Nhà văn Nobel 2022 Annie Ernaux - người tự săm soi vào bản ngã
Theo TS Trần Ngọc Hiếu, Annie Ernaux là đại diện tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết bán tự truyện. Đây hiện là một trong những xu hướng phát triển nhất của văn học.
Vừa qua, Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi tên Annie Ernaux là chủ nhân Giải Nobel Văn chương 2022. Bà được vinh danh vì "lòng dũng cảm và sự nhạy bén sắc lạnh bà sử dụng để khám phá ra gốc rễ, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân".
Annie Ernaux từng có tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam: Một chỗ trong đời và Hồi ức thiếu nữ. Cả hai tác phẩm đều nhận được những đánh giá tích cực từ phía độc giả.
Cách đây một tuần, danh sách các nhà văn có tỉ lệ đặt cược thắng giải Nobel Văn chương cao nhất được lan truyền trên mạng xã hội có tên Annie Ernaux. Nhiều người bày tỏ sự hào hứng, mong bà đoạt giải để nhiều tác phẩm của bà được xuất bản ở Việt Nam.
Làn gió mới trong văn học Pháp
Trao đổi với Zing, TS Trần Ngọc Hiếu, giảng viên chuyên ngành văn học so sánh và lý luận phê bình tác phẩm văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nói: “Người ta từng nói nhà văn nữ là nhà văn tự ‘ăn mình’, khai thác câu chuyện cá nhân của mình. Annie Ernaux cũng viết câu chuyện của mình nhưng không tự luyến mà tiết chế hơn. Bà viết lạnh, không ăn vào ý niệm, viết với sự săm soi bản ngã”.
Vị tiến sĩ cho rằng Ernaux đi sâu vào những khía cạnh nhỏ và riêng tư của người phụ nữ. Bà viết không để đưa người ta vào sự duy cảm mà tự phân tích thẳng thắn. “Điều đầu tiên tôi thích khi đọc văn Ernaux là sự thành thật ở bà”, TS Trần Ngọc Hiếu chia sẻ.
Annie Ernaux từng tự mô tả bản thân là “một nhà dân tộc học của chính mình”. Bà đào sâu vào miền ký ức để tìm ra giọng văn riêng. Bà viết về vấn đề thực tế, tỉnh táo và dựa trên thực tế.
Ở Pháp, nơi mà trong một thời gian dài chỉ có giới thượng lưu Paris mới được coi trọng trong văn đàn, những cuốn sách của Annie Ernaux xuất hiện như một làn gió mới, một sự khiêu khích.
Dòng tiểu thuyết Annie Ernaux viết hiện là một trong những xu hướng phát triển của văn học. Annie Ernaux đã truyền cảm hứng cho nhiều tác giả bằng kỹ thuật viết về chính trải nghiệm của mình. Quyết định trao giải Nobel Văn học cho Annie Ernaux nhận được nhiều sự tán thưởng từ phía công chúng.
Anders Olsson, chủ tịch của ủy ban Nobel, nói rằng: “Các tác phẩm của Ernaux liên tục khám phá trải nghiệm cuộc sống được đánh dấu bởi những cách biệt về giới tính, ngôn ngữ và giai cấp”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chúc mừng Annie Ernaux, cho rằng giọng văn của bà là tiếng nói đại diện cho sự tự do của phụ nữ và những điều thế kỷ này đã lãng quên.
Văn chương phẳng
Theo ông Hiếu, thể loại autofiction (hay fictionalized autobiography: tiểu thuyết bán tự sự) là “đặc sản” văn học Pháp và Annie Ernaux là đại diện tiêu biểu. “Đã lâu rồi, Viện Hàn lâm Thụy Điển mới trao giải cho thẩm mỹ thực sự, mà không mang yếu tố chính trị”.
Ông cho rằng mặc dù sách bà có đả động đến những vấn đề như nạo phá thai nhưng bà không đẩy vấn đề nữ quyền lên gay gắt. “Annie Ernaux luôn điềm tĩnh với ngay cả những vấn đề lớn của đời mình”, TS Trần Ngọc Hiếu nhận định.
Ông cho rằng kết quả này cho thấy Viện Hàn lâm Thụy Điển không còn dẫn lý do chính trị, ý thức hệ để tuyên xưng một nhà văn, mà chỉ đánh giá yếu tố văn chương để chọn vinh danh. Viện Hàn lâm năm nay nói rất nhiều về kỹ thuật văn chương của bà: sáng rõ và gợi cảm. Đó là tiếng nói chỉ xoay quanh vấn đề của phụ nữ, nhưng nói theo cách văn chương, cách của lao động thẩm mỹ.
Một điểm nữa đáng lưu ý là văn của Ernaux chỉ xoay quanh cuộc đời mình, chỉ viết câu chuyện cá nhân. Để viết cá nhân như vậy thực ra rất khó, vì nó đòi hỏi nhà văn phải đào sâu bản thể. Ernaux luôn giữ cho giọng văn của mình một vẻ trung lập, một phong cách mà bà tự gọi là écriture plate (văn chương phẳng). Ở đó, cảm xúc tiết chế, ít tình yêu, ít căm hận, chỉ còn câu chuyện rất đời được viết ra một cách tỉnh bơ trên trang giấy.
Sách của bà hiện đã được coi là kinh điển, nhưng có một thời gian dài, bà đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ giới văn học Pháp vì cách bà miêu tả một số trải nghiệm đau thương quá trần trụi. Điều này khiến nhiều nhà báo đặt cho bà biệt danh “Bà Ovary” (Giễu từ nhân vật bà Bovary của Gustave Flaubert)
Bà nhận thấy trong những phản ứng của dư luận khi ấy có sự phân biệt giới tính. Trong một buổi phỏng vấn với Financial Times năm 2020, bà đã nói: “Ở Pháp, văn học là thế giới của đàn ông. Tất cả giải thưởng đều do đàn ông kiểm soát. Bây giờ mọi người nói rằng tôi đã có địa vị, nhưng tôi đã phải đợi đến khi đã ngoài 50”.