Nhà vô địch Swiss Ultra 2022 Vũ Phương Thanh: Tôi muốn là phiên bản tốt nhất của chính tôi

Sáu năm sau khi trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục cự ly chạy bền 1.000km qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới ở châu Phi, châu Mỹ và Nam Cực, Vũ Phương Thanh một lần nữa trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên giành vị trí quán quân tại Giải vô địch thế giới ba môn phối hợp cự ly siêu bền tổ chức tại Thụy Sĩ (World Champion Deca Ultra Triathlon hay còn gọi là Swiss Ultra 2022).

Khá bất ngờ khi nhà vô địch xác nhận chạy bộ với cô chưa đến mức gọi là “đam mê”. Chạy bộ là phương tiện để cô gái trẻ bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá giới hạn bản thân.

Là gương mặt quen thuộc tại nhiều đường chạy siêu bền trong nước và quốc tế, nhưng Swiss Ultra 2022 còn có bơi lội và đạp xe, hai môn phối hợp không gắn với những thành tích mà chị từng tích lũy…

Swiss Ultra 2022 thực sự là một thách thức rất lớn tôi đặt ra cho bản thân mình. Vốn liếng ba môn phối hợp của tôi là cự ly 70,3km (bơi 1,9km, đạp 90km, chạy 21km), bằng 1/20 cự ly siêu bền tại giải vô địch thế giới diễn ra tại Thụy Sĩ. Chênh lệch khắc nghiệt là cơ hội để tôi bước ra khỏi vùng an toàn.

Vũ Phương Thanh đã trở thành nữ vận động viên Việt Nam đầu tiên vô địch Swiss Ultra 2022 với 3 môn phối hợp cự ly siêu bền: bơi, đạp xe, chạy bộ. Ảnh: BTC

Vũ Phương Thanh đã trở thành nữ vận động viên Việt Nam đầu tiên vô địch Swiss Ultra 2022 với 3 môn phối hợp cự ly siêu bền: bơi, đạp xe, chạy bộ. Ảnh: BTC

Bơi và đạp xe cũng là hai kỹ năng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến. Sức bền đòi hỏi tích lũy dài hơi. Bơi lội tôi tập trong bể. Tự ganh đua với mình. 4km. 6km. 8km. 10km… Dài nhất 31km. Nâng cấp cự ly là một quá trình “đối thoại” với cơ thể của mình, thấu hiểu nhu cầu của cơ thể. Từ những dấu hiệu quá tải có thể dẫn đến chấn thương, khi nào phải ngủ nghỉ, cho đến thời điểm cần nạp năng lượng, loại gì, tần suất ra sao… để dạ dày có thể tiêu hóa tốt nhất trong điều kiện giới hạn về thời gian nghỉ ngơi…

Xe đạp cũng vậy. Gần hai năm giãn cách xã hội do dịch bệnh là khoảng thời gian tôi tập trung cải thiện kỹ năng đạp xe… trong nhà. Thành tích tốt nhất trước khi tham gia Swiss Ultra là 18 tiếng liên tục.

Đạp xe trong nhà khá ổn định trong khi địa hình thì đầy bất trắc…

Đấy là điều tôi đã trải nghiệm tại Swiss Ultra 2022. Đường đạp xe khá hẹp, giữa hai sườn dốc. Bên này là thung lũng, bên kia là sông. Mưa xối xả, kéo dài hầu như cả ngày. Đồ mau ướt, phải thay liên tục. Giải pháp tình thế là mặc đồ bơi để giữ cơ thể không bị nhiễm lạnh.

Không phải đồ chuyên dụng thiết kế cho đạp xe nên hiệu suất vận động bị hạn chế. Ngay cả những tay đua dày dạn kinh nghiệm cũng khá chật vật trong điều kiện thời tiết bất lợi. Đạp được quãng đường 27km, tôi bị té. Xe tung phải đá. Tôi bật khóc…

Nước mắt đâu có rút ngắn được hành trình?

