Nhà văn Võ Hồng Thu 'bênh' Thanh Lam
Nhà văn Võ Hồng Thu nói rằng chị đặc biệt cổ vũ cho sự can đảm của Thanh Lam. Vì chỉ có sự dũng cảm mới khiến mỗi chúng ta dám đặt chân vào một 'gì đó mới', lướt qua mọi sự khen chê.
Sau bài phỏng vấn ĐỘC QUYỀN: Thanh Lam tâm sự đậm chất Thiền sau câu chuyện hát 'Thiên thai' của Văn Cao, nhà văn Võ Hồng Thu cũng nêu quan điểm cá nhân về vấn đề này.
Cụ thể, Võ Hồng Thu viết: "Nghe chị Thanh Lam hát "Thiên thai" - ca khúc khiến cộng đồng mạng râm ran bàn tán suốt cả tuần nay - tôi thấy, chị hát hoàn toàn ổn, ra được chất liêu trai ma mị của ca khúc. Nếu Văn Cao sống lại và được hỏi có lẽ ông cũng cười hiền và bảo: "Chúng ta thường vui sướng đợi một sự đổi thay của nhau" (Lời Văn Cao nói về thơ Yến Lan).
Nghệ thuật cũng như tình yêu, đó là câu chuyện của rất nhiều cảm tính. Cá nhân Thu luôn đề cao sự chân thật và nồng nhiệt, dám chán sự cũ kỹ. Và đặc biệt cổ vũ cho sự can đảm. Chỉ có sự dũng cảm mới khiến mỗi chúng ta dám đặt chân vào một "gì đó mới", lướt qua mọi sự khen chê, cho dù ở cuối con đường có thể chẳng có hoa hồng. Nhưng hồng đã nở hoa ở mỗi bước chân ta đi. Và thế đã là đủ!".
Ngay dưới bài đăng của nữ nhà văn, tài khoản có tên Nguyễn Hồng Minh có ý kiến phản bác lại nhận định của Võ Hồng Thu. Tài khoản này bày tỏ: "Hát hay, có cảm xúc thì bảo là hay, không hay thì khán giả bảo không hay. Khán giả có người biết nhạc, biết cảm xúc của "Thiên thai". Còn bảo hát "ổn, có ma mị" là không đúng. Đây là ca khúc hát trữ tình, bay bổng, tha thiết. Thanh Lam chưa hiểu nên hát kiểu ma mị làm hỏng hoàn toàn bài hát. Đây là đánh giá chung của người nghe và những người biết nhạc, biết thanh nhạc. Trân trọng!".
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều ý kiến đồng cảm với sự sáng tạo của Thanh Lam. Tài khoản Hoài Hương viết: "Thấy Thanh Lam hát "Thiên thai" ổn - theo phong cách mới, có hơi ồn ào không kiểu lắng đọng như quen nghe xưa nay. Chị cũng thích phá cách chút, thổi không khí dân gian đương đại cộng nhạc kịch, tạo cho ca khúc như được mặc áo mới màu sắc thú vị hơn. Nghe mãi một phong cách hát "Thiên thai" cũng sẽ nhàm".
Đạo diễn Lê Quý Dương bày tỏ: "Nghệ thuật nói chung, đặc biệt âm nhạc nói riêng, luôn không có đúng hay sai. Cảm xúc là yếu tố quyết định. Cảm xúc cũng ít khi đồng nhất mà vô cùng đa dạng tùy theo lứa tuổi, tầng lớp xã hội, quan điểm chính trị, tôn giáo và thẩm mỹ riêng của mỗi cá thể công chúng khán giả. Không có nghệ thuật đích thực cho tất cả đại chúng. Nếu có thì đó cũng chỉ là một thứ nghệ thuật đơn tuyến, một màu theo số đông của đại chúng....
Kinh tế thị trường mang theo cùng sự phát triển của nó là quá trình sàng lọc và phân hóa xã hội (công chúng khán giả) thành nhiều bộ phận với nhu cầu thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật khác nhau, tạo cơ hội đột phá, sáng tạo cho các văn nghệ sĩ có những tìm tòi thử nghiệm mới. Nếu "người nghệ sĩ không biết tự chán chính mình" để sục sôi khao khát đi tìm cái mới thì đó là dấu hiệu của một đời sống văn hóa và nghệ thuật tụt hậu... Cái mới, cái độc đáo, cái khác biệt không bao giờ thuộc về số đông. Khi nó đã thuộc về số đông nó đã trở thành cái cũ, cái bình thường rồi. Hãy để cho người nghệ sĩ được sáng tạo và tận hiến bằng giá trị cốt lõi của họ. Giá trị cốt lõi đó có thể đổi thay theo thời gian ra sao thì tự họ sẽ biết cách điều chỉnh và hoàn thiện".