Nhà văn Trần Luân Tín: ''Được sống và kể lại''
Trong dòng sách văn học viết về đề tài chiến tranh gần đây, 'Được sống và kể lại' của họa sĩ, nhà văn Trần Luân Tín, vẫn được nhắc tới vì dấu ấn của riêng mình. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, từng đoạt giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (không có giải A), đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Sức hấp dẫn của cuốn sách này vượt lên nhiều tác phẩm tự truyện thông thường - không chỉ hấp dẫn bởi nội dung mà còn cuốn hút về văn chương với lối kể chuyện đầy chất thơ.
• PV: Nói đến “Được sống và kể lại”, độc giả khó xác định thể loại của tác phẩm. Có thể gọi đây là tiểu thuyết, hồi ký, hay tự truyện, thưa họa sĩ, nhà văn?
• Họa sĩ, nhà vănTrần Luân Tín: “Được sống và kể lại” gồm những câu chuyện kể về cuộc sống của tôi, một sinh viên đang học dở dang chuyên ngành Mỹ thuật thì nhập ngũ ở tuổi 20 cho đến khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc. Câu chuyện được kể lại sau hàng chục năm sau chiến tranh, khi cuộc sống đã có thời gian thư thả, đỡ vất vả. Tôi muốn để bọn nhỏ thế hệ sau này biết cha ông mình đã trải qua cuộc chiến như thế nào? Điều đặc biệt nhất là họ đã nghĩ gì, cảm xúc của họ như thế nào, họ đã sống ra sao, đã hành động như thế nào? Đầu tiên, chỉ nghĩ viết cho con mình, sau mới nghĩ xa hơn cần phải giữ lại không để những câu chuyện ý nghĩa về một thế hệ như thế trôi qua mất.
Tôi nghĩ những người nổi tiếng họ chọn viết hồi ký, bản thân tôi là người bình thường, chỉ là người lính thôi thì ghi lại, kể lại câu chuyện mình đã đi qua. Đây là tác phẩm tự truyện.
• Nói về tự truyện, thường được xâu chuỗi bởi những câu chuyện ám ảnh, sâu đậm nhất của tác giả. Với anh, trong “Được sống và kể lại”, những câu chuyện ấn tượng nhất là gì?
Những câu chuyện ám ảnh nhất cuộc đời tôi là những năm tháng chiến đấu trong Thành Cổ Quảng Trị, từng cảm xúc ăn sâu vào mạch máu. Con gái tôi từng hỏi một câu rất bất ngờ, rất hay: “Sau khi hy sinh ở Thành Cổ, người chết chôn như thế nào?”. Trong một miếng đất nhỏ như thế, đến gạch còn nát như bùn thì con người có là gì đâu. Vùi xuống đất lại bị bom đạn đào lên, không thể nào một mảnh xương. Mà làm sao chôn được, chỉ có thể vùi đồng đội xuống, và bom đạn ngày này qua ngày khác lại đào lên, không ngày nào ngưng thì làm sao có thể chôn được.
Trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, có khi nghĩ về cuộc sống bình thường trước đây đã có vẫn thấy cảm giác lạ lẫm lắm, dường như đó là thiên đường, không thể tin được có sự bình yên như thế. Cảm giác như sự yên bình ở tận đâu, vô vọng kinh khủng. Đó là những ngày ám ảnh nhất.
• Đọc tác phẩm có thể thấy nhà văn dụng tâm rất nhiều trong từng trang sách. Không chỉ là một câu chuyện hay, chân thật đến khốc liệt nhưng vẫn ấm áp, tích cực, còn vì nghệ thuật kể chuyện. Không ít người nghi ngờ đây là một cái “đỉnh” mà nhà văn Trần Luân Tín khó để vượt qua một lần nữa? Anh có cảm thấy đây là trở ngại với chính mình?
Bản thân tôi không e ngại điều này khi đến với văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Thực ra trong thâm tâm, khi viết cuốn sách này, tôi không nghĩ đến mục đích làm nên một sự nghiệp văn chương gì. Tôi viết vì thấy muốn kể lại câu chuyện, viết trong khoảng thời gian 6 năm. Nhưng không phải là câu chuyện kể lể dông dài, dễ dãi. Quan trọng nhất vẫn là khi viết, tôi nghĩ làm sao giữ ý thức kể lại chân thực và phải có sự hấp dẫn để độc giả có thể đọc được. Tôi trút rất nhiều sức lực vào tác phẩm của mình. Nó đạt được tới đâu là do người đọc nhận xét. Còn tôi thấy tôi đã làm hết sức mình. Nếu cuốn sách sau của tôi có kém hơn thì cũng không sao cả, tôi viết vì tôi thích viết - nghĩ nhẹ nhàng như thế nên không có sự trăn trở cái này hơn cái kia hay e ngại áp lực gì hết.
