Nhà văn Trang Thế Hy - mãi là 'người bào chế thuốc giảm đau'

Nhiều kỷ niệm được kể trong 'Tọa đàm cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy' nhằm kỷ niệm 100 năm Trang Thế Hy ra đời (1924-2024).

Tọa đàm do Hội Nhà văn TP HCM và Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) phối hợp tổ chức tại TP HCM vào sáng 3-1.

Phát biểu khai mạc, nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, cho biết nhà văn Trang Thế Hy tên thật Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8-12-2015 tại quê nhà. Dù không còn trên cõi đời, tác phẩm Trang Thế Hy và nhân cách của ông vẫn được truyền tụng.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân tại tọa đàm

Nhà văn Trịnh Bích Ngân tại tọa đàm

"Vì vậy, cùng sự tôn vinh - truy tặng Giải thưởng Cống Hiến (trao tặng vào tổng kết hoạt động và trao giải thưởng văn học năm 2024 vào sáng ngày 15-1), Hội Nhà văn TP HCM tổ chức tọa đàm tưởng niệm nhà văn Trang Thế Hy để tất cả chúng ta có dịp nhớ rằng cách đây 100 năm, từ xứ dừa Bến Tre, có một nhà văn ưu tú đã chào đời và tận tụy làm "người bào chế thuốc giảm đau" bằng chữ nghĩa" - nhà văn Trịnh Bích Ngân thông tin.

Bút danh Trang Thế Hy xuất hiện sau cột mốc 1975, trước đó, ông dùng các bút danh: Song Diệp, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Minh Phẩm, Vũ Ái Văn…

Tác phẩm đầu tay của Trang Thế Hy là trường ca "Thanh gươm tháng Tám" in trên báo Nhân Dân Nam Bộ vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông chuyển sang chuyên chú thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với các truyện ngắn: "Bên miệng hố bom đìa", "Hột bụi", "Quê hương thứ hai của người du kích", "Vui nhỏ trên đường dây", "Áo lụa giồng", "Nắng đẹp miền quê ngoại"…

Trong đó, đáng chú ý nhất là truyện ngắn "Anh Thơm râu rồng" được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn Nghệ Giải Phóng miền Nam Việt Nam năm 1965.

Nhà văn Trang Thế Hy viết không nhiều, sự nghiệp của ông có khoảng 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và bốn tiểu thuyết được in nhiều kỳ trên nhật báo.

Với quan niệm "trong cao hứng phóng bút, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt", nhà văn Trang Thế Hy chủ động hướng tác phẩm của mình về phía những số phận lam lũ và yếu thế mà ông xác định cần bênh vực. Ông đã tìm ra vẻ đẹp ẩn giấu bên trong những con người bình thường và bình dị.

"Thái độ tự trọng được nhất quán suốt cuộc đời Trang Thế Hy để ông thong dong làm một "người bào chế thuốc giảm đau", như tên gọi một truyện ngắn ông viết năm 1963. Nhà văn Trang Thế Hy không còn nhưng tác phẩm của ông vẫn tiếp tục làm "thuốc giảm đau" cho độc giả, cho cộng đồng" - nhà văn Trịnh Bích Ngân khẳng định.

Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre

Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre

Các nhà thơ, tiến sĩ tại phiên thảo luận trong tọa đàm

Các nhà thơ, tiến sĩ tại phiên thảo luận trong tọa đàm

Ông Võ Phạm Lê - con trai nhà văn Trang Thế Hy - nói lời cảm ơn trong tọa đàm

Ông Võ Phạm Lê - con trai nhà văn Trang Thế Hy - nói lời cảm ơn trong tọa đàm

Trong buổi tọa đàm, những phân tích sự nghiệp văn chương, chia sẻ về kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy diễn ra đầy cảm xúc. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng nhà văn Trang Thế Hy là một mảnh ghép giúp bức tranh văn chương Nam Bộ định hình tốt hơn.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân nhận định nhà văn Trang Thế Hy có quan niệm nghệ thuật đặc biệt, một người luôn tìm vẻ đẹp trong những số phận đời thường, những cuộc đời không hoàn hảo để khi đọc ta lại thấy đẹp.

Nhà thơ Ngô Thị Hạnh nhớ lại những kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy, người luôn gọi cô là "nhỏ Hạnh" thân thương. Nhà văn Trầm Hương tiết lộ rằng nhà văn Trang Thế Hy nấu ăn rất ngon…

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nha-van-trang-the-hy-mai-la-nguoi-bao-che-thuoc-giam-dau-196250103122002878.htm