Nhà văn phải là bậc thầy về ngôn ngữ
Chúng ta chỉ có thể nói rằng, cuộc thi thơ vừa qua của báo Văn nghệ là một cuộc thi thơ không thành công.
Không thành công bởi hai lý do cơ bản: Một là, không tìm ra tác phẩm để trao giải A. Hai là, tạo nên quá nhiều tranh cãi và chưa thuyết phục được đông đảo công chúng ở tác phẩm của nhà thơ Tòng Văn Hân.
Tiến sĩ Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ, với nhiều công trình nghiên cứu độc đáo về ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ văn chương, chia sẻ: “Nếu nhìn vào những giải thưởng văn chương vừa qua, nhất là giải thơ báo Văn nghệ mà vội vàng kết luận rằng chất lượng sáng tác thơ nói riêng, văn học nói chung đang sa sút thì tôi thấy cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng. Bởi lẽ một giải thưởng không thể nào có sức đại diện cho toàn bộ nền văn học của một đất nước. Nói riêng lĩnh vực thơ chẳng hạn, có nhiều người viết tốt, viết hay nhưng họ không gửi tác phẩm tham gia do không thích hoặc không quan tâm đến giải”.
Khi đọc một tác phẩm văn học, điều mà Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ mong muốn là thu nhận được sự mới lạ trong biểu hiện của tác phẩm: “Những mới lạ ấy phải khiến mình thấy rung cảm, thích thú, xúc động. Và sau hết, tác phẩm cần có một tư tưởng nhân văn truyền đến người đọc, một thông điệp có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa tích cực. Văn học là nhân học, câu ấy với tôi vẫn luôn là chân lý”.
Với anh: “Một tác phẩm được gọi là hay, phải là sự hoàn mỹ, toàn diện ở cả hai bình diện nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, người viết phải mang đến một câu chuyện mới, một vấn đề mới, hoặc chí ít là một góc nhìn mới mà những người đi trước chưa nói đến. Về nghệ thuật, những thể hiện của tác phẩm phải gây được hiệu ứng thẩm mỹ, rung động thẩm mỹ, chinh phục được người đọc. Nội dung và nghệ thuật như đôi cánh cho tác phẩm. Nếu làm tốt thì tác phẩm được bay lên, nếu làm không tốt thì tác phẩm bị nhấn chìm rồi rơi vào quên lãng”.
“Tôi vẫn cho rằng nhà văn cần phải được coi là một bậc thầy về ngôn từ. Chí ít, nhà văn phải có ý thức mình đang làm công việc của sự tạo ra chuẩn mực, tạo ra cái đẹp. Ngôn ngữ của tác phẩm, dù là văn hay thơ cũng cần có sự dụng công, trau chuốt, tìm tòi những biểu đạt mới. Nguy hiểm nhất là sự dễ dãi và tệ hơn nữa là cẩu thả. Nam Cao đã từng nói, đại ý: Cẩu thả trong nghề gì cũng là bất lương, nhưng cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương cần những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có. Dĩ nhiên, trong từng trường hợp cụ thể sẽ có những khác biệt. Chẳng hạn có người không nặng về dụng chữ mà chỉ nặng về biểu ý. Có người ý thì bình thường nhưng mức độ cầu kỳ, gia công về chữ nghĩa lại được dồn nhiều tâm sức. Nhưng sau cùng thì vẫn phải khẳng định rằng, chúng ta cần những nhà văn có lòng tự trọng với nghề, tâm huyết với sáng tạo, và nhất định mỗi tác phẩm cần phải hướng đến việc làm đẹp hơn cho cuộc sống con người”.
“Tôi nghĩ thời kỳ nào cũng có những người ham đọc, yêu việc đọc, coi trọng chữ nghĩa và sách vở. Văn chương dĩ nhiên có thứ dành cho số đông, cho độc giả phổ thông, lại cũng có thứ văn chương kén người đọc. Các nhà văn nhà thơ không nên vì thị hiếu của số đông mà cầm bút sáng tác. Họ cần sáng tác bằng cảm xúc chân thật từ trái tim mình. Anh phải chân thực với chính anh đã thì sau đó đương nhiên anh sẽ có độc giả, có người tìm đến anh. Trong thơ, dở nhất là việc lên gân cảm xúc, sau đó dùng kỹ thuật để che lấp đi sự khuyết thiếu của rung động. Người cầm bút nên tin rằng có rất nhiều độc giả đang chờ đón những tác phẩm có chất lượng, từ đó tiếp tục tăng thêm những động lực mạnh mẽ để sáng tạo. Chính sự nỗ lực của mỗi nhà văn sẽ tiếp tục cải thiện văn hóa đọc của một xã hội, sẽ làm số lượng những người yêu văn chương chữ nghĩa tăng lên. Chừng nào trên đời còn những người cần sự xoa dịu vết thương trong tâm hồn thì chừng đó văn chương vẫn cần tồn tại”.
Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, có thông tin Hội Nhà văn Việt Nam dự định sẽ lập ra một quỹ tài trợ và giải thưởng thường niên cho những cây bút văn chương từ 35 tuổi trở xuống: “Tôi tin đây sẽ là một cú hích, một động lực để kích thích những người viết. Nó cũng là sự động viên, đồng hành và khích lệ kịp thời với những cây bút trẻ. Nhưng dĩ nhiên không phải cứ được đầu tư về kinh phí là chúng ta sẽ nhanh chóng có thêm nhiều đỉnh cao văn học. Mức độ thành công của tác phẩm lại là một câu chuyện khác. Sự vận động nội tại, tình yêu văn chương tự thân của mỗi cây bút và sự nỗ lực của họ mới là điều quan trọng. Mà những lớp người như thế tôi tin không bao giờ mất, bởi chúng ta đã có cả một truyền thống văn chương hàng nghìn năm như một mạch nước ngầm nuôi dưỡng những tâm hồn Việt”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-van-phai-la-bac-thay-ve-ngon-ngu-561116.html