• Trong hội họa, điêu khắc, anh cũng sáng tác nhiều về đề tài chiến tranh? Giữa viết văn, làm thơ, vẽ tranh, điêu khắc, cái nào giúp anh giãi bày được nhiều cảm xúc của mình hơn?
Tôi có vẽ khá nhiều về chiến tranh. Viết cũng như vẽ, tôi nghĩ rằng cái gì gần gũi, thân thuộc thì mình làm. Tôi không cố ý sáng tạo triết lí hay gửi gắm những gì không thuộc về mình. Mỗi lĩnh vực nghệ thuật “đã” một kiểu. Văn xuôi giống như hội họa, có rất nhiều chi tiết. Còn thơ giống như điêu khắc, cô đọng, ý tại ngôn ngoại, biểu hiện nhiều về cảm xúc. Mỗi thứ có một đặc trưng riêng, đòi hỏi một cách biểu hiện khác nhau. Có thể làm cái này chưa thỏa mãn, tôi sẽ làm qua cái kia.
• Viết một tác phẩm về chiến tranh không thiếu phần khốc liệt nhưng với góc nhìn tích cực, đây phải chăng là phong cách độc giả nhận ra anh sau mỗi trang viết?
Con người của tôi thế nào, tôi thể hiện đúng như thế thôi. Tôi muốn truyền năng lượng tích cực cho độc giả của mình.
Có một kỷ niệm nho nhỏ này. Có lần đi uống cà phê, có một ông Grab dừng lại nhìn, cách nhìn rất gây khó chịu. Xong lại lấy điện thoại ra bấm bấm, xong lại nhìn...
Một lúc, cậu ta đi vào hỏi: “Chú có phải là Trần Luân Tín không?”
Tôi nói: “Đúng rồi, có chuyện gì không?” - lúc này tôi vẫn đang khó chịu. Cậu ấy nói: “Cháu đọc cuốn sách của chú, cháu cũng xem chú trên tivi. Cháu nhận ra chú, mở điện thoại ra xem thì đúng là chú rồi” - Giọng cậu ấy thân thiện, vui vẻ.
Nói chuyện một lúc thì biết cậu ấy từ miền Tây lên thành phố học đại học, chạy xe ôm để trả tiền học. Cậu ấy nói rằng, cuốn sách làm cho cháu có thêm năng lượng để sống. Điều ấy làm tôi rất cảm động. Dù là kỷ niệm nho nhỏ như vậy nhưng làm tôi rất vui, ít nhất thì cuốn sách của tôi mang lại ý nghĩa tích cực cho những con người như vậy.
• Hiện bản thảo anh đang viết về đề tài gì?
Cuốn “Được sống và kể lại” hoàn thành có công nhiều từ cuốn sổ nhật ký tôi viết trong hầm. Dù những trang nhật ký chiến trường chủ yếu chỉ ghi lại cảm xúc, suy ngẫm, nhưng khi lục lại, mọi câu chuyện, chi tiết lại hiện ra rất rõ. Hiện tôi đang viết về thằng cháu, từ cuốn nhật ký ghi chép lại khi nó còn nhỏ đến nay. Từ đấy gợi ý để mình nghĩ tới tương lai của nó trong bối cảnh của xã hội, trong sự phát triển của xã hội bây giờ, khoảng ba - bốn chục năm nữa nó sẽ là người như thế nào? Lúc ấy, những cái rất thân quen của con người, của đời sống... sợ là sẽ càng ngày càng hiếm hoi đi.
• Xin cảm ơn họa sĩ, nhà văn Trần Luân Tín. Mong sớm được đọc tác phẩm mới của anh.
“Được sống và kể lại” là cuốn tự truyện về chiến tranh của họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà văn Trần Luân Tín, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 18 thông tin Sư đoàn 325 Quân đoàn 2. Đơn vị này đã trực tiếp tham chiến tại Thành Cổ Quảng Trị những năm 1972 rực lửa. Tác phẩm viết về quãng thời gian 4 năm chiến đấu của họa sĩ, nhà văn Trần Luân Tín. Điều đọng lại không phải là những trận đánh hào hùng, chiến tranh khốc liệt hay hoài niệm về mất mát, hy sinh. Dù độc giả vẫn gặp những điều ấy trong tác phẩm này. Dưới góc nhìn của một người lính viết về chính anh và đồng đội, về những ai đã sống, đã hy sinh, nổi lên trên hết là giá trị nhân văn ẩn sau những trang sách.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202207/nha-van-tran-luan-tin-duoc-song-va-ke-lai-3127414/