Nhà văn, Nhà báo Võ Hồng Thu: Chúng ta phải ứng xử tốt với bản thân trước đã
Ra mắt tập truyện ngắn thứ 4 'Gáy mảnh hững hờ' sau những thành công nhất định trong sự nghiệp làm báo, nhà văn - nhà báo Võ Hồng Thu (hiện là Phó Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ - Báo Sức khỏe và đời sống) đang tạo được sự chú ý trên mạng xã hội như một hiện tượng mang sức mạnh của nữ quyền. Chị cũng có những kinh nghiệm được tích lũy, đúc kết sau hơn hai mươi năm làm báo.
- Tập truyện ngắn “Gáy mảnh hững hờ” của chị vừa ra mắt bạn đọc đã nhận được những phản hồi tích cực. Điều này vì đâu nhỉ? Vì tác giả của nó, Võ Hồng Thu là một nhà báo xinh đẹp, gợi cảm và thu hút trên facebook? Vì cuốn sách được chăm chút kỹ về mỹ thuật hay lí do, chị đã đụng tới một đề tài luôn được coi là hấp dẫn: Sex?
+ Tất cả những điều chị nói đều đúng. Nhưng cơ bản nhất là tôi đã chuẩn bị tâm thế cho bạn đọc đón nhận điều đó. Họ được biết thông tin về cuốn sách sẽ ra đời của tôi bằng nhiều status của tôi trên Facebook. Đương nhiên, tôi hiểu bạn đọc của tôi là ai? Họ cần gì? Và tôi tự truyền thông về “Gáy mảnh hững hờ” theo hướng đó. Bạn đọc của tôi mang tâm trạng chờ đợi một món quà, cho dù họ biết chắc món quà đó bao gồm những gì - bởi vì hầu hết truyện tôi đã đưa lên mạng xã hội. Nhưng họ vẫn tò mò, khi những “mảnh tình” đứng san sát cạnh nhau thì sẽ như thế nào? Và tôi gói bọc “món quà” ấy ra sao?
- Có thể nói Võ Hồng Thu là một trong những nhà báo đầu tiên đưa giáo dục giới tính, thực ra hơn cả giáo dục giới tính, mà là tư vấn về tình yêu, tình dục lên báo bằng chuyên mục “Thì thầm bên gối” trên ấn phẩm “Người đẹp Việt Nam” của Báo Tiền phong trước đây. Đấy là do chị liều, chị muốn mở rộng thêm độc giả cho tờ báo của mình hay đơn giản, chị đã hiểu được về một nhu cầu có thật của bạn đọc, nhu cầu bổ sung kiến thức về tình yêu, tình dục?
+ Có chút liều bởi ở thời điểm cách đây 20 năm, hầu như không có mấy tờ báo dành hẳn “đất” cho chuyên mục về giáo dục giới tính. Mà lại không phải giáo dục kiểu cô giáo giảng bài cho học sinh. Tôi là người làm báo bẩm sinh đã tự hiểu mình là người phục vụ, tôi sẽ không làm báo để thể hiện bản ngã của mình mà là để đáp ứng những nhu cầu của bạn đọc. Đó cũng chính là nhu cầu của con người. Mà đã là con người thì dĩ nhiên là có nhu cầu yêu, nhu cầu “cái chuyện kia”…
Có điều, kiến thức về tình yêu/ tình dục chuyển tải đến bạn đọc như thế nào? Đó mới chính là mối bận tâm của tôi và những đồng nghiệp. Trước hết, chúng tôi phải tự đào tạo mình thành những con người cởi mở, tiếp thu được những tinh hoa mang tính quốc tế của lĩnh vực theo nhiều cách. Sau đó, kiến thức được phổ biến thông qua những bài báo, thực ra thành hẳn chuyên mục cụ thể trên tạp chí “Người đẹp Việt Nam” - chuyên san của Báo Tiền Phong thời đó.
Tên chuyên mục “Thì thầm bên gối” là niềm tự hào của chúng tôi, về sau do không đăng ký bản quyền, quá nhiều nơi đã tùy nghi sử dụng, đó là một cái tiếc của tôi. Độc giả của báo chúng tôi khá đông và ổn định số lượng, cả chất lượng nữa. Tôi cho đó là thành quả đáng tự hào nhất trong công việc làm báo của mình.
- Rõ ràng trên thực tế, giáo dục giới tính đang là lỗ hổng thiếu khuyết ở ta. Đọc truyện của chị thấy rằng, những trang viết về sex không hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân, mà đã được chị dày công nghiên cứu, trau dồi, tìm hiểu… Vậy chị có nghĩ rằng, bạn đọc, nhất là giới nữ, sẽ yêu bản thân, hiểu về bản thân hơn… sau khi tiếp cận với văn chương của chị?
+ Chắc chắn đấy. Tôi luôn có mong muốn là mỗi chúng ta hãy biết “xót thương tình yêu” hơn. Mà trước khi xót tình thì cần phải biết tự xót thân. Nghĩa là, phải ứng xử tốt với bản thân trên cơ sở thấu hiểu. Nếu bạn đọc kỹ những gì tôi viết, sẽ học được không ít kỹ năng để có thể yêu mình và yêu người. Tôi dám nói điều này mà không sợ ai đó cho là tự cao.
- Chị cảm giác thế nào nếu được gọi là “Nhà văn chuyên viết truyện ngôn tình”?
+ Tôi thích, dù chả hiểu lắm, mà cũng chưa bao giờ tra mạng để hiểu rõ thế nào là truyện ngôn tình. Tôi chỉ cảm giác, tôi quả là một “cái dòng riêng”, đúng như nhà văn Y Ban từng nhận xét. Có thể nhiều người viết không công nhận tôi nhưng “nhại” tôi chắc cũng khó. Vả lại, tôi thực dụng từ khi bắt đầu làm báo. Báo được khen là hay mà không bán chạy - dĩ nhiên là cũng phải tính đến các yếu tố khách quan nữa - tôi chả đánh giá.