Cho phép bản thân bộc lộ cảm xúc giúp tôi giải tỏa. Đầu óc tỉnh táo phân tích tình huống tốt hơn. Mất hơn nửa ngày tôi chỉ hoàn thành 1/10 quãng đường 270km theo kế hoạch. Chỉ tiêu này khá khiêm tốn. Vừa sức mình nhưng thấp hơn mức trung bình 330km/ngày, chưa kể những người xuất sắc có thể duy trì nhịp độ 400km, thậm chí 450km…

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Không hoàn thành 270km, tôi sẽ phải đạp bù vào những ngày kế tiếp, có thể lạm vào thời lượng dành cho đường chạy, dẫn đến khả năng không hoàn thành trước thời hạn mà Ban tổ chức giải quy định (14,4 ngày).

Cố đạp trong màn mưa hiệu suất vừa không cao, vừa rủi ro. Lỡ gặp chấn thương, giải đấu lập tức khép lại. Tôi không dám tin may mắn sẽ vẫn mỉm cười nếu mình té xe một lần nữa. Cân nhắc tới lui, tôi quyết định dừng lại, nghỉ ngơi, chờ đợi ông trời. Mưa ngớt khi đêm xuống. Lạnh hơn nhưng đứng gió, bớt sức cản. Tôi đạp xe xuyên đêm.

Vũ Phương Thanh là người phụ nữ châu Á đầu tiên năm 2016 đã chạy qua 4 sa mạc khắc nghiệt: Sahara, Gobi, Atacama, Nam Cực với chiều dài 1.000km. Ảnh: TLNV

Vũ Phương Thanh là người phụ nữ châu Á đầu tiên năm 2016 đã chạy qua 4 sa mạc khắc nghiệt: Sahara, Gobi, Atacama, Nam Cực với chiều dài 1.000km. Ảnh: TLNV

Dừng lại “mai phục” ông trời là một lựa chọn chiến thuật chủ động. Từ thực tiễn tham gia giải đấu, có khi nào cơ thể tới hạn, năn nỉ chị dừng lại?

Thực tế là không hề dễ dàng để có một suất tại Swiss Ultra 2022. Nguồn lực, nỗ lực cá nhân chỉ là một phần. Khi tôi toàn tâm toàn ý thử thách giới hạn cá nhân tại Thụy Sĩ thì những đồng nghiệp ở nhà phải lao động nhiều hơn, “choàng” thêm phần việc mà tôi để lại trong suốt hai tuần lễ. Đứng trước vạch xuất phát, tôi không cho phép mình nảy sinh ý định bỏ cuộc.

Ở phần đầu cuộc trò chuyện, chị có nhắc đến ý thức bước ra khỏi vùng an toàn. Vì sao chạy bộ, rộng hơn là thể thao lại là phương tiện đối với Vũ Phương Thanh?

Tôi bắt đầu chạy bộ từ năm 13 tuổi, xuất phát từ nghĩa vụ phải hoàn thành môn thể dục ở trường phổ thông. Thú thực là tôi không có năng khiếu thể thao như nhiều bạn cùng trang lứa. Xỏ giày, chạy bộ tự nhiên là một lựa chọn tình thế khả dĩ nhất…

Tôi yêu cuộc sống mới lạ, nhiều màu sắc mà ở đó mình có thể liên tục mở ra giới hạn, liên tục tháo gỡ những vướng mắc để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Những thách thức này vô tình liên quan đến chạy bộ. Trong tương lai, nếu xuất hiện những màu sắc mới, dù có thể không liên quan đến thể thao, tôi vẫn có thể bị cuốn hút, miễn là thách thức mình bước ra khỏi vùng an toàn.

Xuất phát từ nhu cầu tự thân nhưng những giá trị cá nhân mà “siêu nhân” tạo lập ít nhiều cũng truyền cảm hứng cho cộng đồng. Sau khi đăng quang vị trí quán quân Swiss Ultra 2022, tương tác, lượng theo dõi (follow) trên facebook Thanh Vũ có tăng đột biến?

Xuất phát từ nhu cầu tự thân nhưng những giá trị cá nhân mà “siêu nhân” tạo lập ít nhiều cũng truyền cảm hứng cho cộng đồng. Sau khi đăng quang vị trí quán quân Swiss Ultra 2022, tương tác, lượng theo dõi (follow) trên facebook Thanh Vũ có tăng đột biến?

