Nhà văn Vũ Hùng và tình yêu với núi rừng bất tận
Những trang sách của Vũ Hùng luôn tái hiện lại 'một thời chưa xa lắm', núi rừng, muông thú, thiên nhiên và con người tất cả đều hiện lên rực rỡ, phong phú.
Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng (Cầu Giấy, Hà Nội). Ông là cựu học sinh trường Bưởi (Chu Văn An) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1950, ông nhập ngũ, theo học tại trường Thủy quân Việt Nam (khóa 2) và trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 7).
Người say mê với thiên nhiên
Sau khi tốt nghiệp, nhà văn Vũ Hùng có những năm tháng sống ở Lào. Những cuộc hành quân dài đằng đẵng và đầy gian truân đã mang lại cho ông nhiều khám phá về thiên nhiên, đất nước và phong tục tập quán của các dân tộc Việt, Lào cư ngụ trên dải Trường Sơn. Các dân tộc anh em Việt Nam hiện lên với một dáng vẻ gần gũi. Người Bru Vân Kiều đều là những tay lấy nhung hươu cự phách, người Ê-đê, người Lào là những “quản tượng số một” với kỹ thuật thuần dưỡng voi.
Bên cạnh đó, thiên nhiên và muông thú trong các trang sách của Vũ Hùng cũng tạo nên nét đặc sắc riêng từng được nhận định là “gần như độc nhất vô nhị”.
Vùng biên giới phía Bắc hùng vĩ, với “những ngọn núi mây phủ triền miên, những rừng thông vi vút”. Vùng biên giới phía Tây, trong lòng dãy Trường Sơn với những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường.
Thông qua hình ảnh thiên nhiên và con người núi rừng Việt Nam, Vũ Hùng đã đem lại cho người đọc một bản hòa tấu của tình yêu thiên nhiên, tình người và lòng nhân hậu. Con người và thiên nhiên sống một cuộc sống hòa đồng, đùm bọc lẫn nhau. Họ luôn bảo vệ từng nhành cây, ngọn cỏ trong rừng như bảo vệ cái cây trồng trong vườn nhà mình.
Trước đây, nhà văn từng tâm sự quãng thời gian quân ngũ với những cuộc hành quân đã mang lại cho ông nhiều nguồn cảm hứng. Tất cả chuyến đi đó giúp ông tích lũy thêm vốn sống, thôi thúc ông cầm bút viết…
Nhà văn Vũ Hùng từng phụ trách Đài trưởng Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Ông từng là phóng viên Khoa học kỹ thuật của báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên của Nhà xuất bản Ngoại văn và Nhà xuất bản Văn học. Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa.
Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Hai tác phẩm của ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng là cuốn Sao Sao (1982) và cuốn Sống giữa bầy voi (1986).
Học cách sống nhân tình giữa thiên nhiên
Cuốn sách đầu tay của nhà văn Vũ Hùng được xuất bản năm 1961 mang tên Mùa săn trên núi. Kể từ đó, các tác phẩm tiếp theo của ông luôn lấy cảm hứng từ những thiên nhiên và muông thú từ những loài vật khổng lồ cho đến các con thú bé nhỏ.
Nhà văn Vũ Hùng từng chia sẻ rằng: “Ở những làng voi, tôi đã học được cách sống hợp nhân tình: hãy độ lượng và yêu thương. Một cách sống trong quan niệm từ bi của đạo Phật, xa lạ với các lý thuyết phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp. Giống như trong một câu phương ngôn Lào: 'Nếu bạn chột mắt, hãy nhìn bạn phía con mắt lành, ta sẽ thấy bạn chẳng khác gì ta'”.
Cuối năm 2014, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ký độc quyền phát hành 18 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng. Năm 2016, bộ 18 tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng giành giải "Sách hay" của Hội Xuất bản Việt Nam. Cho đến năm 2018, bộ sách này tiếp tục giành giải Sự nghiệp Văn học" tại "Lễ Trao giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2017 và kết nạp hội viên mới".
Trong một buổi phỏng vấn với Zingnews, nhà văn Vũ Hùng cho biết: “Viết sách không chỉ mang lại cho tôi niềm vui mà còn giúp tâm hồn tôi trở nên thăng hoa. Tôi đặt cảm xúc của mình vào tác phẩm, nhờ đó cuộc đời ý nghĩa hơn. Ai cũng ao ước được sống cuộc đời mà mình mong muốn, tôi biết mình đã làm được điều ấy”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-vu-hung-va-tinh-yeu-voi-nui-rung-bat-tan-post1371425.html