Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Cuộc sống còn nhiều cánh cửa chờ mình hé mở

Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau truyện dài dành cho thiếu nhi Đại náo nhà ông ngoại do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành cách đây không lâu, anh vừa ra mắt thêm tập bút ký 'Những vì sao biên giới' (NXB Quân đội nhân dân). Với 6 bài bút ký, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã phần nào khắc họa chân dung của những người lính biên phòng trong cuộc sống thời bình.

* PHÓNG VIÊN: Là tác giả của nhiều tập bút ký, sở hữu nhiều giải thưởng cao ở thể loại này, với Những vì sao biên giới, ngoài việc trở lại với thể loại sở trường thì còn thêm ý nghĩa nào nữa không, thưa anh?

* Nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY: Có. Đó là việc qua những chuyến đi đến các vùng biên giới, cảm xúc nghề nghiệp ít nhiều bị ngủ quên nay được đánh thức, để tôi thấy rằng cuộc sống còn nhiều cánh cửa chờ mình hé mở. Tôi còn nhớ một lần đến Đồn Biên phòng Tam Thanh (tỉnh Quảng Nam), khi đó trời đã trưa, anh em đề nghị nghỉ ngơi lại rồi mai đi tiếp, nhưng tôi đã khẩn khoản đề nghị được đến những nơi gian khó nhất, sâu xa nhất là chốt 347.

Chúng tôi vượt bao đường đất xa xôi, chỉ có tiếng chim rừng trên đường tuần tra, lặng lẽ và hoang vắng, chỉ tiếc là lên đến chốt thì anh em đi tuần biên vắng hết. Đêm ấy tôi đã ngủ lại trên chốt mà không gặp được nhân vật của mình.

Lúc ấy tôi thấy hụt hẫng ghê gớm và một cảm giác bất lực xâm chiếm. Cũng như hình ảnh người lính thời bình, luôn có những góc khuất và không dễ để phác thảo bức chân dung về họ. Chuyến đi biên giới đó đã cho tôi nhiều tư liệu quý, khá dồi dào cho loạt bút ký, phỏng vấn, ghi chép hàng chục bài trên các ấn phẩm chuyên về văn học.

 Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (giữa) với người dân và các em nhỏ tại bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa)

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (giữa) với người dân và các em nhỏ tại bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa)

* Anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nhưng anh tiếp tục có nhiều chuyến trở lại với vùng biên của Thanh Hóa?

* Các chuyến thực tế trong khuôn khổ cuộc thi bút ký “Biên cương một dải vững bền” đã tạo không gian tác nghiệp rất tốt cho người viết. Sau khi tham dự chuyến thứ nhất với “thu hoạch” kha khá, thể hiện bằng chùm 3 bút ký tôi đã viết và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã in, khi tổ chức chuyến thực tế thứ hai, ban tổ chức vẫn tín nhiệm mời tôi tham gia.

Viết bài cho cuộc thi thực ra chỉ là một cái cớ, tôi muốn được đi khép kín dải biên giới trên bộ mà các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa quản lý. Chưa bao giờ tôi đi được một vùng đất nhiều và kỹ như với Thanh Hóa trong năm 2023. Khi ấy, tôi hoàn toàn không đặt một mục tiêu cụ thể gì. Chỉ là đi như một thôi thúc, một nhu cầu. Kết quả từ 2 chuyến đi với những gì đã viết, đặc biệt là loạt 6 bút ký đã in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội sau đó khiến tôi nghĩ đến việc tại sao không in một tập bút ký riêng để đánh dấu về chuyến đi này.

* Qua những bài viết của anh, mỗi người một câu chuyện, số phận khi mang nghiệp lính biên phòng. Câu chuyện nào khiến anh đau đáu nhất?

* Người truyền cảm hứng mạnh nhất cho tôi có lẽ là Đại úy Nguyễn Văn Phương ở Đồn Biên phòng Pù Nhi (Thanh Hóa). Chàng sĩ quan biên phòng trẻ tuổi, ngoài là cha của 2 đứa con ở quê nhà anh còn là cha nuôi của hơn chục trẻ em vùng cao khác mà đồn nhận đỡ đầu, bởi Phương là Đội trưởng Đội vận động quần chúng của đồn. Sự hồn nhiên dung dị, không trịnh trọng hóa những điều mình và đơn vị đang làm đã khiến tôi càng quý trọng những phẩm chất của người lính, cảm phục tinh thần “vì nhân dân phục vụ” tự nguyện, không gợn chút vị kỷ, sân si.

Còn người khiến tôi cảm động lại là một sĩ quan biên phòng đã mất, tôi không có cơ hội gặp, chỉ nghe qua nhà văn Lưu Nga và một số người khác kể về những gì anh đã làm cho những trẻ em vùng cao thiếu may mắn. Đó là Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng. Sau khi anh Thắng mất, cuộc sống của vợ con anh ấy cũng rất khó khăn.

* Chạm ngõ mảng sách thiếu nhi với Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa vào năm 2012, nhưng mãi 12 năm sau, anh mới có thêm tác phẩm Đại náo nhà ông ngoại. Là anh kén chọn hay lý do nào khác?

* Để viết và in một cuốn sách rất dễ nhưng cũng rất khó, nó dễ bị “nuốt chửng” vào thế giới ngồn ngộn hôm nay. Điều đó rất dễ khiến người viết nản lòng. Tôi cố gắng để tránh những điều đó.

* Anh có định chuyển hẳn sang viết cho thiếu nhi hay vẫn duy trì hình ảnh người lính viết văn?

* Thứ quan trọng nhất tôi nghĩ là cảm hứng sáng tạo, tôi sẽ tiếp tục viết về người lính và chiến tranh cách mạng, các đề tài xã hội và cả sáng tác cho các em nhỏ. Tôi đang có dự định về một cuốn sách cho bạn đọc nhỏ tuổi kiểu như Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy là tác giả của 10 đầu sách dành cho cả người lớn và thiếu nhi. Anh cũng nhận được nhiều giải thưởng như: giải nhất cuộc thi tiểu thuyết, truyện ngắn và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2008-2009, giải nhất cuộc thi bút ký văn học của Tạp chí Nhà văn 2006-2007, giải vàng Sách hay (nay là Giải thưởng Sách quốc gia) năm 2012, giải A cuộc thi truyện ngắn do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức năm 2022, giải A cuộc thi bút ký “Biên cương một dải vững bền” do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tổ chức năm 2023…

QUỲNH YÊN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-van-nguyen-xuan-thuy-cuoc-song-con-nhieu-canh-cua-cho-minh-he-mo-post751323.html