Truyện viết ra ít người đọc, sách in chả mấy người muốn mua, tôi cho là thất bại của người cầm bút. Tôi không thuộc loại người thích tự than mình “đầu thai nhầm thế kỷ” hoặc là có lòng tin rằng nhiều chục thậm chí trăm năm sau có người “nhìn ra” mình.
- Rõ ràng chị đến với văn chương hồn nhiên, không toan tính. Và cũng rõ ràng chị đã tạo được một chỗ đứng cho mình sau khi cho ra mắt tập truyện thứ tư “Gáy mảnh hững hờ”. Vậy dự định trong tương lai của chị là gì, chị có mong muốn bứt khỏi cái lãnh địa mà chị đang thành công?
+ Tôi chắc vẫn trung thành với cái tạng truyện xưa nay của mình. Nhưng tôi tự nhận thấy, tôi viết tốt lên qua năm tháng. Đó là vì tôi tuy cảm thấy mình chưa tận lực với việc viết nhưng đã rất nghiêm túc trong quá trình viết. Tất cả các truyện tôi viết ban đầu đều do đặt hàng của một tờ báo nào đó. Nghĩa là tôi không viết chỉ vì sự thôi thúc nội tâm, cái điều mà tôi vẫn quen đọc thấy khá đông người viết khác chia sẻ.
Nhưng tôi luôn có ý thức xây dựng kho dữ liệu để có thể viết ngay khi có đặt hàng. Máy tính của tôi luôn có một fouder tên là “Tài liệu viết truyện”. Trong đó tôi note từ tên nhân vật, tên địa danh, tên và cách nấu sơ các món ăn… Đặc biệt là tôi luôn có sẵn các cốt truyện. Với tôi chỉ cần có cốt truyện là có thể viết xong một câu chuyện dài khoảng 2 ngàn chữ trong 2 giờ đồng hồ. Tốc độ đánh máy của tôi cũng khủng đấy chứ?
Tôi có một số đề nghị viết tiểu thuyết và viết kịch bản phim truyền hình. Tuy nhiên, tôi chưa sẵn sàng. Ngoài việc tiếp tục viết truyện như… cũ, tôi đang hứng thú biến truyện của mình thành một dạng sách nói. Vì chưa làm được bao nhiêu nên tôi tạm chỉ chia sẻ như vậy thôi.
- Võ Hồng Thu luôn xuất hiện ở ngoài đời, trong văn chương, trong công việc và cả trên facebook như một người tràn đầy năng lượng. Chị làm cách nào duy trì được nguồn năng lượng đó ở tuổi này, sau cả quá trình cũng đã hơn 20 năm làm báo?
+ Tôi có may mắn là thường xuyên cảm thấy tình yêu thương tràn trong mình. Nói thế nghe có tiểu thuyết không nhỉ? Nhưng quả là như thế. Tôi yêu thương con người, không thích nói xấu người khác và không để tâm những chuyện lặt vặt. Tôi luôn nghĩ làm được gì cho ai, thì cố làm, cho dù đôi khi bị nói là bao đồng - dĩ nhiên mức độ nhẹ thôi. Bản thân năng lực yêu thương con người cũng bao gồm yêu chính bản thân mình. Tình yêu đó dạy tôi rằng, cần phải ăn ngon, ăn đủ chất, đúng giờ, ngủ cũng thế. Khi ngủ, kể cả ban trưa, tôi luôn tắt chuông điện thoại di động. Còn phải kể đến thói quen tập Yoga hàng ngày và thú vui xông hơi, massage đều đặn mỗi tuần; rồi nhu cầu nghe nhạc, xem phim, đọc sách. Thậm chí là nhu cầu nấu ăn hàng ngày. Và nhất là nói chuyện với con trai đang học ở xa, tâm tình với cô con gái đang chớm bước vào tuổi thiếu nữ… Mà mỗi khi làm điều gì tôi đều để tâm vào đó, không phân tán. Tất cả những điều đó, mỗi thứ một chút, cho tôi một cơ thể khỏe mạnh và năng lượng chắc chắn là bền vững, nếu như trời thương không giáng vào tôi một tai họa bất ngờ nào đó.
- Nếu bây giờ buộc phải chọn một trong hai, văn và báo, chị chọn gì?
+ Đừng bắt tôi phải chọn. Nó như hai đứa con, mình không thể nói yêu đứa nào hơn. Tôi yêu thích cả hai công việc này và chúng cho tôi không ít “lộc” đâu. Cao nhất chính là hạnh phúc được làm việc, được công nhận và được yêu quý. Khoái cảm từ những điều đó, tình yêu cũng khó sánh được lắm. Tôi muốn nói thêm là mặc dù tự hào vì đã có những thành công nhất định trong cả hai công việc làm báo và viết văn, nhưng tôi không quá đau đáu vì cả hai. Tôi tuyệt nhiên không quá xúc động khi được gọi là “nhà nọ”, “nhà kia”.
Thậm chí, tôi còn có phản xạ tránh xa những tung hô. Sách “Gáy mảnh hững hờ” có dư âm trong bạn đọc, các bạn tôi bảo làm ra mắt sách đi, tôi còn ngần ngừ, cho tới giờ vẫn chưa quyết định. Với tôi, công việc và những thành công là để giúp tôi sống trọn vẹn, sống hào hứng với mỗi một ngày mà tôi đang có.
- Trân trọng cảm ơn nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu!