Nhà văn Trần Đức Tĩnh: Mầm cỏ đã lên xanh

Tôi gặp nhà văn Trần Đức Tĩnh lần đầu vào năm 2011, lần đó chúng tôi cùng đến dự buổi ra mắt sách của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ở Nhà văn hóa Thanh niên Hà Nội bên hồ Thiền Quang. Hồi đó Trần Đức Tĩnh mới tốt nghiệp Lớp viết văn của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội.

Rồi chúng tôi hay gặp nhau hơn, khi thì ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nơi anh công tác, khi thì ở một trại viết nào đó do Nhà xuất bản tổ chức. Lần nào gặp vẫn thấy anh như thế, vui vẻ và vui vẻ. Nhớ lần đầu gặp Trần Đức Tĩnh đang đeo quân hàm Đại úy, nhoáng cái bây giờ anh đã “Đại tá” nhà văn quân đội, lại kèm “chức” ủy viên Ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Do vậy vẫn thấy vui vẻ là phải, “nhà văn trẻ” mà.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh.

Vốn quê gốc ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng Trần Đức Tĩnh lại là “trai thành Tuyên” bởi anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Tuyên Quang. Trần Đức Tĩnh nói vui rằng: “Tôi học Trường cấp 3 Tân Trào (Trường THPT Tân Trào, TP. Tuyên Quang), một trường vào loại “số má” của tỉnh Tuyên Quang thật đấy nhưng học văn kém lắm”.

Tôi đùa lại: “Học văn kém lắm nên đi bộ đội chứ gì?”. Nhà văn Trần Đức Tĩnh cười vui vẻ như “cái vui vẻ” thường có ở anh: “Tốt nghiệp phổ thông xong là em thi vào quân đội”. Chả là chàng trai Thành Tuyên vừa tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ vì “mê” bộ đội nên làm hồ sơ thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tôi lại đùa: “Sao không cứ “bám” lấy nghề binh nghiệp để lên tướng mà lại “đeo đẳng” nghiệp văn chương cho nó nhọc thân?”.

Thực ra Trần Đức Tĩnh vẫn theo nghiệp nhà binh, nhưng chẳng hiểu thế nào mà sau tốt nghiệp “võ bị” năm 1999 và được phân công về Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12), đóng quân ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cũng chẳng hiểu vì “ăn” phải vải thiều Lục Ngạn nhiều hay sao, mà chàng Trung úy trẻ Trần Đức Tĩnh lại nảy sinh “Mầm cỏ”.

Đấy là tên truyện ngắn đầu tay của cây bút trẻ Trần Đức Tĩnh. Ở truyện ngắn được viết năm 2008 này, Trần Đức Tĩnh đã viết về những người lính, những đồng đội của mình. Anh cho biết: “Truyện ngắn này tôi viết về khát vọng vươn lên như những ngọn cỏ thao trường trên đất sỏi khô cằn phải chịu đựng biết bao nhiêu nỗi nhọc nhằn dưới cái nắng như đổ lửa…”, đó là nhờ vào sự đoàn kết và tinh thần vươn lên của những người lính sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ trong khó khắn. Và cũng từ “Mầm cỏ” vươn lên đó, Trần Đức Tĩnh được các bậc tiền bối động viên và khích lệ nên viết nhiều hơn và viết về người lính cũng thường xuyên hơn. Anh trở thành cây bút trưởng thành từ người lính và chuyên viết về người chiến sĩ hôm nay.

Người chiến sĩ hôm nay là một đề tài khó. Nhiều nhà văn lão làng, nhiều cây bút chuyên nghiệp cũng cảm thấy “khó khăn” khi đặt bút để viết về đề tài này. Ngay bản thân tôi cũng thế. Tôi viết khá nhiều về đề tài Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ thật đấy mà viết về người chiến sĩ hôm nay cũng “ngắc ngứ”, nếu có viết được và in được cũng không dám khoe bởi tự thấy “không tự tin lắm”.

Vậy mà Trần Đức Tĩnh lại viết về đề tài này cứ gọi là “ngon ơ”. Các truyện ngắn liên tiếp sau đó như: "Lính cậu" hay "Dòng sông tuổi thơ". Rồi "Ghềnh nước xoáy" hay "Con chim sẻ"... cứ thế mà “theo nhau” xuất hiện trên các trang báo rồi nhận được sự chú ý của độc giả, nhất là độc giả là chiến sĩ. Tôi nói vui: “Đúng là mầm cỏ gặp được đất nên đã lên xanh”. Mà đúng là gặp được đất thật, cũng năm ấy, chàng sĩ quan lục quân tạm biệt Sư đoàn 325 để khoác ba lô về Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội học lớp viết văn...

Với loạt các truyện ngắn viết về đề tài người chiến sĩ hôm nay, Trần Đức Tĩnh đã tập hợp lại và in thành tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Mùa phù sa”. Tập truyện ngắn do NXB Hà Nội ấn hành năm 2009, khi anh còn đang “theo học” Lớp Viết văn quân đội. Có lẽ “Mùa phù sa” đúng như bản chất của thứ “đất mỡ màu” thật và nó đã “ứng” ngay với Trần Đức Tĩnh. Văn chương trong tâm hồn người lính ở anh cứ thể mà “đua nhau” sinh sôi nảy nở, cứ thế mà lớn lên tươi tốt.

“Văn chương của Tĩnh” như tôi thi thoảng đùa vui, nhanh chóng được bạn đọc đón nhận, được chú ý với giọng văn sôi nổi, có chút gì đấy kiểu tinh nghịch của những chàng lính trẻ. Chắc cũng vì thế mà sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thì nhà văn trẻ Trần Đức Tĩnh được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam “đề cử” vào Ban Nhà văn trẻ của hội. Anh trở thành “ông” ủy viên của “ban trẻ” như cách gọi của mọi người.

Tôi có lần hỏi anh: “Ông tham gia vào “Ban trẻ” là đúng quá rồi. Liệu kinh nghiệm của chính bản thân mình có giúp gì được các cây bút trẻ không?”. Nhà văn Trần Đức Tĩnh hồ hởi nói luôn: “Thực ra khi chưa tham gia Ban văn Trẻ tôi cũng đã nắm rất chắc khả năng sáng tác của một số cây bút trẻ rồi. Tôi luôn tìm hiểu xem họ có những gì để lựa chọn hướng đi phù hợp, vì văn học chính là con người, là vấn đề thuộc về ý thức, mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh khác nhau để tạo thành chất riêng biệt”.

Công việc ở Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đòi hỏi phải tiếp xúc và đặc biệt là phải biết cách truyền kinh nghiệm để động viên, để khích lệ những cây bút trẻ. Anh cho biết: “Những lần được gặp gỡ các cây bút trẻ là những lần vui. Vui vì ngày càng xuất hiện nhiều bạn trẻ đến với văn chương. Vui vì các bạn trẻ ấy tuy trẻ thật đấy nhưng mạnh dạn viết, mạnh dạn bộc bạch những suy nghĩ của mình”.

Cánh trẻ đến với nhau lấy văn chương làm điểm tựa thì còn gì vui bằng. Tôi tuy là nhà văn đàn anh nhưng cũng đôi lần được “dự” Hội nghị những người viết văn trẻ. Ở hội nghị gồm toàn những cây bút trẻ có đầy nội lực và có đầy khát vọng này tôi thấy các cây bút trẻ bây giờ rất sôi nổi và cũng rất nhiệt thành. Chứ không như cái hồi bọn tôi tập viết văn ấy, cứ “thui thủi” viết. Cứ len lén gửi tác phẩm tới các cơ quan báo chí. Và cứ âm thầm chứ không dám gặp ai, không dám hỏi ai.

Bìa tác phẩm “đình đám” của nhà văn Trần Đức Tĩnh.

Bìa tác phẩm “đình đám” của nhà văn Trần Đức Tĩnh.

“Bây giờ khác rồi anh ạ” nhà văn Trần Đức Tĩnh cho biết: “Các cây bút trẻ hiện nay có “lực lượng” khá đông đảo và ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Họ viết hăng, nói chuyện cũng hăng nhưng hăng nhất là dám thử sức mình ở mọi đề tài”. Tôi hỏi thêm: “Thế đề tài về chiến tranh cách mạng và về người chiến sĩ thì các cây bút trẻ có “dám” viết không?”. “Có chứ. Viết rất nhiều và cũng rất hay mà anh” nhà văn Trần Đức Tĩnh trả lời luôn và anh kể ra một loạt những cái tên như: Phan Đức Lộc, Dương Giao Linh, Cao Nguyệt Nguyên, Tạ Thị Thanh Hải, Phố Hoa (Nguyễn Thị Thúy Ngà), Trần Thái Hưng, Trác Diễm thuộc về văn xuôi… Trần Đức Tín, Nguyên Như, Niê Dũng, Hà Hương Sơn thuộc về thơ… Và nhiều cây bút khác không kể hết.

Và rồi “ông nhà văn trẻ” Trần Đức Tĩnh cho hay rằng anh được tham gia nhiều phong trào sáng tác, tham gia nhiều các hoạt động sáng tác của các cây bút trẻ ở khắp ba miền. Anh bảo: “Ban Nhà văn trẻ có nhà thơ Hữu Việt làm trưởng ban luôn động viên khích lệ các bạn tích cực viết, hiện tại ban đang kết nghĩa với Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhưng do điều kiện các cây bút trẻ đang phải công tác ở nhiều địa phương trên cả nước nên không thể tổ chức các trại sáng tác như các địa phương mà chủ yếu chỉ giới thiệu sáng tác của họ trên vanvn.vn trang web của Hội Nhà văn Việt Nam”.

“Thế với công việc của một BTV nhà xuất bản lớn như Nhà xuất bản Quân đội thì Tĩnh đã “giúp” những gì cho các cây bút trẻ. Nhất là những cây bút trẻ viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ?”. Nhà văn Trần Đức Tĩnh liền kể ra một loạt những tên tác giả cùng tên tác phẩm của các cây bút trẻ viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ. Theo đó là: “Lớp nhà văn trẻ hiện nay hầu như ít người dám thử sức dấn vào mảng đề tài viết về chiến tranh cách mạng bởi đây là thứ mà họ không có nhiều cảm xúc nên rất khó thành công. Viết về người lính thực ra cũng không phải là khó, nhiều người không viết được bởi vì họ chưa quan tâm sâu sắc đến tình cảm của lính, họ chưa sẻ chia đồng cảm chạm tới tâm tư của người lính”.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh đã xuất bản 3 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết "Đối cực" của anh do chính NXB Trẻ ấn hành năm 2014 đã nói lên điều nhận định ấy. Anh đã nhận Giải B Cuộc thi viết về “Kỷ niệm sâu sắc tình hữu nghị Việt - Lào” do Bộ Quốc phòng trao, năm 2009.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-tran-duc-tinh-mam-co-da-len-xanh-i753206/