt giá xuất hiện để tô đậm hơn cái Kì ảo trong tác phẩm: Cửa hàng vàng bạc của Người thứ Tám - trước cửa có 4 hố ga liền nhau; Chiếc nhẫn mặt đá đen có khắc hình trái tim.

Kết thúc truyện vẫn có sự kết hợp cái kì ảo với cái hài, để người đọc sau phút rùng mình phải bật cười chua chat.

Tiếng cười trào phúng trong 2 truyện ngắn: "Không nhan sắc" và "Món giả cầy".

Trong cuộc sống, nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư là người tủm tỉm hài hước, điều đó làm nên cái duyên ngầm riêng cho chị. Tôi vẫn nhớ trong những lần gặp gỡ, khi trò chuyện chị hay đặt đối tượng được bàn đến ở góc nhìn hoặc bông đùa, hoặc nhẹ nhàng châm biếm. Nụ cười duyên này cũng bàng bạc khắp tập truyện "Bản tình ca mê đắm"*, nhưng có lẽ "đậm đặc" nhất là trong hai tác phẩm "Không Nhan Sắc" và "Món giả cầy". Đối tượng châm biếm ở đây là những thói hư tật xấu tồn tại ngay bên chúng ta, tiếng cười là "vũ khí" đặc biệt để "tiễn đưa chúng ra nghĩa địa" một cách vui vẻ, như C.Marx từng viết.

Trong hai truyện ngắn kể trên, cái hài được vận dụng, làm chất liệu để xây dựng tình huống trào phúng và chân dung nhân vật mang tính trào phúng.

Tình huống trào phúng trong truyện ngắn "Không nhan sắc".

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư.

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư.

Nếu không có tình huống trào phúng để làm bật ra tiếng cười mỉa mai ở cuối tác phẩm, 2/3 tác phẩm này sẽ là một truyện ngôn tình ở mức trung bình. Hương là cô gái đã luống tuổi và không nhan sắc, một bất lợi trong chuyện tình yêu và hôn nhân của cô. Ấy vậy mà hôm ấy trên đường về, cô được một chàng trai hào hoa theo đuổi, tán tỉnh. Diễn biến tâm lí của cô gái với bao cung bậc cảm xúc, suy nghĩ được miêu tả thật tinh tế. Nhưng khi hai chiếc xe đạp được dựng kề tình tứ bên nhau, chàng trai tên Minh hôn cô gái tên Hương bên đường thì người đọc sẽ nhăn mặt, muốn gấp sách lại: Chẳng lẽ chỉ có như vậy thôi sao?

Không! Đoạn kết truyện bất ngờ xuất hiện, độc lạ không thể đoán trước, tạo thành một tình huống trào phúng: Chàng trai dùng tên giả là Minh ấy vừa diễn một vở kịch ngắn rất sến nhằm mục đích vụ lợi. Trước khi tiến hành một cú kinh doanh nào đó, chàng đều tiến hành một thao tác lừa đảo với các cô gái như Hương. Khi có lời cầu chúc và sự chờ đợi chân thành của những người con gái ấy, chàng ta bao giờ cũng thành công mỹ mãn. Chao ôi! Cái hài là vỏ bọc cho cái bi, tiếng cười bật ra để rồi thấm vị mặn nước mắt cho sự xuống cấp của văn hóa, trong một bộ phận của thế hệ trẻ hôm nay. Niềm tin ngây thơ của Hương đã vỡ tan tành khi va vào sự lọc lõi gian manh của Minh làm cái hài xuất hiện trong một hình thức đặc biệt, mang ý nghĩa xã hội rộng lớn.

Tiếng cười trào phúng trong truyện ngắn "Món giả cầy"

Cũng xây dựng tình huống trào phúng có tính "đảo ngược" bất ngờ như ở truyện ngắn "Không nhan sắc", cái hài ở truyện ngắn này lại được biểu hiện cụ thể hơn ở chân dung nhân vật mang tính hài hước: Cô Dời. Cô lên làm Ôsin cho nhà thầy Hứa Văn Trọng với tâm thế ngây thơ, không hề biết tới những toan tính vụ lợi của họ hàng. Dưới quê, họ hàng muốn tiễn cô lên thành phố để nhòm ngó mảnh đất của cô. Còn với nhà thầy Trọng, họ không hề nghĩ đến tình nghĩa họ hàng khi nhận cô. Vợ thầy Trọng nhận cô chỉ bởi một toan tính: không lo mất chồng vào tay Ôsin vì cô vừa già vừa xấu. Trong và sau khi cô ngã bệnh bị méo mồm, câu chuyện tưởng chừng chỉ nhuốm màu bi thảm với bao dự đoán của người đọc. Không! Tiếng cười bông đùa suồng sã khỏe khoắn bật lên, tạo ra một kết thúc có hậu cho câu chuyện này.

Những truyện ngắn của Nguyễn Thị Anh Thư tưởng nhẹ như không mà hóa giàu sức gợi, trừ 2 truyện viết về đề tài Người chiến sĩ Công an nhân dân anh hùng, những truyện ngắn của chị thường là những "lát cắt" vào đời sống thị dân ở đô thị. Điểm mạnh của chị là nghệ thuật tự sự điêu luyện, khả năng miêu tả, phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật rất tinh quái, sắc sảo, đặc biệt với các nhân vật nữ. Dù chưa có nhiều những sáng tạo có tính đột sáng trong bút pháp tự sự song ở nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư vẫn có hai điểm nhấn đặc sắc đáng ghi nhận: vận dụng cái kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc; tiếng cười trào phúng bật lên để phê phán những thói hư tật xấu ở ngay trong cuộc sống bên ta. Mong mỏi và tin tưởng vào những sáng tạo nghệ thuật tiếp theo của chị - cây bút nữ lịch lãm và hài hước.

22/10/2023

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-nguyen-thi-anh-thu-cay-but-nu-lich-lam-va-hai-huoc-i711636/