Có biến động nhưng không đáng kể. Muốn follow tăng vọt, tạo xì căng đan coi bộ dễ hơn. Tôi cũng không có nhiều thời gian tương tác trên mạng xã hội, dễ khiến mình bị phân tán.

Ngoài đời, những người quen đều biết tôi là người rất bình thường. Một người rất bình thường trở thành phụ nữ Việt Nam đầu tiên, phụ nữ châu Á đầu tiên cán đích cũng là một cách mở đường cho nhiều người giỏi hơn, vì lý do nào đó mà chưa mạnh dạn thử thách bản thân, có cảm hứng bước ra vùng an toàn của mình. Không nhất thiết phải là bơi - đạp - chạy bởi vùng an toàn mỗi người mỗi khác.

Ảnh: TLNV

Ảnh: TLNV

Cá nhân tôi cũng được truyền cảm hứng từ những giải đấu mà mình từng tham gia. Là gương mặt mới trong cộng đồng ba môn phối hợp cự ly siêu bền, tôi khá hồi hộp. Tuy nhiên, mọi người rất cởi mở và gần gũi. Những thành viên hỗ trợ hậu cần cho Macedonia, Ba Lan hô vang “Việt Nam”, khích lệ mỗi khi thấy mình đuối sức. Sự khích lệ nhiệt thành, đúng điểm rơi làm mình cảm động. Cảm hứng còn đến từ các vận động viên. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1958. U70 vô cùng dẻo dai, thi đấu tập trung, ý chí sắt đá. Cô ấy là một minh chứng sống động về giới hạn của con người. Không gì là không thể.

Swiss Ultra 2022 đã khép lại. Liệu rằng chị đã có sự chuẩn bị cho những mục tiêu kế tiếp?

Trong tháng 12, tôi dự kiến đạp xe từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến Cà Mau. Hành trình xuyên Việt đi qua 26 - 28 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương, tôi sẽ chạy bộ 10 cây số, như một hoạt động tăng cường tương tác với cộng đồng. Tôi cũng mong muốn phối hợp với cơ quan tổ chức trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, thanh niên thảo luận về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, trong đó tập trung vào vấn đề ứng xử với rác thải như một loại tài nguyên, làm đầu vào cho sản xuất, đồng thời bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Với tôi, đó là một hành trình ý nghĩa, gần gũi với nhiều người. Mỗi người đều có thể bắt đầu từ những điều vô cùng nhỏ bé. Chẳng hạn như giảm thiểu sử dụng bịch nilon một lần. Chỉ cần mỗi người mỗi ngày bớt một lượt sử dụng túi nilon, nhân lên 365 ngày, nhân tiếp cho gần trăm triệu con người, chúng ta sẽ có một con số khổng lồ. Tích tiểu thành đại. Đấy cũng là điều tôi rút ra được từ Swiss Ultra 2022. Đạp xe 1.800km thực ra cũng chỉ là 200 lần đạp xe cự ly 9km. Chạy bộ 422km tương ứng với 351 vòng lặp của khoảng 1,2km. Nhờ vậy, rất nhiều người đều có thể làm được.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Vũ Phương Thanh sinh năm 1990 tại Hà Nội. Cô không phải là vận động viên chuyên nghiệp. Du học nước ngoài, từng làm chuyên viên phân tích tài chính của hãng tin Bloomberg, hiện Thanh đầu quân cho một tập đoàn tư nhân về nước giải khát tại Việt Nam.

Thời hạn để hoàn thành ba môn phối hợp cự ly siêu bền tại Thụy Sĩ là 14,4 ngày. Vũ Phương Thanh hoàn tất ba nội dung bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy bộ 422km với thành tích 328 giờ 27 phút 55 giây (khoảng 13,6 ngày), hơn người tiếp theo khoảng 11 giờ đồng hồ.

Khuê Anh thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-vo-dich-swiss-ultra-2022-vu-phuong-thanh-toi-muon-la-phien-ban-tot-nhat-cua-chinh-toi-36742.html